Phim Việt dễ

Phim Việt dễ "chết yểu": Do người làm “ngán” chính mình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Charlie Nguyễn được giới làm phim mệnh danh là "ông vua" của phòng vé đã thẳng thắn thừa nhận: "Làm phim thương mại kiểu này mãi cũng ngán". Nguyễn nói là "ngán" nhưng chắc chắn chẳng ai chê tiền.

Bộ phim thương mại thứ tư Cưới ngay kẻo lỡ của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn chính thức ra rạp ngày 20/4. Nó được dự đoán sẽ tiếp tục đốt cháy các phòng vé với doanh thu khổng lồ. Tuy nhiên, một số khán giả có dịp thưởng thức bộ phim này trước, đã phải lắc đầu ngao ngán về mức độ nhạt nhẽo cũng như sự "xuống tay" của đạo diễn trong việc khai thác, sử dụng "vũ khí" tiếng cười. Từ Cưới ngay kẻo lỡ, chúng ta có thể đưa ra lời cảnh báo về sự chết yểu của một loạt các "bom tấn thương mại" trong thời gian trở lại đây.

Sự kiện - Phim Việt dễ 'chết yểu': Do người làm “ngán” chính mình

Hình ảnh trong phim Cảm hứng hoàn hảo.

Nhảm nhí đến... kinh hoàng

Sự lên ngôi của dòng phim thương mại gần đây đã lấn át dòng phim nghệ thuật vốn được coi là kén khán giả ở Việt Nam. Những hãng phim tư nhân lớn thuộc hàng đại gia như: BHD, Thiên Ngân Galaxy, Phước Sang... đến các "lính mới" như: Saiga films, Thanh niên films đều chỉ tập trung sản xuất những bộ phim mang tính giải trí cao nhằm câu kéo khán giả đến rạp xem phim. Trước thực trạng xô bồ, hỗn mang của thị trường phim trong nước, nhà báo Cát Vũ nhận định: "Điện ảnh Việt hiện nay chỉ quẩn quanh với những chuyện sốc, sex, hài hước nhảm, xem xong không đọng lại được điều gì".

Không nên vì mưu sinh mà quá dễ dãi khi nhận vai diễn

"Nói ra thì bảo chúng tôi hay hoài cổ, rằng hay gặm nhấm chuyện ngày xưa và "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng đúng là, các bạn trẻ bây giờ - nếu xét ở góc độ đam mê nghề nghiệp, sống chết với vai diễn thì không thể nào bằng thế hệ chúng tôi ngày xưa. Giữa "cuộc chiến khốc liệt", rồi cuộc sống khốn khó, ăn không đủ no, cát-xê ngày đó ít, nhận được vai diễn chúng tôi hạnh phúc không thể tả, ăn cũng tập, ngủ cũng diễn - lúc nào cũng nghĩ đến nhân vật, đến khi phim chiếu rồi vẫn ngồi bần thần, tiếc rẻ, sao không được làm lại? Cũng có thể, mỗi thời mỗi khác, diễn viên trẻ hôm nay, họ cũng có cái khó riêng của họ. Việc họ tham gia nhiều vào phim thị trường cũng phù hợp với thực tế cuộc sống, mưu sinh. Song, nhiều phim thị trường quá nhạt, nhân vật có những sự nhảm nhí, thậm chí sống sượng, không ăn khớp với kịch bản toàn bộ bộ phim mà diễn viên vẫn nhận vai, vẫn không trao đổi với đạo diễn để sửa vai thì quả thật, về nghề, rất đáng trách".

