Phóng viên kể chuyện đêm B52 Khâm Thiên

Phóng viên kể chuyện đêm B52 Khâm Thiên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Khi nhìn vào đôi mắt người phóng viên chiến trường năm ấy, tôi như được chìm vào cảnh tượng của những ngày bom lửa cách đây tròn 40 năm.

Đã 40 năm sự kiện Khâm Thiên, bốn mươi năm quân và dân thủ đô đã lập nên trận chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", 40 năm tưởng nhớ đến những con người đã ngã xuống.

Khâm Thiên trong chớp lửa bom chùm

Những ngày này, người dân Hà Nội và cả nước đều hướng về một sự kiện lịch sử của dân tộc: Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972 - 2012).

Các cuộc thi tìm hiểu về khí phách anh hùng 12 ngày đêm năm 1972, các cuộc vận động sáng tác thơ, nhạc diễn ra rầm rộ, các con phố tràn ngập biểu ngữ.

Một trong những con phố nhiều biểu ngữ nhất là Khâm Thiên, con phố dài 1.200m đã phải oằn mình hứng chịu trận bom khốc liệt đêm 26/12/1972.

40 năm đi qua, con phố nhỏ này vẫn còn những nhân chứng sống của tội ác chiến tranh năm đó, trong số những nhân chứng đó có một nhân vật đặc biệt: Người phóng viên chiến trường năm ấy, nhà báo Giang Quân.

Thế giới - Phóng viên kể chuyện đêm B52 Khâm Thiên

Khâm Thiên trong chớp lửa bom chùm.

Khâm Thiên nay đã đổi khác, có người đến rồi đi nhưng nhà báo Giang Quân và gia đình vẫn sống trong căn nhà cách đây 40 năm trước, căn nhà có hố trú bom.

Trong căn nhà lịch sử đó, những mảnh ký ức về khu phố bị ném bom ùa về. Đó là những kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt trong ông, một nhân chứng hiếm hoi còn ở lại Khâm Thiên sau sự kiện bi thảm năm 1972.

Vào thời gian này năm đó, ông là phóng viên chiến trường của tờ Tin Tức thuộc sở Văn hóa Hà Nội. Khi hàng vạn người khăn gói rời đô thị sơ tán về các miền quê theo lệnh của Hội đồng phòng không thì ông ở lại, nhận nhiệm vụ đưa tin nơi bom rơi đạn lạc.

Ông bồi hồi nhớ lại: "Trước thông tin phía Mỹ lật lọng trở mặt không chịu ký hiệp định Paris, ta đã đoán định được Nixon sẽ dùng con bài chủ lực là siêu pháo đài bay B.52 đánh một đòn hủy diệt vào thủ đô Hà Nội để buộc ta phải chấp nhận các điều kiện của họ.

Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành, những con phố ngày thường vốn đông đúc trong một lúc trở nên hoang vắng lạ thường. Những ụ pháo dã chiến, công sự cá nhân nhanh chóng mọc lên, biến cả Thủ đô thành một mâm pháo lớn trong hơn chục ngày đêm sắp tới".

Trong dòng miên man hồi tưởng, nhà báo Giang Quân kể, giáp ngày lễ Noel, 24/12/1972, nghe thông tin người Mỹ ngừng ném bom để tổ chức kỷ niệm nên bà con đang sơ tán ở các vùng quê lục tục kéo về nhà.

Phần vì chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, phần khác vì nhớ nhà nên hầu hết mọi người đều nấn ná ở lại. Đến ngày 25, bà con vẫn còn ở Hà Nội rất đông, ngày 26 phải khua mọi người đi nhưng vẫn có người tranh thủ sắm sửa ít đồ, cũng có nhà không thể đi được vì hoàn cảnh gia đình.

Đó là những người đã phải trải qua giờ phút sinh tử dưới làn bom B.52, trong số đó 283 người đã chết.

Ông nhớ như in lúc đó là 22h’30’, mục tiêu xuất hiện, còi báo động ở nóc Nhà hát lớn rú lên từng hồi. Các loa đài truyền thanh vang vang mệnh lệnh của Hội đồng phòng không: "Địch có âm mưu đánh phá ác liệt vào thủ đô. Các lực lượng vũ trang hãy dũng cảm tiêu diệt địch! Các đồng chí công an, dân phòng hãy kiên quyết làm nhiệm vụ! Tất cả mọi người đều phải xuống hầm. Không ai được đi lại ngoài đường phố".

