Rừng hóa thạch ở Canada có khả năng 'hồi sinh'

Rừng hóa thạch ở Canada có khả năng 'hồi sinh'

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:13
0
Nằm sâu trong lớp băng vĩnh cửu trên một cao nguyên ở đảo Bylot thuộc miền Bắc Canada là một khu rừng rộng lớn đã từng phát triển mạnh cách đây gần 300 triệu năm về trước. Theo các nhà khoa học, khu rừng hóa thạch này có thể sẽ sống lại khi đạt đủ điều kiện cần thiết.

Khu rừng rậm 300 triệu năm trước

Guertin Pasquier, một nhà thám hiểm khoa học đầy tham vọng cùng nhóm nghiên cứu của mình đã có chuyến làm việc thực tế trên đảo Bylot vào những năm 2009 - 2010. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm ra một phát hiện rất lớn và phát hiện này đã được trình bày tại hội thảo Năm Địa Cực quốc tế tại Montreal vừa qua.

Guertin Pasquier cho biết, cả nhóm rất bất ngờ khi nghiên cứu khu rừng hóa thạch hoàn chỉnh nằm trên đỉnh một cao nguyên cằn cỗi ở vùng phía Tây Nam đảo Bylot, cách TP.Pond Inlet khoảng 80km về phía Bắc.

Khu rừng hóa thạch rộng lớn này được phát hiện đầu tiên vào năm 2001 bởi Danyel Fortier, một sinh viên của đại học Laval. Khi Fortier đi bộ bên một con sông chảy êm đềm trong thung lũng của hòn đảo, anh đã tình cờ phát hiện một nhánh hóa thạch nhô ra khỏi tuyết.

Dường như nhánh hóa thạch này đã được con sông rửa sạch sau một thời gian dài "ẩn mình" trong băng. Sau đó, Fortier cùng các nhóm bạn của mình leo lên gần đỉnh của cao nguyên, họ đã tìm thấy nhiều mẫu vật bằng gỗ ở trong tình trạng gần như nguyên vẹn.

Lạ & Cười - Rừng hóa thạch ở Canada có khả năng 'hồi sinh'

Đảo Bylot, Canada một thời từng có rừng phát triển xanh tốt

Guertir Pasquier là một chuyên gia về trầm tích, ông đã có rất nhiều nghiên cứu về các loại trầm tích như cát và bùn. Ông cho biết, khu vực rừng hóa thạch nằm ngay trên đảo Bylot thuộc vườn quốc gia Sirmilik. Những mẫu gỗ hóa thạch bị che lấp bởi một lớp than bùn được bao phủ bởi cát, sỏi và đá. Tất cả cùng bị chôn vùi dưới một lớp băng vĩnh cửu.

Việc thiếu oxy trong bãi than bùn cùng cái lạnh các lớp băng vĩnh cửu đã giúp các cây gỗ được bảo quản tốt hơn. Để xác định chính xác thời gian của cây cối trong khu rừng này, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu trầm tích nơi đây. Họ tìm kiếm những hạt kim loại nằm trong đất, đặc biệt là quặng sắt. Trải qua quá trình lịch sử hình thành của hành tinh xanh, hướng từ trường của hai cực trái đất đã thay đổi nhiều lần.

Những hạt nam châm sắp xếp theo hướng từ trường của trái đất, nên các nhà khoa học có thể dựa vào đó để xác định niên đại của các lớp trầm tích. Nhờ đó, họ ước tính thời gian khu rừng hóa thạch phát triển nhất là cách đây 200 - 300 triệu năm về trước.

Hồi sinh khu rừng hóa thạch cổ xưa

Guertir Pasquier và các đồng nghiệp còn nỗ lực tìm kiếm các phấn hoa hóa thạch để nghiên cứu loại cây đã phát triển vào thời gian đó. Bằng việc thu thập mẫu phấn hoa nằm sâu dưới băng trong thời gian hai năm, Guertir Pasquier đã vẽ ra một bức tranh tổng hợp về kiểu khí hậu đã tồn tại ở khu vực này cách đây hơn 200 triệu năm, đó là kiểu khí hậu ấm và ẩm ướt. Với kiểu khí hậu này, những loại cây có thể sống được bao gồm thông, vân sam, liễu và một số loại cây như cây gỗ sồi. 35 miếng gỗ được thu thập, hầu hết trong số đó đều có chiều dài là 25cm và nặng 1kg.

Ông nói: "Tôi rất ngạc nhiên bởi chiều cao của một số thân cây mà chúng tôi tìm thấy ở đây, những thân cây lớn nhất chúng tôi tìm thấy là 2,5m nhưng nó không phải là thân cây lớn nhất ở khu rừng này, có thể có cây cao tới 5m. Thật ngạc nhiên, một số mẫu gỗ thu thập được vẫn còn mùi gỗ và vỏ giống như các mẫu gỗ ở khu rừng Beaver trên đảo Ellesmere. Đây là một điều kỳ diệu tại nơi gần như không còn gì ngoài những lớp băng phủ mà chúng ta thấy ngày nay".

Lạ & Cười - Rừng hóa thạch ở Canada có khả năng 'hồi sinh' (Hình 2).

