Sách “tự chế” lớp 6, giáo sư cũng không hiểu được

Sách “tự chế” lớp 6, giáo sư cũng không hiểu được

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Rất nhiều những kiến thức còn "lởm khởm", ngô nghê thậm chí phi giáo dục lại đang được các giáo viên đưa vào giảng dạy trong nhà trường thông qua các tập bài giảng “tự chế”.

Những tập tài liệu này chưa từng được kiểm duyệt của các cơ quan chức năng nhưng lại được giảng dạy khá nhiều ở các trường và coi như một sự "sáng tạo" trong kiến thức và phương pháp giảng dạy của các giáo viên...

Xã hội - Sách “tự chế” lớp 6, giáo sư cũng không hiểu được

Học sinh rất dễ bị nhiễu loạn bởi sách tự chế

Tràn lan, ngô nghê sách "tự chế"

Hiện nay, nhiều trường "tự chế” ra các loại sách, hoặc tập tài liệu tham khảo để dạy cho học sinh. Các loại tài liệu này rất phong phú đa dạng từ tài liệu của môn toán, luyện đọc... đến bài giảng về đạo đức lối sống. Một số giáo viên dạy lớp 1 của quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm có “sáng kiến” tạo ra một bảng những phép tính dài dòng như 2+3+1= 1+3+2 hay 2+3+4 > 2+4+1... Các thầy cô phô tô bảng tính này để cho học sinh về nhà học thuộc. Trong khi đó sách dạy luyện đọc của một trường tiểu học khác đọc lên khiến người lớn cũng thấy "trẹo lưỡi".

Đoạn văn luyện vần "uôi" và "ươi" như sau: "Mười và bé Nga ba tuổi chơi trò cưỡi ngựa ở dưới nhà. Nga ngồi cuối đuôi ngựa. Mẹ đi chợ về mua hai quả bưởi, nải chuối và lọ muối. Ở túi lưới lại có cá. Bé Nga hỏi chị: Chị ơi cá gì thế? Mười trả lời: Đó là cá đuối. Cả hai người vui vẻ tươi cười vì buổi tối có cá!".

Để học sinh "ngoan" hơn, hiệu trưởng của trường THPT Đồng Hòa - Hải Phòng đã tự viết cuốn "Tập bài Đạo đức dành cho học sinh THPT Đồng Hòa" rồi bán cho học sinh với giá 20 nghìn đồng. Trong bài nói về cách cư xử với ông bà nội ngoại, tác giả cuốn sách viết: "Biết ơn ông bà, các cháu phải thể hiện ở chỗ nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà. Không được tranh cãi một cách chủ quan, hỗn láo, tỏ thái độ "trứng khôn hơn vịt" trước mặt ông bà".

Dạy học sinh ứng xử với cô dì chú bác, tác giả cuốn sách viết: "Cô dì chú bác là người cùng huyết thống với bố mẹ trong đại gia đình cùng "một khúc ruột chia ra", các cháu phải luôn có thái độ tôn kính, yêu thương đồng cảm. Nói năng cư xử phải từ tốn. Tục ngữ có câu "Mất cha còn chú, mất mẹ bú vú dì" (?!).

Trong bài số 8 dạy về tình yêu tác giả viết: "Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng. Tình yêu có muôn hình muôn vẻ, mỗi vẻ có vị ngọt ngào cay đắng riêng. Tình yêu là một loại tình bạn đặc biệt biểu hiện mối quan hệ gắn bó không thể thiếu nhau, tự nguyện trao cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người (...) Tuổi học sinh không nên vội nghĩ tình yêu vì đây là tuổi đẹp nhất của đời người, lứa tuổi phải chuẩn bị cho tương lai tương sáng". Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó tác giả lại diễn giải dài dòng về việc vì sao ngày xưa người ta lấy nhau từ tuổi 13, 14 có phần không ăn nhập với nội dung nêu ở phía trước.

Phản giáo dục

GS. Văn Như Cương cho rằng: "Việc đưa các sách tự chế vào dạy trong nhà trường là việc làm vi phạm nguyên tắc của Bộ. Đưa vào chương trình học trong nhà trường chỉ có sách giáo khoa và những sách tham khảo nằm ở trong danh mục sách tham khảo cho phép. Những sách tham khảo khác được bán trên thị trường thì thầy giáo có thể hướng dẫn học sinh học ở ngoài, nhất quyết không được dùng trong nhà trường. Nếu nhà trường tự ý in ra và soạn cho học sinh là vi phạm".

Xã hội - Sách “tự chế” lớp 6, giáo sư cũng không hiểu được (Hình 2).

GS Văn Như Cương

GS cũng chia sẻ: "Tôi đã đọc nhiều tài liệu tham khảo như thế rồi. Tài kiệu tham khảo toán lớp 6 mà có những bài tôi cũng không làm ngay được. Rất nhiều cuốn khác thì ngớ ngẩn vô cùng. Ví dụ như một cuốn sách đã hỏi học sinh như sau: "Đôi vợ chồng rùa đi dạo trên bãi biển nhưng chỉ thấy rùa chồng đi ung dung, hỏi rùa vợ đâu? Đáp án là rùa vợ đang nằm ngửa". Kiến thức dạy học trò cấp một mà đưa những nội dung này vào thì phản giáo dục quá. Có những giáo viên đưa bảng tính dài dòng và bắt học sinh phải học thuộc lòng là việc ghi nhớ máy móc, rất vô lý. Tất cả điều đó tôi cực lực phản đối".

Với những câu hỏi dạng như cặp vợ chồng rùa như trên, GS Cương cho rằng: "Đó là những câu hỏi mẹo. Cũng giống như truyện tranh, cần phải biết lựa chọn. Nhiều trẻ nghiện truyện tranh bị nhiễm những ngôn ngữ phi giáo dục, ngôn từ bị lệch lạc, "rồi" lại viết là "rùi", "buồn" lại viết là "bùn"... Chính vì thế mà tôi cho rằng cần phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn sách cho trẻ".

Đồng tình với quan điểm của GS Văn Như Cương, một chuyên gia giáo dục ở Viện Khoa học Giáo dục cho biết, sách phải được qua thẩm định từ cấp Sở, Bộ trở lên mới đảm bảo về chất lượng và được đem giảng dạy trong nhà trường. Những sách khác, giáo viên và học sinh chỉ được tham khảo ở nhà. Họ không được quyền in và bán cho học sinh.

"Việc các thầy giáo soạn giáo án sáng tạo là rất tốt. Các thầy cô có quyền tham khảo nhiều loại sách khác nhau. Từ đó có phông kiến thức rộng để giảng giải cho học sinh. Trong bài giảng của mình, thầy có thể không lấy lại những ví dụ đã có sẵn ở trong sách giáo khoa mà lấy ví dụ khác dựa vào kinh nghiệm của mình. Đó là việc khác hoàn toàn với những tài liệu tự chế cóp nhặt lung tung", GS. Văn Như Cương cho biết.

Thành Huế