“Ông trùm” nhạc cassette hiếm hoi của đất Hà thành

“Ông trùm” nhạc cassette hiếm hoi của đất Hà thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Một thời, ta thường bắt gặp thứ âm thanh nhè nhẹ vọng ra từ một chiếc đài cassette cầm tay của ai đó, rồi những tiếng rẹt rẹt, eo éo đặc trưng của những đoạn băng bị bẩn hay rối.

Thế là phải ngắt điện rồi loay hoay mở hộc băng gỡ cẩn thận từng đoạn ra, nhẹ thì bị xước băng, nặng thì có thể bị méo tiếng hay đứt mất cả đoạn hay. Đó là câu chuyện thưởng thức âm nhạc của hơn chục năm về trước.

Vẫn bám trụ với nghề bán băng cassette

Ông là Đức Hậu, chủ cửa hàng "Băng đĩa nhạc" nằm khoảng giữa khu vực đường Giảng Võ. Đôi "loa sắt" Lo-D mua từ năm 1974 hết gần nửa cây vàng nằm ở góc nhà, quay miệng ra cửa chính. Dàn âm ly đồ nghề để thu băng cassette đang chạy ro ro.

Cũng giống như mái tóc đã bạc trắng của ông chủ, vật dụng nào ở đây cũng bị thời gian trùm một vẻ gì đó vừa mộc mạc vừa đơn sơ, cổ kính...

Bên cạnh một số đĩa CD, VCD bán kèm thì hầu hết vẫn là những cuốn băng cassette cách đây cả chục năm vẫn được cụ bày bán. Những chồng băng với bìa nhạc được photo rồi cắt nhét vào hộp, từng ô một được ông xếp gọn gàng, toàn những dòng nhạc mà chỉ nhắc đến tên thôi cũng đủ gợi lại một thời hoàng kim của những quần ống loe, tóc phi -dê, và đặc biệt là băng cuốn, đài cassette!

Nghe tôi hỏi định mua một vài cuốn băng cassette, hơi tỏ vẻ ngạc nhiên ông bảo: "Trẻ như anh vẫn còn nghe thứ ấy cơ à?". Rồi ông hỏi tôi có bận không, nếu không bận thì ngồi uống nước chờ một chút. Vì ông đang bận thu dở một cuốn băng cho khách, chỉ còn chút nữa là xong.

Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi ông: "Với những chiếc băng nhạc này thì còn có ai mua mà ông vẫn bày ra nhiều thế?". Bây giờ ai ai đều dùng đĩa CD, VCD... thậm chí còn chả cần đĩa, chỉ cần lên internet để copy xuống là xong? Băng cassette tuy chưa được coi là một thứ đồ cổ quý hiếm kiểu như băng cối, thế nhưng có lẽ giờ này chưa nói đến băng chỉ nói đến chiếc đài cassette thôi có lẽ cũng ít người còn giữ. Thế nhưng trái với những suy nghĩ của tôi, câu trả lời của ông đã khiến tôi thực sự bất ngờ: "Từ sáng tới giờ, tôi bán được... gần chục băng rồi đấy".

Băng cassette, thời hoàng kim đã xa

Ông Hậu kể, vào năm 1991, lúc ấy vừa nghỉ hưu xong, 54 tuổi, cái tuổi chẳng phải là không làm được gì nhưng cũng không thể tiếp tục bôn ba ngược xuôi được nữa. Tính toán mãi ông quyết định mở một cửa hàng băng đĩa để vừa kiếm thêm thu nhập vừa có việc làm cho đỡ rảnh chân, rảnh tay.

Ngày ấy quán còn sơ sài hơn cả bây giờ, gần như chỉ là cái lều căng tạm. Nhà ở trong khu tập thể Giảng Võ nên sáng sáng ông phải chất tất cả đồ nghề lên chiếc xe rồi đẩy ra cửa hàng. Nhiều hôm mưa to, hắt cả vào quầy, chỉ cần chậm một chút, không chạy kịp là cả nhà lại được buổi huy động để lau dọn rồi mang đi phơi, vì băng cuốn chỉ cần ẩm một chút là rất dễ mốc, hỏng.