(Nghệ sĩ nhân dân, diễn viên điện ảnh Như Quỳnh)

Năm 2011 và nửa đầu 2012 sự có mặt liên tiếp của những phim Long ruồi, Cột mốc 23, Cảm hứng hoàn hảo, Lời nguyền huyết ngải, Hello cô Ba, Thiên mệnh anh hùng, Tối nay 8h, Ngôi nhà trong hẻm và hiện tại là Cưới ngay kẻo lỡ đã khiến "chợ” phim Việt trở nên phong phú, đa sắc về mặt thể loại. Dư luận liên tục bị choáng váng bởi các con số doanh thu mà nhà sản xuất công bố. Song, chất lượng, ý nghĩa thực sự của phim thị trường đó là tỷ lệ nghịch với doanh thu. Điều đáng nói là sự phù phép quá đà với các cảnh nóng, các chi tiết thiếu tính thẩm mĩ, chọc cười lố bịch, lạm dụng đề tài đồng tính đánh vào tâm lý tò mò của một bộ phận khán giả đang trở thành chiêu trò chủ yếu làm tăng giá trị hấp dẫn của một bộ phim thương mại nhưng cũng là liều thuốc độc giết chết bộ phim chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần ra rạp.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những sản phẩm bị nhồi nhét khiên cưỡng, thiếu văn hóa và lỏng lẻo về kết cấu, bố cục như: Cảm hứng hoàn hảo, Cột mốc 23, Hoán đổi thân xác, Hello cô Ba... khiến người xem giật mình về mức độ nhảm nhí, phi lý, cũ kỹ của người thực hiện nó. Phim Cảm hứng hoàn hảo đạo diễn Nguyễn Lê Dũng từng gây sốt trên nhiều diễn đàn điện ảnh, cháy vé tại các rạp chiếu phim trong năm 2011 nhưng "dư chấn" của phim lại chính bởi sự non tay của đạo diễn trong việc xử lý tình huống và đặc biệt là cái nhìn dung tục, thiếu tư duy thẩm mĩ của người làm văn hóa.

Cái "dở toàn tập" cùng màn câu kéo khán giả với những cảnh giường chiếu bị sắp đặt lộ liễu, gượng ép đã tạo nên "chiến thắng" lợi nhuận cho bộ phim. Bởi thế, sau hơn 4 tuần ra rạp, Cảm hứng hoàn hảo đã lặn một hơi không sủi tăm.

Hoán đổi thân xác của đạo diễn Nhất Trung và Cột mốc 23 đạo diễn Nguyễn Quốc Duy bị giới chuyên môn đánh giá là hai nồi lẩu thập cẩm, ôm đồm nhiều mà trong phim cái gì cũng thiếu. "Cái được" theo khán giả là trong phim có sự xuất hiện của một số nghệ sỹ đa năng như: Hoài Linh, Huy Khánh, Trương Thế Vinh; họ cũng là điểm cứu vớt cho phim... Song, phim cũng chỉ ra rạp được không quá 20 ngày.

"Làm phim kiểu này mãi cũng ngán..."

Các phim Để mai tính, Long ruồi và mới nhất Cưới ngay kẻo lỡ (chưa ra rạp) đã như một liều thuốc cho các nhà sản xuất và đạo diễn tiếp tục làm phim thị trường. Đạo diễn đã dùng đến cả việc kích thích hiệu ứng đám đông bằng thủ thuật khi trả lời báo chí, hoặc đưa hình ảnh hậu trường và các clip giới thiệu vô cùng sinh động để khai thác, tận dụng tối đa sự hấp dẫn giới tính trong một số trường đoạn của phim để mong mang lại chiến thắng thương mại tuyệt đối cho Long ruồi.

Sự hài hước được tối đa hóa bằng việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể, vay mượn tình tiết từ các phim hài, chưởng Hồng Kông trong thập kỷ 90 và các pha hành động có phần lố bịch của các nhân vật trong phim Long ruồi đáp ứng đầy đủ thị hiếu của khán giả, mang rõ đặc trưng điển hình của một phim thương mại giải trí thuần túy. Khi cơn khát đã được giải nhiệt, sau tiếng cười sảng khoái, công chúng tự đặt câu hỏi, vậy bộ phim ẩn dụ thông điệp gì, thể hiện sự sáng tạo nào trong ngôn ngữ điện ảnh của người đạo diễn?

