"Phim Hollywood hiện đại hơi tầm thường"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
"Phim Hollywood hiện đại hơi tầm thường khi nó chủ yếu tập trung vào kỹ xảo là phần nhiều, những vấn đề bên ngoài con người, khá tẻ nhạt...", đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

Nếu ai đã từng xem Chơi vơi (Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên- Biên kịch Phan Đăng Di) hay phim ngắn “Khi tôi 20”; “Bi, đừng sợ” (Đạo diễn, Biên kịch Phan Đăng Di) sẽ không khỏi bất ngờ khi gặp Phan Đăng Di ở ngoài đời.

Chỉ sống với nghệ thuật khi... đêm xuống

Tôi hơi bất ngờ khi lần đầu tiên gặp anh. Anh trái ngược với tất cả những hình dung của tôi. Một Phan Đăng Di điềm đạm, cẩn trọng và có gì đó hơi nhút nhát, đối lập hoàn toàn với sự "nổi loạn" trong mỗi sản phẩm điện ảnh?

Sự kiện - 'Phim Hollywood hiện đại hơi tầm thường'

Hình ảnh trong bộ phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di.

Hoàn toàn không đối lập hay mâu thuẫn. Con người thực và con người trong sáng tạo nghệ thuật luôn bổ sung cho nhau. Tôi sống với con người nghệ thuật chủ yếu ở thời khắc đêm xuống, còn lại tất cả thời gian tôi là một người bình thường

Sau "Bi, đừng sợ" thì kế hoạch hiện tại của anh là gì?

Tôi vừa tham gia hai dự án khác nhau. Một là với vai trò giám đốc sản xuất cho bộ phim nhựa đầu tay của đạo diễn nữ Hoàng Điệp người từng giúp tôi cũng với vai trò này trong “Bi, đừng sợ”. Còn phim nhựa thứ hai của tôi cũng đang trong giai đoạn tiền kỳ. Dự án này tôi cũng đã mang sang LHP Hồng Kông cùng với dự án của Bùi Thạc Chuyên và may mắn cả hai đều nhận được sự quan tâm lớn và đều giành hai giải của LHP này.

Đối với những bộ phim định hướng độc lập, tìm kiếm nguồn đầu tư có phải là vấn đề khó khăn lớn nhất với các nhà làm phim?

Tìm đầu tư là vấn đề khó khăn nhưng không phải là việc gây đau đầu và căng thẳng nhất. Với bộ phim đầu tay Bi, đừng sợ, tôi khá may mắn vì thuận lợi từ đầu đến khi hoàn thiện. Kinh phí cho bộ phim hoàn toàn phù hợp và cả đoàn phim được làm việc trong môi trường, điều kiện tiêu chuẩn khá cao. Phim cũng được khá nhiều người ở châu Âu đặc biệt là Pháp thích thú. Đến bộ phim thứ hai này tôi vẫn mạnh bạo tiếp tục mang sang Pháp để tìm những cơ hội mới cho nó.

Vậy khi theo đuổi dòng phim này có lẽ anh cũng đã xác định đề tài cho nó?

Tôi không quan tâm việc đề tài mà xác định quan trọng nhất là tìm được một ngôn ngữ điện ảnh thích hợp cho phim. Tôi cũng không theo đuổi phải làm một kịch bản có câu chuyện rõ ràng mặc dù mình được đào tạo rất cơ bản và khá chuẩn về việc đó. Thế nhưng khi đã xác định câu chuyện nó rạch ròi thì điều đó gây khá nhiều căng thẳng cho tôi. Vì vậy tôi chủ yếu vẫn thích những bộ phim đi vào cảm xúc con người với những góc khuất nội tâm riêng.

Hẳn anh rất ghét phim Hollywood?

Phim Hollywood hiện đại hơi tầm thường khi nó chủ yếu tập trung vào kỹ xảo là phần nhiều, những vấn đề bên ngoài con người, khá tẻ nhạt. Người Mỹ luôn rạch ròi làm phim là phải bán được và nó luôn đi trước người ta. Những đạo diễn làm được như vậy cũng cực kỳ tài giỏi.

Làm phim nghệ thuật mới ra được với thế giới

Nhưng nhiều người nói phim của anh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trần Anh Hùng. Khi làm “Bi, đừng sợ” anh có nghĩ mình sẽ vượt qua Trần Anh Hùng hay không?

Phim của anh Hùng và tôi rất khác nhau. Anh Hùng luôn nhìn thế giới cực kỳ duy mĩ, lý tưởng, độc đáo và không ai lặp lại được. Trong khi đó tôi luôn nhìn cuộc sống một cách trần trụi và hiện thực như nó vốn có. Tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ vượt qua hay không vượt qua Trần Anh Hùng. Chỉ đơn thuần nghĩ rằng cái gì người khác đã làm rồi thì sẽ không làm lại. Khi làm "Bi, đừng sợ", cái gì thuộc về hiện thực tôi giữ lại, không làm đẹp lên, nó mang một chút chất của tài liệu. Tôi nhìn Hà Nội theo cách của riêng mình. Còn anh Hùng là người giúp tôi nghĩ rằng mình làm điện ảnh không bao giờ được xao nhãng, phải mang tất cả những gì mình có ra để mà thực hiện.