Quán của ông tuy có phần "sơ sài" là thế tuy nhiên lại rất đông khách bởi vì ngày trước cũng là dân "chơi nhạc" cho nên ông thu thập được rất nhiều bản nhạc độc. Ngoài ra những khách đến đặt thu băng cũng vô cùng an tâm về trình độ thẩm âm và tính cẩn thận của chủ quán. Ngày đó những băng của Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Trần Thụ... có khi chưa kịp sao ra đã được mua hết.

Ông Hậu nói: Theo ông, vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, loa, đài được chuyển từ Sài Gòn hay xách tay từ Nhật về rất nhiều. Đến những năm 90 thì những phố như Hàng Bài, phố Huế, các cửa hàng bán và thu băng cassette mọc lên như nấm, ở khu Giảng Võ cũng có khá nhiều cửa hàng.

Băng "công nghiệp" thời đó thường có nguồn gốc từ Thái Lan, để trong hộp nhựa mềm màu đen, bìa in màu sặc sỡ chất lượng khá tốt. Còn những cuốn băng "tự biên tự diễn" thì thường được các khách hàng kỹ tính nhờ những "cửa hàng ruột" của mình thu ra. Những cửa hàng uy tín luôn luôn trong tình trạng chen chúc các khách đến nhờ thu.

Bên cạnh đó cũng có một số người lại thích tầm những cuốn "băng độc" sau đó về nhà đóng cửa tự thu, tự sắp xếp, chỉnh lại âm thanh cho bài hát để có thể thưởng thức cái thú nghe nhạc theo ý mình. Với những "dân chơi" kỹ tính thời đó, ngay từ việc chọn loại băng để thu cũng được lựa cẩn thận.

Những loại "băng cỏ" thường được dùng để thâu những album bình thường, không quan trọng lắm. Còn những album thuộc hàng đỉnh cao, nghe đi nghe lại cả tháng, cả năm không chán sẽ được thu vào các băng Chrome hay Metal hoặc ít ra cũng phải là các hiệu có tên tuổi.

Nỗi buồn ngày sắp chia xa

Ông Hậu kể tiếp, có thể nói cho đến khoảng thời gian đầu những năm 90 thì thời kỳ cực thịnh của băng cassette. Nhiều lời tỏ tình đầy lãng mạn đã được cả một thế hệ thực hiện, đó chính là việc các chàng trai, cô gái tự chọn lọc, tự thu những bài hát gửi gắm tình cảm của mình trong đó rồi gửi tặng đến người mình yêu theo kiểu "đó chính là những lời trái tim muốn nói".

Tuy nhiên sau khi đạt đến ngưỡng, thời kỳ này bắt đầu đánh dấu sự lấn sân của những chiếc đĩa nhựa CD mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy qua việc chiếc máy Walkman Sony, một đỉnh cao của công nghệ nghe nhạc cassette đã bị chuyển thành Discman chạy đĩa CD. Một sai lầm của Sony mà sau này hãng đã phải sửa đổi bằng cách bỏ hẳn cái tên Discman để quay lại sử dụng từ Walkman như một giá trị đỉnh cao của mình.

Ông chia sẻ: Cuối năm nay mấy người con của ông sẽ từ nước ngoài về, cho nên chắc hết năm nay là ông đóng cửa, có tuổi rồi. Con cháu cũng không muốn mình cặm cụi cả ngày nữa. Nhiều khách quen biết cũng cổ vũ động viên mình bám trụ nhưng có lẽ vẫn phải nghỉ.

Có lẽ phố phường Hà Nội lại sắp phải tạm biệt một nét gì đó vừa lạ, vừa quen...

Sa Châu