Quản lý thiếu chủ động nên giá cả thường bị sốc?

Quản lý thiếu chủ động nên giá cả thường bị sốc?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Trước động thái "mặc sức tung hoành" của giá cả, dư luận đặt câu hỏi liệu cơ quan quản lý Nhà nước có buông lỏng quản lý trước "cơn bão" giá cả?

Chưa kịp "hoàn hồn" sau quyết định tăng giá hàng loạt các mặt hàng từ đầu tháng 3, những ngày qua, dân tình lại điêu đứng trước điệp khúc "thăng thiên" của hàng loạt những mặt hàng "nhạy cảm" vốn đi luôn dẫn đầu trong cuộc đua tăng giá. Giá gas liên tục làm náo loạn thị trường. Giá sữa trước đó đã tăng, hiện cũng đang nhấp nhổm "lên đỉnh". Giá xăng dầu, cũng chẳng chịu "thua chị kém em", vừa tăng 2100 đồng/lít. Trước động thái "mặc sức tung hoành" của giá cả, dư luận đặt câu hỏi liệu cơ quan quản lý Nhà nước có buông lỏng quản lý trước "cơn bão" giá cả?

Quản lý bị động khi doanh nghiệp tăng giá?

Câu chuyện về giá gas có lẽ là chủ đề được bàn ra tán vào nhiều nhất trong thời gian qua. So với tháng 2, giá gas trong tháng 3 đã lập đỉnh ở mức xấp xỉ 500 nghìn đồng bình 12 kg. Các chuyên gia kinh tế gọi thời điểm này là "cơn điên" của giá gas. Các kỷ lục mới liên tục được lập và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù, ngay sau đó, Bộ Tài chính đã "tuýt còi" yêu cầu giảm ngay giá gas bằng cách hạ thuế nhập khẩu, tuy nhiên tác động tâm lý của nó lên mặt bằng giá chung đã hình thành.

Đằng sau câu chuyện tăng giá gas, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt những sai phạm tại các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, trong đó có cả những "ông lớn" "cầm cân nảy mực" thị trường. Công ty CP gas Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Kinh doanh khí hóa lỏng Hà Nội, Công ty Ngọn lửa thần, Công ty CP Kinh doanh xuất nhập khẩu khí gas hóa lỏng Vạn Lộc, Công ty TNHH Dầu khí Gia Định là những đơn vị bị Sở Tài chính Hà Nội "chỉ mặt đặt tên" đầu tiên.

Trước những sai phạm này, dư luận đặt câu hỏi, liệu chăng cơ quan quản lý Nhà nước đang thả lỏng kiểm soát, để cho các doanh nghiệp bán lẻ "tác oai tác quái", tự do định đoạt giá cả?

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, thực tế vừa qua có hành vi tăng giá gas lặp đi lặp lại nhiều lần vào cùng một thời điểm. Trước hết cơ quan chức năng cần thu thập số liệu, đánh giá xem có hiện tượng doanh nghiệp "đi đêm", bắt tay nhau tăng giá không. Nếu đúng như vậy thì đã vi phạm Luật Cạnh tranh.

Xã hội - Quản lý thiếu chủ động nên giá cả thường bị sốc?

Việc giá xăng dầu tăng nằm trong dự đoán nhưng mức tăng quá cao khiến người tiêu dùng bất ngờ.

PGS Ngô Trí Long cho rằng, trong việc "can thiệp" giảm giá gas, động thái của cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính) còn chậm. Đối với các mặt hàng nhập khẩu thì có hai công cụ quản lý: Giá và thuế. Trước tình trạng giá gas tăng thêm 180 USD/tấn, tăng chưa từng có trong lịch sử, Bộ Tài chính "lúng túng" dùng công cụ thuế để hạ thuế nhập khẩu. Lúc trước thì tăng thuế từ 2% lên 5%, thời gian vừa qua sức ép giá quá cao, Bộ Tài chính buộc phải hạ xuống 0%. Tuy nhiên, việc "xuống chiếu" của Bộ vẫn bị động trước sự tăng cao của giá thế giới và trong nước. Đáng lẽ, khi giá gas tăng lên 180 USD thì phải hạ thuế xuống ngay. Hiệp hội gas cũng yêu cầu giảm thuế nhưng phải chờ đến khi mỗi bình gas tăng lên quá cao Bộ mới quyết định giảm. Đó là biểu hiện của sự lúng túng, kém nhạy bén.

