"Quái kiệt" gần 20 năm sống chung với khỉ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Sau khi dụ được 2 bầy khỉ khoảng 80 con, ông Đức đã hành trình lên thành phố tìm kiếm sách vở để về học cách chăm sóc cho đàn khỉ bướng bỉnh của mình.

Hành trình gian nan tìm kiếm khỉ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Quảng Bình, giữa lúc nước nhà đang nằm dưới ách thống trị của quân xâm lược, ông Đặng Văn Đức (60 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã phải sống phiêu bạt khắp nơi. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, ông trở về đăng ký học tại Đại học thủy sản Nha Trang. Một thời gian sau, ông làm tại Xí nghiệp quốc doanh đánh bắt cá Duyên Hải có trụ sở ở Cần Giờ.

Xã hội - 'Quái kiệt' gần 20 năm sống chung với khỉ

Phó quản lý Nguyễn Hữu Trước đang cho những “cậu khỉ” ăn chiều

Sau khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, việc kinh doanh, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, các xí nghiệp bị giải thể hàng loạt và Xí nghiệp của ông Đức cũng nằm trong số đó. Một thời gian sau, ông xin vào làm việc cho cơ quan Nhà nước ở Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ). Năm 1987, ông Đức được điều động về phụ trách công tác nuôi trồng, bảo vệ rừng tại công ty Lâm Viên, hiện là khu resort Cần Giờ hiện nay.

Năm 1994, tình cờ trong một lần đi trồng rừng, nhóm kỹ sư nông nghiệp gồm 3 chàng trai trẻ, trong đó có ông Đức, phát hiện ra một vài con khỉ tại đảo Khỉ (đây là 1 trong 24 tiểu khu của rừng ngập mặn Cần Giờ), nằm tít tận trong rừng sâu. Với lòng yêu thiên nhiên, ông Đức cùng hai đồng nghiệp là Vương Đình Bơ và Nguyễn Văn Tuấn đã đem những điều mắt thấy về bàn bạc với ban giám đốc, xin hỗ trợ để đưa khỉ về nuôi tại đảo. Thế nhưng, ban lãnh đạo đã từ chối nhã ý của các ông với lý do: "Làm gì có khỉ mà xin kinh phí?".

Không nản chí trước sự những lời khước từ khéo léo của ban lãnh đạo, ông Đức đã quyết định bỏ tiền túi ra mua thức ăn, sắm phương tiện để dụ khỉ đưa chúng về khu vực trong đảo với mong muốn có thể bảo vệ, chăm sóc chúng và làm cho các loài động vật trong đảo ngày càng phong phú hơn. Ngày đầu tiên trong cuộc hành trình tìm khỉ, ông Đức đã mời giám đốc đi theo để chứng kiến. Nhưng chờ đợi một ngày trôi đi, đôi bàn chân vẫn nhấn chìm trong bùn sình, vắt cắn không chừa bất kể một ai, đợi mãi tới tối cũng không thấy con khỉ nào quay trở lại.

Thất bại ở ngày đầu tiên, ông Đức và mọi người tiếp tục mời ban lãnh đạo hành trình tìm khỉ trong những ngày tiếp theo sau đó. Mãi đến ngày thứ 3 sống chung với vắt và muỗi, ông Đức đã chứng minh cho ban lãnh đạo cơ quan thấy việc khỉ xuất hiện trên đảo là hoàn toàn có thật.

Cứ thế, cuộc sống của ông Đức và hai đồng nghiệp vẫn rong ruổi cả mấy năm trời để…tìm khỉ. Ngày này qua ngày khác, ông tìm mọi cách để tiếp cận với khỉ. Mọi người đã phải ăn cơm rừng, uống nước suối để được gần gũi với loài linh trưởng ở đây. Thậm chí, có những đêm họ phải thức trắng với hi vọng chụp cho bằng được tấm hình của khỉ nhằm minh chứng cho mọi người thấy sự thật có khỉ trên đảo. Thế nhưng khỉ vẫn biệt vô âm tín. Đôi lúc, ông và các đồng nghiệp có nhìn thấy một vài con nhưng cứ hễ thấy người là chúng vội vàng bỏ đi nên các ông không thể nào ghi lại hình ảnh được.

Ngày 5/3/1995, sau bao vất vả, khó khăn nhóm của ông Đức đã chính thức chụp được tấm hình đầu tiên của khỉ. Ông Đức xúc động kể lại: "Chụp được bức ảnh đầu tiên của khỉ, anh em chúng tôi mừng đến rơi cả nước mắt như đang sống trong niềm hạnh phúc của ngày Độc lập dân tộc. Không thể diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc đó".