Nhưng anh không phủ nhận có phong cách Thái Minh Lượng trong phim của anh?

Đúng là có nhiều người nói “Bi, đừng sợ” mang phong cách Trần Anh Hùng, nhưng nói cho đúng thì tôi chịu ảnh hưởng của Thái Minh Lượng nhiều hơn. Chuyện ảnh hưởng trong nghệ thuật là điều khó tránh khỏi, nhưng tôi luôn quan niệm người nghệ sĩ không thể chỉ bắt chước người khác mà phải biết sáng tạo. Anh lấy tuyến mồ hôi trong đó để đánh dấu lãnh địa của mình. Tuyến mồ hôi đó chính là cảm xúc thực của anh về đời sống.

Anh có tham vọng sẽ tự tạo ra cho mình một dòng phim riêng?

Tôi không nghĩ đạo diễn chỉ nên làm một kiểu phim, một dòng phim mà nên chia thành nhiều hướng để cho thị trường sôi động hơn và để điện ảnh đáp ứng được tất cả mong đợi của số đông công chúng. Và để nó đạt được như vậy thì cuối cùng vẫn phải là giải trí. Tuy nhiên, nền điện ảnh nước mình thì hiện tại theo tôi nên hướng hẳn vào dòng phim nghệ thuật vì chỉ có phim nghệ thuật mới đi ra được với thế giới. Còn phim thương mại của chúng ta không thể xuất khẩu được, vẫn loanh quanh với thị trường trong nước.

"Bi, đừng sợ" là một sự vượt rào về cách thể hiện, độc đáo về tư duy của đạo diễn. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận một con đường mới khi quá nhiều những cách làm cũ vẫn ngự trị?

Xác định làm phim thì phải xác định làm theo đúng cách của mình. Và khi can đảm thực hiện sẽ phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là có nhiều người không thích. Nhưng ngược lại sẽ có nhiều người thích và hiểu, khi đó sẽ tạo ra sự tranh luận. Điều đó làm đời sống văn nghệ của chúng ta thêm sôi động, phong phú. Tôi cũng hi vọng phim nghệ thuật Việt Nam sẽ được chú ý nhiều hơn nữa sau những Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên.

Tôn trọng bản năng của con người

Trong hầu hết tác phẩm của anh đều có thể nhận thấy rất rõ hình như anh bị ám ảnh tình dục một cách nặng nề?

Thực tế ai cũng bị ám ảnh vì nó. Điện ảnh hiện đại chỉ xoay quanh hai vấn đề lớn là: Bạo lực và tình dục. Tình dục nó là vấn đề ai cũng quan tâm, thấy thú vị. Tôi cũng không nằm ngoài mối quan tâm lớn đó.

Nhưng nhiều người nói tình dục trong phim của Di hình như hơi dị?

Tôi không nghĩ là dị mà tôi thích đi vào những khía cạnh khác nhau, có phần độc đáo và đặc biệt là những ngõ ngách sâu thẳm mà không phải ai cũng có thể hình dung ra. Những hình ảnh ấy có thể không phù hợp với một số đối tượng, nhưng tôi tôn trọng cái gọi là bản năng trong con người của chúng ta.

Nhiều người bảo rằng không thích "Bi, đừng sợ" nhưng phải công nhận rằng Di rất tài năng và thông minh. Anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ điều đó hết sức bình thường trong nghệ thuật. Làm nghệ thuật sẽ có những người rất ghét mình, nhưng ngược lại sẽ có những người sẵn sàng đứng ra bảo vệ đến cùng.

Tác phẩm mới của anh cũng sẽ lại khai thác đề tài tình dục. Anh có sợ đi lại vết chân của chính mình?

Tôi không sợ điều đó vì cùng một đề tài mình hoàn toàn chủ động triển khai theo nhiều hướng khác nhau, nhìn nó ở nhiều dạng

Anh có thể tiết lộ về các nhân vật trong bộ phim lần này?

Phim này dựa theo một câu chuyện có thật mà tôi đã đọc trên báo 16 năm về trước, kể về một đám thanh niên tại một xóm trọ nghèo một hôm rủ nhau đi thắt ống dẫn tinh để lĩnh thưởng. Phim nhiều nhân vật, già trẻ gái trai đủ hết, nhỏ tuổi nhất là một cô bé 12 tuổi bán đĩa dạo, vé số. Một chị khoảng 40 là trưởng ban dân số phường, hết sức trách nhiệm với việc công và thỉnh thoảng lại bị chồng đánh. Một cô miền Tây 20 đểnh đoảng nhưng cũng xinh, một ông góa vợ có tài bơi lặn, và cuối cùng là một đám thanh niên túi rỗng, điên rô, cả tin.

Xin cảm ơn anh!

Hương Giang

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.