Một mẫu hóa thạch được tìm thấy trên đảo Bylot

Rừng hóa thạch trên đảo Bylot rất giống với khu rừng phía Nam Alaska, nơi những giống cây rừng phương Bắc đã từng phát triển nhưng nay chỉ còn là một dòng sông băng. Để phục vụ cho nghiên cứu, Guertir Pasquier và các đồng nghiệp đã khoan một số lỗ khoan trong lòng đất khoảng 10cm và có đường kính sâu từ 1m - 2m. Tuy nhiên, công việc đào bới được thực hiện hoàn toàn bằng tay và xẻng chứ không hề có sự hỗ trợ của máy móc bởi trong thời tiết quá lạnh, mọi máy móc đều bị đóng băng. Vì mật độ của các tảng băng quá lớn nên tiến độ công việc diễn ra rất chậm.

Ông cho hay: "Chúng tôi chỉ có thể khoan được 10cm - 20cm mỗi ngày. Mất một tháng mà chỉ khoan được có 7 lỗ. Ở trên đỉnh của cao nguyên này đôi khi chúng tôi phải làm việc ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khi cường độ gió lên tới 80km/h. Vào những ngày như vậy, chúng tôi phải tạm dừng công việc nghiên cứu để đảm bảo an toàn cho nhóm nghiên cứu. Thật khó để làm việc dưới những điều kiện khắc nghiệt như thế".

Ông còn cho biết thêm: "Trong quá trình thực hiện công tác nghiên cứu, có nhiều vị khách tò mò về việc đào bới của chúng tôi. Thậm chí một số người còn cho chúng tôi biết họ cũng đã đào thấy một số thân gỗ như vậy xung quanh TP.Pond Inlet và có lẽ một rừng hóa thạch cũng tồn tại đâu đó ở thành phố. Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ tìm thấy một rừng hóa thạch khác nữa".

Từ các mẫu phấn hoa, các nhà khoa học cho biết các loại cây phát triển trong khu rừng cổ thường mọc ở những khu vực có nhiệt độ trung bình quanh năm vào khoảng 32oF (0oC). Hiện nay, nhiệt độ trung bình tại đảo Bylot vào khoảng 5oF(-15oC). Rừng hóa thạch nằm ở thời đại tương tự cũng đã được tìm thấy ở đảo Ellesmere tại Canada nơi những "cây xác ướp" (loại cây có hoa khổng lồ, khi nở có mùi thối rất khó chịu) được phát hiện trong một dòng sông băng đang tan chảy.

Trong thực tế, rừng hóa thạch là một bí ẩn đối với khoa học, họ tự hỏi bằng cách nào những cái cây này tồn tại được trong bóng tối vĩnh hằng của mùa đông Bắc cực. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu thế hệ con cháu chúng ta có thực sự nhìn thấy khu rừng hóa thạch này hồi sinh?

Ông Guertir Pasquier cho biết: "Tất nhiên khu rừng không thể "cựa mình sống dậy" nhanh chóng. Các điều kiện khí hậu được phát hiện qua phân tích rất phù hợp với những mô hình khí hậu dự đoán cho đến cuối thế kỷ này. Điều này có nghĩa, các loài cây có thể dịch chuyển theo cách của chúng về phía Bắc để thích ứng với biến đổi khí hậu".

Bằng chứng là những cây mọc lên ở Bắc Cực tồn tại như các cây liễu lùn, cây tống quán sùi đã thích ứng nhanh với sự tăng nhiệt độ của mùa hè, điều này khiến cho các nhà khoa học đều ngạc nhiên. Theo dự báo khí hậu toàn cầu, vào năm 2100 hòn đảo Bylot, nơi không có người sinh sống này sẽ cung cấp đủ lượng nhiệt cho khu rừng để thúc đẩy sự phát triển của cây cối và khu rừng hóa thạch sẽ lại mọc rậm rạp tương tự như các khu rừng khác.

Mặc dù phát hiện ra rừng hóa thạch là một phát hiện thú vị và vĩ đại nhưng Guertir Pasquier lo ngại, việc phát hiện ra rừng hóa thạch là minh chứng cho sự thay đổi của trái đất đang diễn ra trong thầm lặng khiến động vật di cư lên vùng có điều kiện phù hợp và một số loài động vật biến mất trong vài thập kỷ qua.

Những thân cây khẳng khiu trong rừng hóa thạch cho thấy dấu hiệu của sự mất cân bằng của điều kiện tự nhiên. Rất có thể đây là kết quả của việc biến đổi khí hậu cũng như sự hoán đổi cực của hai cực trái đất.    

A.M

Trẻ em Mỹ gửi thư đẫm lệ cho Tổng thống Obama

Thứ 5, 17/01/2013 | 15:45
'Cháu viết bức thư này gửi ông cùng nguyện vọng thiết tha mong ông ngừng bạo lực súng đạn. Cháu thực sự cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến những người bạn của mình đã bị cướp mất cuộc sống trong vụ xả súng ở bang Connecticut', một em nhỏ viết.

Sức mạnh 'báu vật' của Không lực Nga

Thứ 5, 17/01/2013 | 14:37
Nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra thèm muốn loại máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 của Không lực Nga.

Lỗ hổng luật pháp, hiếp dâm tràn lan tại Ấn Độ

Thứ 5, 17/01/2013 | 12:44
Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 100.000 trường hợp hiếp dâm vẫn chưa được giải quyết ở các cấp tòa án khác nhau.