Ở dưới căn hầm, người phóng viên nghe thấy từ xa tiếng máy bay ì ì như tiếng xay lúa rồi kéo theo sau nó hàng tràng tiếng nổ lụp bụp, mặt đất bất chợt chao đảo gây ra những rung chuyển mạnh, cảm giác sức công phá của nó có thể bóp vỡ căn hầm trú ẩn. Còi báo yên vừa rú lên, các nắp hầm, hố cá nhân đã bật dậy.

Trước mắt ông là một khung cảnh tang thương chưa từng có: Cả con phố rừng rực cháy, cả Khâm Thiên đã chìm trong lửa đỏ, các căn nhà bị đánh sập tan tành. Bụi cuốn lên không trung tạo thành một lớp khói dày đặc.

Khí phách anh hùng làm nên chiến thắng

Căn nhà phía trước nhà ông đã bị đổ sập, tiếng bé Hà hàng xóm thất thanh dưới đống gạch vỡ: "Mẹ ơi bế con ra với! Mẹ ơi bế con ra với!". Người mẹ phía trên gào lên kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Trước đó, để con được an toàn, chị đã đưa cháu cho bà thím bế để hai người trú trong căn hầm trong nhà, riêng chị trú ở căn hầm ngoài. Nhưng chị không ngờ, bom đã rơi trúng căn nhà khiến nó đổ sập, rầm bê tông, gạch ngói và đồ đạc đè nên nắp hầm làm cho bà thím chết tại chỗ.

Bé Hà được bà thím bế trong lòng nên vẫn còn sống. Quốc xẻng không có, mọi người dùng tay để đào bới, nhặt từng viên gạch ngói vứt ra ngoài đến toác máu.

Giọng bé Hà lạc đi vì gọi mẹ khiến những người xung quanh không cầm được nước mắt. Khi nắp hầm được giải phóng, mọi người đưa bé lên thì bé đã vĩnh viễn ra đi.

Thế giới - Phóng viên kể chuyện đêm B52 Khâm Thiên (Hình 2).

Ông Giang Quân, phóng viên chiến trường hồi tưởng lại "đêm B.52 Khâm Thiên".

"Chứng kiến khung cảnh tang thương của cả con phố khiến người dân không còn biết sợ. Rất có thể máy bay Mỹ sẽ quay lại và thả tiếp một loạt bom khác nhưng lòng căm thù dâng lên cao độ tạo thành một khí thế anh hùng.

Mọi người ra đường nhặt những bàn tay, những khúc xương của người thân, của những người trước đây đã từng là hàng xóm mà giờ đây đã bị bom xé làm hai, ba mảnh, có những mảnh vắt trên cành cây bàng. Những mảnh xác người vương vãi khắp dọc hàng cây đầu ngõ.

Những người còn sống dùng một khúc tre gập đôi để gắp những mảnh xương thịt ấy cho vào từng thúng lớn. Phía trước từng con ngõ nhỏ, quan tài chất ngổn ngang biến cả khu phố trở thành một nghĩa địa đau thương", người cựu phóng viên chiến trường nhớ lại, nơi khóe mắt ông những giọt nước chỉ trực trào.

Ông kể ngay trước nhà ông có căn hầm to, nơi trú ẩn của một gia đình 7 người. Hơi bom thổi vào đúng cửa hầm khiến cả 7 người cùng chết tại chỗ, cô con dâu của nhà này đang mang thai tháng thứ 6, tất cả 8 mạng người. Khi được lôi ra khỏi hầm, cơ thể những người này vẫn còn ấm nhưng không ai còn sống sót vì sức ép của bom quá lớn.

Trong phút chốc, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh chia lìa, con mất cha, vợ mất chồng. Có nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót, hơn 2.000 ngôi nhà, trường học, đền chùa, rạp hát, trạm xá bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Nhà báo Giang Quân kể: “10 phút sau loạt bom ác liệt, các vị lãnh đạo thành phố đã có mặt, huy động hàng loạt ô tô để chiếu đèn pha giúp cho công tác cứu người. Cả Hà Nội không ai ngủ được.

