Phi công “ngoại” đầu tiên của không quân Việt Nam

Phi công “ngoại” đầu tiên của không quân Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Ông SieGfried WenZel (sinh ngày 3/11/1920, mất 31/06/1968) là người thực hiện chuyến bay đầu tiên cho Hàng không quân dân dụng Việt Nam. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông đã dạy và thực hiện các khóa huấn luyện phi công cho Việt Nam, từng nắm nhiều trọng trách quan trọng trong ngành Hàng không Việt Nam.

Được Bác Hồ đặt tên

Chúng tôi tìm về xóm Chùa, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình gặp con gái của ông WenZel là bà Nguyễn Việt Hoa. Bà Hoa năm nay đã ngoài 60. Bà cho hay, khi lập gia đình, cuộc đời bà gặp nhiều sóng gió. Năm 1990, bà quyết định trở về Hòa Bình sống. Bà đi tiếp bước nữa, nhưng hạnh phúc chẳng được bao. Bà Hoa kể: "Chồng tôi ốm khá nặng, con cháu đã đưa ông ấy về quê để chăm sóc. Một mình tôi vừa đi hái thuốc và tranh thủ bán xôi để kiếm tiền sống, gửi cho đứa con nuôi đang học ở đại học Văn hóa. Thỉnh thoảng, các đồng chí trong ngành hàng không, các tổ chức xã hội... cũng đến thăm hỏi tôi, hỏi chuyện về cha. Tôi thấy tự hào về ông”.

Lần lại những tài liệu và tâm sự với chúng tôi về cha mình, bà Hoa cho biết: "Cha tôi là Siegfried WenZel, một phi công lái máy bay trinh sát của Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh, bị đẩy vào đội quân lê dương sang tham chiến tại chiến trường Việt Nam từ năm 1945. Là người có tư tưởng tiến bộ, khi bị đẩy vào cuộc chiến phi nghĩa, cha tôi đã vận động được 5 binh sĩ chủ động bỏ hàng ngũ quân đội Pháp chạy sang hàng ngũ Việt Minh vào cuối 1945. Sau khi liên lạc với cách mạng, trong bữa rượu, cha chuốc cho lính trong đồn uống say rồi bỏ cát vào súng ống, chạy sang hàng Việt Minh".

Theo các tài liệu thì thời gian làm công tác địch vận ở quân khu 2, năm 1947 ông WenZel được điều về cục Quân giới (bộ Quốc phòng) tham gia trực tiếp vào sản xuất vũ khí cho quân đội. Với vốn hiểu biết, kinh nghiệm về kỹ thuật quân sự, ông đã chế tạo thành công đạn AT - một loại đạn chống tăng mà quân đội Việt Nam đang rất cần. Với thành tích đó, ông được gặp Bác Hồ. Bác tặng ông một bộ quần áo lụa và cái tên Nguyễn Đức Việt với ý nghĩa xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia Việt - Đức. Bốn người bạn của ông cũng được đặt tên Việt Nam là: Dân, Chủ, Cộng, Hòa.

Xã hội - Phi công “ngoại” đầu tiên của không quân Việt Nam

Bà Hoa đưa chúng tôi xem những tài liệu viết về người cha phi công.

Bà Hoa nhớ lại: "Cha tôi sống hòa nhã, giản dị lại chịu đựng được gian khổ nên ông được mọi người quân tâm, quý mến, nhất là cô chiến sĩ Hoàng Thị Thành (dân tộc Tày ở Hoàng Su Phì, Hà Giang). Sau khi được mọi người gán ghép, tổ chức động viên, ông đã lấy mẹ tôi là Thành. Đây là cái cách mà Bác Hồ muốn ông gắn bó lâu dài với cách mạng Việt Nam.

Năm 1947, đám cưới của cha mẹ tôi được tổ chức tại sân bay Sơn Tây. Cha mẹ tôi sinh được 2 người con. Cha tôi đặt tên con gái đầu là Nguyễn Việt Hoa, con thứ hai là Nguyễn Đức Hồng. Cha lấy tên mình làm tên đệm cho hai con, còn tên hai con ghép lại thành hoa hồng - loại hoa mà cha ưa thích và nó đều có ở Đức và Việt Nam”.

Đóng góp quan trọng

Sau đó, ông Nguyễn Đức Việt tham gia và hoạt động trong ban nghiên cứu không quân. Ban này được thành lập năm 1949, theo sự chỉ đạo của Bác Hồ và tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ban chiêu sinh hai lớp huấn luyện phi công. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, ông Việt đã được giao chức trưởng ban huấn luyện phi công. Ông Việt được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, xem xét hai máy bay Morane và Tiger Morth (do vua Bảo Đại tặng lại Chính phủ) - vốn quý nhất của không quân Việt Nam ngày đầu thành lập. Chiếc máy bay được tháo rời, chuyển từ Huế ra Gia Lâm đến Sơn Tây, Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Do tháo rời, vận chuyển đường quá xa, nhiều thiết bị đã có phần hư hại, cần phải được lắp ráp, bảo dưỡng lại, ông Việt cùng với ông Hà Đổng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) kết hợp với ông Lê Thạch Liên ở tiểu ban khí tượng và một số đồng chí ở tổ bảo dưỡng kiểm tra kỹ thuật để lắp ráp và tổ chức bay thử. Sau đó, chính ông Việt cùng một đồng chí ở tổ bảo dưỡng thực hiện chuyến bay thử. Lúc đầu máy bay hoạt động rất tốt, khi chuẩn bị hạ cánh thì gặp sự cố. Ông để máy bay chủ động hạ tiếp đất lệch theo bờ sông Gâm. Ông may mắn thoát chết trong gang tấc. Chiếc máy bay bị hư quá nặng nên không thể phục chế được, nó được dùng cho học viên nghiên cứu.

