Phía sau cuộc đời của cha đẻ luật một vợ một chồng

Phía sau cuộc đời của cha đẻ luật một vợ một chồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Một vợ một chồng là những quy định cơ bản đầu tiên của Luật Hôn nhân & Gia đình, người Việt Nam không ai không biết. Nhưng người đã từng đặt nền móng đầu tiên cho đạo luật đảm bảo hạnh phúc cho người dân này thì lại ít người biết tới

Từng đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trong cuộc sống đời thường, ông lại khá cần kiệm và thanh bạch. Ông là luật sư Cù Đình Lộ, người được xem là "cha đẻ" của Luật Hôn nhân & Gia đình hiện nay.

Xã hội - Phía sau cuộc đời của cha đẻ luật một vợ một chồng

Ông Cù Đình Lộ (người thứ 2 từ phải sang) tại hội nghị Ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam

Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Năm 1914, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, suốt 4 năm sau đó, Pháp là nước tham gia trực tiếp vào cuộc chiến và cũng là nước chịu tổn thất một cách nặng nề. Để bù đắp những thiệt hại trên chiến trường, Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác các nước thuộc địa trong đó có Đông Dương.

Giữa thời điểm đó, năm 1914 tại Đan Phượng, Hà Tây (cũ), cậu bé Cù Đình Lộ cất tiếng khóc chào đời. Là con nhà dòng dõi, cha là một chủ thầu xây dựng nổi tiếng giàu có trong vùng nhưng từ nhỏ, cậu bé Lộ đã không hề có ý định nối nghiệp cha mà chuyên theo nghiệp kinh sử. Thấy con thông minh, hiếu học, cha cậu đã gửi con về trường Bưởi để có điều kiện học tập tốt hơn.

Trực tiếp nhìn thấy cảnh đồng bào mình cùng lúc phải chịu nhiều tầng áp bức, cậu tú Lộ- một trong những học sinh xuất sắc nhất của truờng Bưởi lúc bấy giờ - đã nung nấu ước mơ trở thành một luật sư giỏi để có thể lên tiếng bênh vực cho những người "thấp cổ bé họng".

Tốt nghiệp bậc Thành trung xong, có hai lựa chọn là truờng Y và trường Luật vốn là hai trường đại học duy nhất mà thực dân Pháp mở ở Đông Dương, Cù Đình Lộ đệ đơn thẳng vào truờng Luật cho dù biết rõ phía truớc sẽ có rất nhiều khó khăn.

Vừa học, vừa tham gia các hoạt động sinh hoạt chính trị của học sinh sinh viên lúc bấy giờ, Cù Đình Lộ có điều kiện tiếp xúc với các luồng tư tưởng mới tân tiến từ bên ngoài. Những người tham gia biểu tình, mít tinh hợp pháp và bất hợp pháp lúc bấy giờ đều có khả năng cao bị nằm trong danh sách bị theo dõi của mật thám. Sợ bị ảnh hưởng tới gia đình, cũng nhiều lần Cù Đình Lộ phải nhận những lời "cảnh cáo" từ phía người cha nhưng điều đó không khiến người thanh niên nhiệt huyết này nhụt chí.

Cũng trong chính những tháng ngày sôi nổi dưới mái trường Luật đã vun đắp cho mối tình của Cù Đình Lộ với cô Nhạn- em gái của một người bạn đồng học. Mối tình nhẹ nhàng giữa cậu công tử và cô tiểu thư không thuần túy chỉ là một sự sắp xếp môn đăng hộ đối con dòng cháu giống.

Cô Nhạn có cái nhẹ nhàng, trang nhã của một tiểu thư khuê các, không ồn ào, mọi thứ đều đúng mực. Tuy là con gái nhưng được cái hiếu học, mười mấy tuổi, cô đã có thể sử dụng thông thạo tiếng Pháp, Anh như tiếng mẹ đẻ. Học hết lớp 7 thì cô ở nhà lo việc rèn luyện nữ công gia chánh, thu xếp mọi việc trong nhà.

Có thời gian, cô dành cho việc đọc sách và bồi dưỡng ngoại ngữ, không hề nghĩ rằng chính những kiến thức thu nhập đuợc trong thời gian này sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho người chồng trong quá trình nghiên cứu luật sau này. Mặc dù không do gia đình sắp xếp, lựa chọn từ trước như truyền thống "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" lúc bấy giờ, đến khi ra mắt, cha mẹ hai bên đều thấy rất hài lòng.

Sau khi tốt nghiệp trường Luật với tấm bằng xuất sắc, Cù Đình Lộ trở thành công chức trong phủ Toàn quyền với công việc của một biên tập viên chuyên giám sát các mảng của đời sống xã hội. Mang tiếng là biên tập viên nhưng ông thường xuyên phải cập nhập, xông pha các sự kiện diễn ra hằng ngày ở Thủ đô và các địa phương chuyển đến. Những tin tức chính trị nhiều khi phải căn ke để có thể đưa lên một cách hợp pháp mà vẫn giữ đúng tinh thần đấu tranh của người dân không dễ dàng chút nào.