Ngay sau khi có được bằng chứng rõ ràng về sự có mặt của khỉ trên đảo, ban giám đốc đã hỗ trợ ông Đức dụ khỉ về cho ăn bằng những thức ăn như trái sơ ri, nước uống. Ông Đức chia sẻ: "Chúng tôi đã dùng phương pháp đánh lấn, có nghĩa là cứ dùng thức ăn, nước uống dụ lũ khỉ đi từng đoạn một khoảng vài chục mét để chúng không bị lạc đường cho đến lúc về tới nơi". Sau vài năm, ông Đức và mọi người đã đưa mấy chục con khỉ về đảo cùng mình để chăm sóc và bảo tồn. Thế nhưng về tới nơi, vì không quen môi trường sống, chúng lại bỏ đi khiến họ lại phải dẫn dụ lại từ đầu. Sau khi dụ được 2 bầy khỉ khoảng 80 con, ông Đức đã tìm lên thành phố tìm kiếm sách vở để về học cách chăm sóc cho đàn khỉ bướng bỉnh của mình.

Chia sẻ với chúng tôi về phương pháp dụ khỉ về mỗi bữa ăn, ông Đức nói: "Lúc đầu, chúng tôi chỉ dùng cái còi hú lũ trẻ về mỗi bữa ăn. Thế nhưng, sau này mọi người ở đây quyết định học… tiếng hú hoang dại của khỉ để gọi chúng về". Cứ thế, mỗi ngày cuộc sống của ông gắn liền với những chú khỉ.

Xã hội - 'Quái kiệt' gần 20 năm sống chung với khỉ (Hình 2).

Ông Đặng Văn Đức kể về câu chuyện dụ khỉ của mình 20 năm trước

Muốn gắn bó cả đời với khỉ

Cuộc sống của những người nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ khỉ như ông Đức thì thời gian ở rừng còn nhiều hơn so với những lúc ở nhà, thậm chí, ông còn chăm sóc cho lũ khỉ chu đáo hơn cả những đứa con của mình. Làm việc trong một môi trường khắc nghiệt về địa hình, thiên nhiên nhưng điều đó lại trở thành niềm vui không thể thiếu của họ trong cuộc sống mỗi ngày. Ngoài những loài động vật như cá sấu, gà, chim chóc, thì khỉ cũng đã trở thành một người bạn thân thiết trong cuộc sống của anh em trên đảo Khỉ.

Gần 20 năm lặng lẽ, gắn bó với nghề, với những bầy khỉ tinh nghịch, hiếu động với bao nỗi nhọc nhằn, khó khăn, cả khắc nhiệt của tự nhiên, ông Đức và các đồng nghiệp của mình trên Đảo khỉ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi trồng và bảo vệ các loài động, thực vật ở nơi đây. "Gần 20 năm gian nan, vất vả, cuộc sống chủ yếu là gắn bó với thiên nhiên, thú vật thế nhưng lòng yêu nghề và tình yêu thiên nhiên chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua tất cả", ông Đức chia sẻ.

Trong công tác nuôi dưỡng và bảo tồn các loài động vật hoang dã, những người như ông Đức gặp không ít khó khăn. Họ đã phải hi sinh cả tuổi trẻ của mình để gắn bó với từng biến đổi của mọi cảnh vật, chứng kiến sự lớn lên từng ngày của các loài khỉ khi đã đưa được chúng trở về bên mình. Sự tinh ngịch và hiếu động của những chú "tôn ngộ không" nơi đây cũng mang lại không ít phiền phức cho các cán bộ trên đảo.

Không những nuôi dưỡng mà việc đếm khỉ, theo ông Đức cũng là một vấn đề không kém phần gian nan, vất vả. Để có thể đếm được số lượng của chúng, họ đã phải lặn lội, mò mẫm trong rừng sâu nhiều ngày. "Có những hôm, các anh em chúng tôi phải rình bằng được nơi khỉ ngủ để đếm số lượng. Không ít lần, chúng tôi đã ăn và ngủ cùng với khỉ như một gia đình", ông Đức nói.

Có thể nói, sự hi sinh và công sức của những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã như ông Đức đã góp phần rất lớn cho tác bảo tồn các loại động vật của nước ta, trong đó có loài khỉ. Họ đã cống hiến cho thiên nhiên, đất nước một công lao to lớn mà không gì so sánh được. Lòng yêu nghề sâu sắc và tình yêu bao la dành cho thiên nhiên ở nơi đây chính là động lực để họ gắn bó cả cuộc đời mình với rừng núi. Họ dùng cả trái tim và tình yêu của mình vơíå quyết tâm bảo vệ và phát triển đàn khỉ ngày một đông đúc hơn.

Niềm vui sống

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức cho biết: "Sau một thời gian dài thuần thục, khi đã quen với người, cứ hễ chúng tôi lơ là là các ông tướng lại quậy phá đồ đạc loạn cả lên". Có những hôm, chúng lục lọi nồi cơm, ăn hết thức ăn của anh em. Thậm chí, có con còn xé rách hoặc giấu hết quần áo của mọi người. Tuy nhiên, loài khỉ cũng rất tình cảm và đáng yêu như những đứa trẻ. Vì thế, chúng chính là niềm vui trong cuộc sống của những người làm công tác bảo tồn và nuôi dưỡng như chúng tôi".

Thơ Trịnh