Bà con sơ tán ở ngoại thành, ở vùng quanh đó cũng không ngủ, họ chạy ra cánh đồng, bờ đê, nhìn về phía có vồng ánh sáng. Hai giờ sáng, Đài truyền thanh Hà Nội phát đi bản tin đặc biệt: Trừng trị tội ác man rợ của đế quốc Mỹ ném bom B.52 hủy diệt phố Khâm Thiên, quân và dân thủ đô đã bắn tan xác 5 pháo đài bay, có chiếc rơi ngay xuống vùng Ngọc Hà, giặc lái nhảy dù ra bị tóm cổ gần bãi chiếu bóng Khương Thượng".

Ông nghe có người thốt lên: "Chưa có đêm nào ta đánh giỏi, đánh hay như đêm nay. Ta sẽ còn đánh hay hơn nữa để trả thù cho bà con đã bị bom Mỹ sát hại".

Đến tận bây giờ, người dân Khâm Thiên vẫn giữ thói quen lấy ngày 26/12 để tổ chức giỗ chung cho vong linh những người đã nằm xuống. Ngày ngày, các cháu, những thế hệ mới được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ấy vẫn được nghe cha ông mình kể lại những ký ức bi thương nhưng anh dũng của khu phố bom ngày nào.

Thất bại chiến lược của M

Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12/1972 - 29/12/1972), Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống Việt Nam trong toàn bộ thời kỳ từ 1969 - 1971.

Với chiến dịch ném bom rải thảm cực kỳ tàn bạo này, theo tính toán thì sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945, Mỹ tin rằng, Hà Nội sẽ phải khuất phục. Tuy nhiên, qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ.

Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị. Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam, thắng lợi của trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đã góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Xuân Thanh


Cùng chuyên mục

Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:00
Hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Ấn Độ.

Philippines: Dừng học trực tiếp toàn quốc vì nắng kỷ lục 40,3 độ C

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:00
Bộ Giáo dục Philippines đã tạm dừng các lớp học trực tiếp ở các trường công trong hai ngày do nắng nóng quá mức và tài xế xe buýt nhỏ đình công.

Chiếc đồng hồ “bé xíu" giá tận 38 tỷ đồng, đại gia vẫn xuống tiền mua

Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:33
Chiếc đồng hồ vàng vừa được bán với giá kỷ lục 1,2 triệu bảng Anh (38,4 tỷ đồng) vốn thuộc về một hành khách giàu nhất từng đi trên tàu Titanic cách đây hơn 112 năm.

2 triệu chai nước khoáng bị tiêu hủy vì lý do đáng sợ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 08:08
Hãng nước đóng chai Perrier đã ra lệnh tiêu hủy 2 triệu chai nước sau khi phát hiện vi khuẩn có nguồn gốc từ phân có trong giếng nước của hãng.

Nỗ lực chống chịu trừng phạt của Nga có nguy cơ bị xói mòn vì điều này

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:00
Cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga không thể tránh khỏi bị xuống cấp khi nhiều thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp phương Tây không thể được thay thế, bảo trì.
     
Nổi bật trong ngày

2 triệu chai nước khoáng bị tiêu hủy vì lý do đáng sợ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 08:08
Hãng nước đóng chai Perrier đã ra lệnh tiêu hủy 2 triệu chai nước sau khi phát hiện vi khuẩn có nguồn gốc từ phân có trong giếng nước của hãng.

Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:00
Hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Ấn Độ.

Chiếc đồng hồ “bé xíu" giá tận 38 tỷ đồng, đại gia vẫn xuống tiền mua

Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:33
Chiếc đồng hồ vàng vừa được bán với giá kỷ lục 1,2 triệu bảng Anh (38,4 tỷ đồng) vốn thuộc về một hành khách giàu nhất từng đi trên tàu Titanic cách đây hơn 112 năm.

Philippines: Dừng học trực tiếp toàn quốc vì nắng kỷ lục 40,3 độ C

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:00
Bộ Giáo dục Philippines đã tạm dừng các lớp học trực tiếp ở các trường công trong hai ngày do nắng nóng quá mức và tài xế xe buýt nhỏ đình công.

Nỗ lực chống chịu trừng phạt của Nga có nguy cơ bị xói mòn vì điều này

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:00
Cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga không thể tránh khỏi bị xuống cấp khi nhiều thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp phương Tây không thể được thay thế, bảo trì.