Nhắc đến Nguyễn Đức Việt, người ta luôn nhớ đến một phi công tài hoa, không ngại hiểm nguy. Ông là phi công đầu tiên bay trên bầu trời Việt Nam bằng chiếc máy bay mang theo cờ đỏ sao vàng. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đã khen ngợi hành động dũng cảm này của phi công Nguyễn Đức Việt: "Với chiếc máy bay cất trong kho bốn năm, điều kiện bảo quản không tốt, vậy mà ông Việt đã lắp ráp, phục chế và bay thử. Đó là hành động thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của một phi công”.

Với vốn kiến thức dày dặn khi được học ở trường, lại có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, ông Việt được giao nhiệm vụ giảng dạy về các môn: Lý thuyết phi hành, kỹ thuật vật lý hàng không, tổ chức phi trường và phi hành. Trong mỗi bài giảng, ông lồng ghép những chuyện của không quân Nga và Đức trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II rất sinh động.

Có lần, ông đang giảng bài, trong lớp bỗng có tiếng cười, ông ngừng lại hỏi lý do, học viên chỉ ra ngoài chiếc máy bay để bìa rừng, có vài con khỉ đã leo vào cánh cửa máy bay kêu kẹc kẹc. Mọi người đùa rằng: Khỉ cũng đến nghe ông giảng bài. Ông nghiêm mặt và nói: "Mỗi học viên ngồi đây là đại diện cho hàng triệu người Việt Nam đấy!". Học viên im bặt. Năm 1948, ông cùng với đồng chí Hà Đổng được lệnh vào Nghệ An xây dựng sân bay dã chiến gấp, để đón chiếc máy bay chở hàng từ Thái Lan đến. Hai ông phải đi bộ lòng vòng để tránh đồn bốt của địch.

Không những giảng dạy, ông Nguyễn Đức Việt còn tham ra dịch và viết nhiều cuốn sách nhận diện máy bay ta và địch; kỹ thuật bắn máy bay bằng súng trường tập trung. Những cuốn sách của ông đã giúp ích cho quân đội Việt Nam chiến đấu với quân địch. Những cuốn sách này còn có ý nghĩa rất quan trọng cho ngành Hàng không Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Việt là người đánh một dấu mốc trong sự hình thành và phát triển của lực lượng không quân Việt Nam.

Ký ức về người cha qua lời kể của con gái

Bà Hoa vừa lục lại những trang sách viết về người cha thân yêu, vừa tâm sự với chúng tôi: "Vì thích hoa hồng nhung, cha đặt tên cho hai đứa con là Hoa. Cha thường nói với tôi con là bông hồng đẹp nhất của cha trên đất Việt. Lúc nào trong vườn nhà tôi cũng có những khóm hoa hồng. Khi nhìn thấy hoa, tôi thấy ba tôi đang ở bên cạnh.

Khoảng năm 1954, khi hai chị em đang chơi ngoài đồi, thấy có tiếng máy bay, tưởng địch ném bom, hai chị em chạy ngã chảy máu. Cha tôi vội tìm thuốc lào đắp vết thương cho tôi. Có lần tôi nghịch để bông rơi vào tai, cha bế tôi chạy 8km đường rừng đến gặp bác sĩ Tôn Thất Tùng. Kỷ niệm làm tôi xúc động nhất là trận lũ năm 1955. Khi tôi đi học về thì gặp một trận mưa xối xả khiến nước ngập trắng phi trường. Đang bì bõm lội nước thì nghe tiếng lội nước theo sau, quay lại thấy cha tôi cầm chiếc áo mưa chạy theo. Ông lấy áo che và bế tôi về nhà trong khi người ông ướt sũng nước".

Với bà Hoa, cha là niềm tự hào: "Cha tôi là người hết sức đam mê và có trách nhiệm với công việc. Những ngày mới giải phóng Thủ đô, tôi theo cha mẹ về tiếp quản sân bay Gia Lâm. Thời gian đó, cha suốt ngày cùng các bác ban nghiên cứu sân bay thu dọn đồ đạc khi Pháp tháo chạy bỏ lại. Cha hì hục chuẩn bị mọi công việc để sớm đưa sân bay vào hoạt động trở lại. Cha say mê công việc đến quên ăn, quên ngủ. Nhiều bữa, cha không về nhà ăn cơm, hai mẹ con tôi thay nhau đi bộ ra sân bay đưa cơm cho cha.

Năm 1955, cha tôi trở về nước Đức, ông được phân làm giám đốc sân bay Dresden ở thủ đô Berlin. Mẹ tôi và 2 chị em không thể đi cùng cha sang Đức vì nhiều lý do. Đầu năm 1968, mẹ con tôi nhận được bức điện của bộ Ngoại giao thông báo cha tôi sang Việt Nam dự lễ khánh thành triển lãm quân đội Việt Nam. Cả nhà mừng rơi nước mắt. Nhưng, đến tháng 6/1968, cha chưa kịp sang thì mẹ con tôi chết lặng nhận tin ông đột ngột qua đời trong một chuyến công tác tại Bỉ".

Bà Hoa kể tiếp: "Cha tôi có dự định, sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm xong sẽ làm thủ tục đón tôi sang Đức. Nhưng ông đã không kịp làm điều đó. Trước khi nhắm mắt, nhiều người nói lại, cha liên tục gọi hoa hồng, tên hai chị em tôi”.

Hoàng Thế Tào