Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 1)

Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 1)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Hơn 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh lại lung linh trong ánh sáng, quay cuồng không ngừng nghỉ.

Thỉnh thoảng, hắn nghĩ rằng lúc nào cũng là bảy giờ chiều và đã đến lúc uống một ly cocktail trên sân thượng của “Majestic”. Một làn gió nhẹ thổi lên từ sông Sài Gòn…

Đấy là giấc mơ của Thomas Fowler, người hùng trong quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene. Fowler, một phóng viên người Anh đã về già, yêu nét duyên dáng của Sài Gòn và của một người con gái Việt Nam mang tên Phuong mà làn da của cô ấy thơm như mùi thuốc phiện và là người mà ông ấy cảm nhận như “tiếng reo của hơi nước trong ấm nấu trà, tiếng lách cách của một cái tách, một giờ nhất định của đêm khuya và lời hứa hẹn sự yên tịnh”.

Xã hội - Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 1)

Bây giờ là 19 giờ và đã đến lúc uống một ly cocktail. Những chiếc thuyền ngủ ở cạnh cảng, và hoàng hôn vẫn còn mang vẻ đẹp huyền ảo như Greene đã mô tả. Ngay cả khi tôi không ngắm nó từ “Majestic”, mà là từ quầy rượu “Saigon Saigon” trong tầng thứ chín của khách sạn Caravelle. Và mặc dù Sài Gòn từ lâu đã có tên là thành phố Hồ Chí Minh, Place Garnier ở phía dưới trước nhà hát được đổi tên thành Lam Sơn và Rue Catinat ở ngay đấy thành Đồng Khởi. Đèn quảng cáo đập vào mắt từ những tòa nhà cao tầng – Sanyo, Citibank, Vietnam Tourist. Cô ấy đến quầy rượu trong lúc ban nhạc Philippines chơi “Black Magic Woman” của Santana.

“Em có được phép ngồi xuống đây không?”

“Xin mờ.”

“Làm gì đó?”

“Ghi lại cuộc sống về đêm.”

“Cuộc sống về đêm tốt, con gái đẹp”

Nó bao giờ cũng có một cuộc sống về đêm tốt và những người con gái đẹp, thành phố này, cái thích được gọi là gái hạng sang của Việt Nam, người tình mà tất cả đều đã yêu – người Pháp, người Mỹ. Và mới đây là khách đến thăm từ khắp nơi trên thế giới. Bây giờ ngồi ở cạnh quầy rượu là những doanh nhân giàu có, trước họ là những thức uống có tên “B 52″ hay “Good Morning Vietnam”.

Người phụ nữ trẻ gọi một “Miss Saigon” – brandy, curacao, nước thơm và cam. Một hoàng hôn trong một cái ly. Cô ấy tên là Hoa, không có mùi hương của thuốc phiện và tự ý đưa cho tôi một mảnh giấy chép tay ghi lại số điện thoại di động của cô ấy. Greene viết về những hình dáng gầy và đẹp, và về Phuong của ông ấy: “Mon enfant, ma soeur – làn da màu hổ phách. Sa douce langue natale.” Hoa tựa người ra phía trước, khoảng hở ngực màu hổ phách, cô ấy nhìn tôi từ đôi mắt đen láy. Ban nhạc chơi bài “With or Without You” của U2. Hoa nói: “Gọi em, em có thể làm cho anh hạnh phúc”.

Khi đêm về, đầu tiên có một nét óng ánh màu tím nằm trên sông nước và nhà cửa, rồi màn đêm ập lên thành phố. Không còn cảm thấy gì nữa từ cái nóng nực ẩm ướt của ban ngày mà tất cả đã chảy tan ra ở trong cái màn sương từ bụi và khói xe ấy. Rồi người dân bản xứ ngồi trước những quán ăn nhỏ trên lề đường. Rồi những người bán hàng nặng nề bước đi với những cái thúng trên cây đòn gánh của mình qua giao thông tan tầm.

Tuy vậy, sự yên tịnh còn lâu mới trở lại trong thành phố này, thành phố lúc nào cũng đã bận bịu hơn tất cả các thành phố khác của Việt Nam, cởi mở hơn với tất cả những người xa lạ, thích thử nghiệm hơn. Và thế là người ta đi đến quán karaoke sau buổi ăn tối, nơi họ hát những bài như “Vì yêu” hay “Không cần phải hứa đâu em”. Tình yêu. Ngoài ra thì người ta còn hát về cái gì nữa? Băng ghế công viên đầy những đôi; chuyển động và người tụ họp ở mỗi một góc đường, ánh đèn neon sáng rực trên các club và discotheque.

“Chúng tôi rất tự hào”, Pham Quang Minh nói, “tất cả đều tăng trưởng.” Người là sales manager của Sheraton thuật lại rằng Pepsico sắp sửa xây dựng mạng lưới của họ trong thành phố, Intel đã nâng đầu tư lên. Thị trường chứng khoán bùng nổ. Ngành xây dựng đang phát đạt. Đã có kế hoạch cho cây cầu qua sông Sài Gòn và cho một đường tàu điện ngầm. Việt Nam là con hổ tăng trưởng của châu Á. Tính toán của Pham: “Nhiều tiền hơn, nhiều cửa hàng hơn, nhiều nhà hàng hơn, nhiều quán rượu hơn, điều đấy có nghĩa là nhiều cuộc sống về đêm hơn.” Jermaine St. Omer, người trình diễn với ban nhạc Canada Saint’O trong club của Sheraton, nói rằng: “Họ thèm khát, họ muốn tiến lên phía trước. Họ muốn cuối cùng rồi cũng quên đi những khoảng thời gian không tốt, nhất là giới trẻ”.

Cũng như Pham, một người đàn ông nhỏ con, nhanh nhẹn trong bộ comlê kẻ sọc, nói: "Chúng tôi bây giờ có nhiều khả năng hơn”. Trong đó là những người đi xe gắn máy, vẫy tay khắp nơi. Họ gọi dịch vụ của họ là xe ôm, và nếu ai đó tin tưởng họ, thì thỉnh thoảng sẽ lạc vào trong những quán rượu ồn ào đầy người Việt, được mời ăn sò ốc hay tôm cua nước ngọt và biết rằng cũng có Bia Ôm nữa. Tiếng Việt thích những diễn đạt hình tượng. Xe Ôm? Vì người ta ôm chặt nhau trên chiếc xe gắn máy. Bia Ôm? Ai uống với nhau sẽ kết bạn. Một, hai ba – zô.

Phan Ba (theo chuyên san du lịch Việt Nam - nhà xuất bản Merian)