"Bên cạnh đó, giá gas tăng liên tục còn bởi các doanh nghiệp đầu mối và đại lý ấn định giá nào thì người dân biết giá đó. Vì lý do “bí mật kinh doanh”, khung bảng tính giá gas cũng chưa bao giờ được công khai để người tiêu dùng nắm được chi phí, giá thành thực tế của doanh nghiệp và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng. Cơ quan tài chính kiểm soát giá thông qua đăng ký của các doanh nghiệp chứ không kiểm tra cụ thể cơ cấu chi phí cũng như các yếu tố hình thành giá để thấy rõ sự bất hợp lý... Đó cũng là điều bất cập", PGS Ngô Trí Long cho biết thêm.

Cần xây dựng và công khai cơ cấu giá thành

PGS Ngô Trí Long thẳng thắn: "Tôi xin nói thẳng, giá gas vừa rồi để tăng cao như hiện nay là do sơ hở, yếu kém của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Sở dĩ có những yếu kém như trên là do Cục Quản lý giá không cập nhật thông tin thường xuyên về giá trong nước và thế giới. Cục không có khả năng phân tích và dự báo giá dự kiến ngắn trung và dài hạn. Năng lực của đơn vị quản lý giá còn quá hạn chế. Hơn nữa, Nhà nước đã có quy định rõ về vai trò của từng đơn vị giữa đơn vị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Cục quản lý giá và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phải kết hợp với nhau để đảm bảo giá cho người dân nhưng họ chưa làm được điều đó", PGS Ngô Trí Long bức xúc.

Cũng liên quan đến câu chuyện tăng giá và trách nhiệm của cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian vừa rồi, giá gas và sữa đều tăng. Riêng giá gas, chỉ trong 2 tháng tăng đến 3 lần. Chúng ta đặt giá sữa trong diện mặt hàng phải có sự kiểm soát đăng ký giá thì với những diễn biến vừa qua cơ quan chức năng đã có phản ứng. Tuy nhiên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề về câu chuyện quản lý.

"Tôi không ít lần đã nói rằng đa số hàng hóa dịch vụ ở Việt Nam chứ không riêng gas và sữa đang có bất cập trong quản lý giá. Bộ Công Thương thì quản lý thị trường còn phần giá thì liên quan đến Bộ Tài chính. Trong khi thị trường và giá cả là các bộ phận hữu cơ, liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta lại đưa ra 2 cơ quan quản lý đối với 2 bộ phận quan trọng trên thị trường như vậy thì rõ ràng nếu thiếu sự phù hợp giữa hai Bộ sẽ tạo ra nhiều bất cập", TS Ánh nói.

Xã hội - Quản lý thiếu chủ động nên giá cả thường bị sốc? (Hình 2).

TS. Vũ Đình Ánh

Để minh chứng cho sự bất cập này, TS Vũ Đình Ánh dẫn chứng, trường hợp giá gas, giá sữa trong thời gian vừa qua là kết quả của việc không tìm được "tiếng nói chung" giữa hai cơ quan. Theo TS Ánh, đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến việc quy trách nhiệm về một đơn vị đầu mối để họ có thể tập trung vào công tác quản lý. Đồng thời, họ cũng chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối liên quan đến câu chuyện về thị trường, cân đối cung cầu cũng như những biến động về giá cả.

Đề xuất những giải pháp cứu thị trường khỏi "những cú sốc" tăng giá, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính nên xây dựng nguyên tắc xác định cơ cấu giá thành đầy đủ, chính xác theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, để hình thành giá bán. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng "nhạy cảm" này tại các đại lý và tiến hành xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, cần yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai bảng tính giá gas để người tiêu dùng giám sát. Đây là việc mà thời gian qua các doanh nghiệp luôn tìm cách giấu kín.

Quản lý Nhà nước "đá bóng" trách nhiệm !?

Cũng liên quan đến điều hành giá, đây là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ngay khi bị dư luận "ném đá", Cục Quản lý giá đã "đá bóng" trách nhiệm sang Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương). Đơn vị này cho biết, việc kiểm tra, quản lý xem doanh nghiệp có bán đúng giá đăng ký hay không lại thuộc cơ quan quản lý thị trường. Có thể nói, "quả bóng trách nhiệm" đang được các bên liên quan đá đi đá lại? Kết quả, người tiêu dùng vẫn bị "móc túi"...

Trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, để bình ổn giá gas, thời gian tới nên có nguồn gas dự trữ để sử dụng mỗi khi thị trường có biến động. Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công Thương để xem xét việc này.

Còn đối với mặt hàng xăng dầu, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đang yêu cầu Cục Quản lý giá theo dõi, nghiên cứu để có giải pháp hợp lý. Quan điểm điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính là đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay dưới hai con số và đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Anh Đức - Thành Huế