Mãi đến cuối 1946 thì đám cưới của hai vợ chồng mới diễn ra. Được mấy tháng thì Nhật đảo chính, ông Lộ tham gia vào tự vệ phố Hai Bà Trưng cho tới ngày toàn quốc kháng chiến thì theo Chính phủ về Việt Bắc. Từ bỏ công việc của một nhân viên "nhà nước" với lương bổng hậu hĩnh, ông mang theo cả người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng lên chiến khu kháng chiến.

Những ngày ở chiến khu, cuộc sống khó khăn vất vả đủ đường. Cả ông Lộ và bà Nhạn đều chưa từng trải qua cảnh sống thiếu thốn, hai vợ chồng lại phải động viên nhau vượt khó. Sinh con mọn, thiếu ăn, điều kiện vật chất gần như không có gì, nhiều lúc thấy khổ quá nhưng thương chồng bà cũng chưa một lần than thở. Để có thêm đồng ra đồng vào, bà tham gia tăng gia sản xuất, học khâu vá, trồng thêm cây trái, rau dưa, nuôi con gà con vịt giống như bao phụ nữ nông dân khác. Bàn tay vốn mịn màng trở nên chai sạn, nhiều khi nhìn, bà cũng thấy xót.

Về sau, khi những đứa con khác lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn viện trợ từ phía gia đình ông lên hoàn toàn bị cắt đứt, bà phải tham gia vào làm công nhân xưởng quân nhu, may quân phục cho chiến sĩ. Ông thì cứ đi đi về về giữa các tỉnh trong liên hiệp Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên, việc nhà, một tay bà coi sóc. Đến trước ngày miền Bắc hoàn toàn thống nhất, bà đã một nách 5 con.

Vượt qua chính mình để soạn Luật

Với tấm bằng cử nhân Luật, ở chiến khu, ông Lộ sớm đuợc Cách mạng trọng dụng. Ban đầu, ông đảm nhận chức biện lý tòa án tỉnh Cao Bằng. Về sau, với sự thông minh sẵn có và chịu khó nghiên cứu, trau dồi nghề nghiệp, ông đuợc bạn bè, đồng chí, cấp trên tin yêu cất nhắc từng bước lên các chức vụ quan trọng.

Năm 1947, ông tham gia hội đồng phúc thẩm liên khu Việt Bắc và chiến khu Mười, trở thành vị thẩm phán đầu tiên của liên khu Việt Bắc, đảm nhận việc xét xử các vụ án dân sự và cả quân sự. Tên ông trở thành nỗi kinh hoàng đối với những tên tay sai, mật thám trong vùng vì sự nghiêm khắc và trừng trị đúng người, đúng tội.

Đến năm 1951-1954, ông làm Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt trong giai đoạn cuối những năm 40 đầu những năm 50, tình hình đất nước có nhiều thay đổi, thời cơ dành cho Cách mạng đã đến, Trung ương Đảng và Chính phủ đã trực tiếp chỉ thị cho ông và các nhà làm luật nghiên cứu, hoàn chỉnh các bộ Luật, sẵn sàng áp dụng khi chính quyền trở về với nhân dân.

Luật Hôn nhân & Gia đình ra đời vào thời điểm đó có thể gọi là tương đối bất ngờ đối với những chí sĩ tri thức lúc bấy giờ. Bản thân họ phần lớn đều sinh ra trong những gia đình phong kiến có điều kiện, cha chú đều là những người có năm thê bảy thiếp, thậm chí có những người được cha mẹ dựng vợ gả chồng cho từ thuở còn thơ, đến khi tham gia Cách mạng thì hai, ba vợ cũng không phải là chuyện hiếm.

Cụ Cù Đình Hanh, cha ông Lộ cũng là một người nhiều vợ, không tính những bà vợ chính thức ở quê, chỉ tính thời gian chạy loạn trong lúc cậu con cưng tham gia kháng chiến cũng phải mấy bà rải rác ở các vùng miền. Soạn luật ra thì dễ mà áp dụng luật như thế nào để mọi người cùng thay đổi lại là một vấn đề khó.

Đến lúc này, hai vợ chồng ông chỉ cười nhìn nhau. Ông chong đèn cùng các đồng nghiệp của mình đọc hết các tài liệu của nước ngoài để tham khảo. Có những tài liệu sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành quá, ông lại phải nhờ đến sự hậu thuẫn của vợ. Bà trở thành cánh tay phải đắc dụng cho ông và những nhà làm luật thân cận.

Luật Hôn nhân & Gia đình ra đời, nếu tính phải kể đến công của người phụ nữ vẫn kiên trì, tỉ mỉ và âm thầm giúp đỡ những nhà làm luật ngày này qua ngày khác là bà Nhạn.

Cái khó khi soạn Luật Hôn nhân

Vốn sinh ra trong một gia đình có cha vốn "năm thê bảy thiếp", nay được lãnh đạo tín nhiệm giao cho nhiệm vụ soạn ra một đạo luật với một quy định "mới toanh": Chế độ một vợ một chồng. Khỏi phải nói là ông đã phải lao tâm khổ tứ thế nào khi cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, biên soạn ra đạo luật trên.

Đỗ Huệ