"Rác" mang về hàng tỉ đồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Hầu hết các thuê bao di động đều phải hứng chịu những cú "dội bom" từ các loại tin nhắn rác và bị trừ tiền vô lí. Không ít khách hàng chỉ trích nhà mạng đã thờ ơ và không quyết liệt trong việc bảo vệ chủ thuê bao.

Theo thống kê từ bộ Thông tin - Truyền thông, hiện Việt Nam có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động, với tổng số thuê bao là 120,7 triệu. Cả nước có 347 công ty chuyên cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CSP), mỗi CSP lại ký kết với vài chục công ty vệ tinh khác (CP) để sử dụng các USB 3G có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác tới các thuê bao di động trả trước, với tốc độ lên tới 10.000 tin/giờ.

Còn theo báo cáo từ chính các doanh nghiệp di động, hàng năm có tới hàng chục tỉ tin nhắn quảng cáo (chiếm 10% tổng lượng tin nhắn) và phần lớn đều được gửi đi từ các doanh nghiệp di động.

Phần lớn, tin nhắn rác hiện nay có nội dung quảng cáo cho các dịch vụ nội dung số qua SMS, thoại trên các đầu số 1900, 8xxx, 7xxx, 6xxx mà khi người dùng mở SMS ra đọc, nếu bị kích thích, họ có thể làm theo hướng dẫn và lại nhận được "một cơn mưa" tin nhắn.

Khoảng trên 60% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và khoảng 140 đầu số 1900 đều liên quan đến tin nhắn rác. Thanh tra bộ Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm VNCERT, cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiến hành thanh tra 47 CSP, xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng, tịch thu hơn 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác.

Tuy nhiên, loại tin nhắn rác kể trên cũng đem lại nguồn thu "khủng" cho các nhà mạng. Tính riêng trong năm 2011, doanh thu từ dịch vụ tin nhắn giải trí của Viettel là 4,376 tỉ đồng, Mobifone là 1,475 tỉ đồng, VinaPhone là 1,222 tỉ đồng. Để đạt được doanh thu gần 7 tỉ đồng này chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của những tin nhắn rác quảng bá về dịch vụ tải clip, nghe nhạc chờ, tải nhạc chuông, nhạc chế, soi cầu lộ số và các kiểu tin nhắn lừa đảo, trừ tiền trực tiếp của thuê bao.

Anh Hoàng Quân, nhân viên marketing của một công ty kinh doanh cho biết, mỗi ngày anh nhận được ít nhất là 3 - 4 tin nhắn rác. Hầu hết là các kiểu tin nhắn "mời gọi" xem các clip "hot" với những câu từ kích dục như "em gái lộ hàng", "đôi tình nhân hồn nhiên "yêu" trong nhà vệ sinh công cộng"… Sau đó là đến các tin nhắn sặc mùi mê tín di đoan như "hôm nay là ngày Phật Quan âm ra đời, đây là tin nhắn may mắn, nếu bạn không gửi thì sẽ gặp nhiều rủi ro…", tin nhắn đỏ đen công khai cung cấp dịch vụ soi cầu, lộ số đảm bảo "đánh đâu trúng đó"…

Công nghệ - 'Rác' mang về hàng tỉ đồng

Tin nhắn rác quảng cáo đang trở thành nỗi bức xúc của nhiều người sử dụng dịch vụ di động.

"Còn có loại tin nhắn rác mời gọi để trừ 15.000 - 25.000 đồng trong tài khoản của thuê bao. Một tin nhắn bình thường chỉ mất khoảng 300 đồng - 1.000 đồng nhưng việc các thuê bao di động phải nhận những tin nhắn khấu trừ trực tiếp vào tài khoản trả trước hay trả sau từ 15.000 - 25.000 đồng là vượt quá quy định cước thuê bao thì bắt buộc nhà mạng phải biết đó là phí dịch vụ gì?

Hơn nữa, lại còn có số điện thoại cụ thể, ai phát tán tin nhắn đó, ai cung cấp dịch vụ đó, nhà mạng đều có thể tra cứu ra được. Tất nhiên, số tiền bất chính này nhà mạng cũng sẽ hưởng một phần không nhỏ, vậy có hay không việc nhà mạng làm ngơ cho việc phát tán tin nhắn rác?", anh Quân bức xúc.

Còn theo "bật mí" của lãnh đạo cục Kỹ thuật nghiệp vụ II A71, thuộc Tổng cục An ninh I, bộ Công an, tin nhắn rác còn "xả" vào số điện thoại của nhiều cán bộ công an, thậm chí các lãnh đạo cấp cao Nhà nước và lãnh đạo các bộ ban ngành. Tin nhắn rác gây ra nhiều rắc rối và khó chịu. Ngoài thiệt hại đối với nhân dân, nhiều đối tượng còn lợi dụng các dịch vụ viễn thông để nhắn tin khủng bố, gọi điện thoại đe dọa, kích nổ…

Đỗ Hu