Chẳng có gì cả, đơn giản chỉ là hai tiêu chí rõ ràng: Làm khán giả vui và thu về thật nhiều tiền cho nhà sản xuất. Và, Cưới ngay kẻo lỡ chắc chắn không khác những bộ phim thương mại trước của Nguyễn. Khán giả lại ùn ùn đi xem phim với tâm lý vui vẻ và lóe lên một tia hi vọng vào sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật của Charlie Nguyễn sau khi đọc những bài quảng cáo ầm ĩ. Nhưng, sau đó, sẽ có những khản giả phân trần: Tưởng thế nào, hóa ra vẫn như cũ. Xem mà thấy phí thời gian...

Đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng từng được biết đến với những bộ phim mang tính thương mại: Những cô gái chân dài, Đẹp từng cm đã thể hiện thái độ ngán ngẩm của mình trước dòng xoáy và sự xâm lấn ồ ạt của dòng phim này. Đạo diễn Đãng cho biết: "Điện ảnh Việt đã đi một đoạn đường quá dài cho những đề tài giải trí, càng lúc càng sa đà vào sự dễ dãi. Nếu cứ đi theo quỹ đạo này, khán giả sẽ chán ngấy và quay lưng lại với phim ảnh là điều tất yếu".

Charlie Nguyễn được giới làm phim mệnh danh là "ông vua" của phòng vé đã thẳng thắn thừa nhận: "Làm phim thương mại kiểu này mãi cũng ngán". Nguyễn nói là "ngán" nhưng chắc chắn chẳng ai chê tiền. Có người mỉa mai: Làm phim cho doanh thu lớn thế, "ngán" cũng vẫn làm là điều dễ hiểu. Có điều, biết "ngán" mà không thay đổi, vẫn cứ làm thì cần phải xem lại cái gọi là mục đích của người làm nghệ thuật.

Thực chất, công chúng đang "đói", yêu thích những tác phẩm điện ảnh thực sự có giá trị. Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Huy Thành bày tỏ: "Tôi mong chờ và hi vọng các đạo diễn trẻ nhanh chóng tìm ra hướng đi thiết thực để tạo ra phim vừa đạt yêu cầu nghệ thuật nhưng đích đến là phải có đông người xem. Chỉ có như vậy mới kéo dài đời sống của một bộ phim, mới đủ để khiến khán giả bớt hoài nghi về một nền điện ảnh mà lượng nhiều hơn chất như hiện nay".

Diễn viên mới toanh càng dễ bảo

"Với nền điện ảnh của chúng ta như hiện nay, việc đổi mới một số quy chế về diễn viên sẽ tốt hơn. Diễn viên đang ở thể tự do, muốn tham gia phim gì cũng được và người thì không biết tham gia ở đâu, như thế nào. Từ thực tế này nảy sinh nhiều vấn đề. Các hãng phim, các đạo diễn phim thị trường luôn than vãn là không có diễn viên, thực chất, không phải vậy. Họ muốn tìm diễn viên mới toanh tham gia, như thế có cái lợi cho họ là dễ sai dễ bảo. Diễn viên trẻ, họ cần vai để mưu sinh, để "nổi tiếng", để có rất nhiều thứ kỳ vọng nên phần lớn, họ mặc kệ kịch bản. Kịch bản như thế nào, họ đều nhận vai như thế và hầu như không có sự trao đổi với đạo diễn về những mâu thuẫn, cái dở, chưa hay của nhân vật. Các nhà làm phim quen tìm diễn viên giống với nhân vật chứ không bao giờ đòi hỏi và cần ở diễn viên khả năng diễn xuất, hóa thân. Tôi đã đi tham gia casting (tuyển diễn viên) nhưng khi tôi còn chưa kịp thể hiện khả năng diễn xuất của mình thì người ta đã chọn ngay cho tôi một vai "hợp" với... vóc dáng".

(Diễn viên trẻ Hứa Vĩ Văn)

Hương Giang