Giá phải trả cho người 'uống máu' con trai thủy thần

Giá phải trả cho người 'uống máu' con trai thủy thần

Thứ 7, 06/04/2013 | 18:07
0
Đã mấy tiếng đồng hồ, tàu của chúng tôi vẫn lênh đênh, dập dềnh theo sóng biển. Thấy những sợi cước không có động tĩnh gì, mấy ngư dân trong đoàn chỉ biết ngồi lặng im, nhìn nhau chờ đợi. Lúc này, thuyền trưởng Hiệp ngồi bình thản trên chiếc ghế tựa, miệng liên tục đốt thuốc lá.

> Kỳ 1: Trắng đêm theo ngư dân săn cọp biển ở Phú Quốc

Trong lúc chờ "cọp biển" đến, được nghe những câu chuyện mà gã thợ săn này kể, tôi cảm thấy quặn lòng. Hiệp nói rằng, để có thể sống, giàu bằng nghề "uống máu cọp biển", không ít gia đình đã phải trả một cái giá rất chát. Đã có nhiều trường hợp con mất cha, vợ mất chồng, nhiều bố mẹ già mất chỗ nương tựa vì hàm răng cá mập.

"Thủy thần"...   nổi giận

Khuôn mặt thất thần, buồn bã khác hẳn với lúc mới lên tàu, anh Hiệp kể cho chúng tôi nghe về chuyện buồn của chính người anh kết nghĩa với mình. Có lẽ, cái tâm sự đó, mối thù đó anh đã khắc sâu tận trong tâm trí và mang theo trên mỗi chuyến đi săn. Hít một hơi thật dài như muốn lấy lại sự bình tĩnh, gã thợ săn từng đạp sóng ngang dọc giữa biển khơi nhớ lại: "Ngày ấy, khi mới tròn 20 tuổi, trong một lần đi biển, chiếc tàu nhỏ của tôi gặp phải bão lớn. Những con sóng lớn nổi giận đánh vỡ một bên sườn tàu, tính mạng của nhiều người treo trên sợi tóc. Lúc sau, biết tàu không thể chịu được những cú quăng quật của sóng dữ, tôi và các thành viên đành bỏ của chạy lấy người. Lúc nhảy xuống biển, chúng tôi đã xác định đây có thể là chuyến đi không trở về nữa. Nếu vô phúc mà gặp cá mập thì chắc chắn chục người trên tàu sẽ được diện kiến Diêm Vương".

 Hơn một ngày bám phao, nổi lềnh bềnh trên biển như những khúc gỗ khô, mọi người đều lả đi vì đói, khát. Bỗng nhiên từ phía xa có một con tàu lớn ù ù tiến đến. Nghe tiếng động, anh Hiệp và mọi người bừng tỉnh, quên hết đói, mệt. Họ lấy tay dụi mắt xem có phải mình đang nằm mơ. Biết cơ hội sống đã đến, họ cố gắng khua tay, ra tín hiệu kêu cứu. Thấy những cánh tay đang giơ lên yếu ớt, vùng vẫy trong sóng biển, chiếc tàu cá dừng lại  kéo họ lên và cho đồ ăn, nước uống. Người đã cứu sống chúng tôi là anh Minh, quê Bình Thuận. "Sau này, cùng là dân đi săn cá mập, tính nết hợp nhau, chúng tôi đã quỳ gối trước ban thờ, cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em. Tuy nhiên, hơn hai tháng sau, tai họa đã ập xuống gia đình người anh kết nghĩa của tôi", anh Hiệp rưng rưng nước mắt.

Theo lời người thợ săn này, ngày định mệnh đó xảy ra cách đây 15 năm nhưng anh vẫn nhớ rõ như mới ngày hôm qua. Hôm đó, ở biển Bình Thuận, anh Minh cũng ra khơi săn "cọp biển" như bao lần khác. Chọn giờ đẹp, cả đoàn thắp hương rồi lên tàu. Tuy nhiên, dường như có điềm báo trước, mặc dù đã đốt mấy lần nhưng cây nến thờ không chịu cháy. Vậy nhưng, giờ lành đã điểm, không muốn các thành viên trên tàu lo lắng, anh Minh vẫn lên tàu ra khơi như chưa có chuyện gì. Sau hai ngày thả câu, mọi người đã xác định chuyến ra khơi này sẽ trắng tay ra về. Tuy nhiên, vào đêm của ngày thứ ba, khi các ngư dân đang rệu rã, mệt mỏi thì bỗng thấy hàng loạt dây câu rung lên bần bật. Biết có cá lớn, ngay lập tức, anh Minh ra tín hiệu cho mọi người hợp sức kéo cước lên. Từ đằng xa, một con mập với cái vây lưng hình tam giác đen lùi lũi như chiếc tàu ngầm trồi lên mặt nước. Thân nó đổ dài đến cả gần chục mét. Đi gần đến tàu bỗng nhiên nó quẫy đuôi quay đầu trở lại. Lúc này cá đã dính lưỡi câu, mấy thanh niên trai tráng trong đoàn hò nhau kéo lại. Con quái thú không đấu lại được sức của gần chục người cộng với việc lưỡi câu xé nát miệng nên phải bơi về phía cánh thợ săn.

Việt Nam Xanh - Giá phải trả cho người 'uống máu' con trai thủy thần

Con cá ngừ nặng 80kg cắn câu được di chuyển lên bờ.

Biết rằng đã vớ được món hời khổng lồ, anh Minh liền nhảy lên mạn tàu dùng lưỡi đọc đâm vào người con thủy quái. Bị trúng lưỡi dao vào sống lưng, con "cọp biển" khổng lồ quẫy đuôi và kéo anh Minh xuống nước. Nó lao vào tấn công người đã đâm mình. Không còn cách nào khác, các thành viên trên tàu bất lực nhìn thuyền trưởng nằm trong hàm răng sắc nhọn của cá mập. Anh Hiệp ngậm ngùi: "Khi nhận được tin anh gặp nạn là lúc tôi đang trên biển đi bắt cá ngừ. Biết tin dữ, tôi quay tàu về đất liền. Về đến nơi, xác anh tôi đã được đặt trong quan tài. Con mập đã lấy đi đôi chân và cướp đi mạng sống của anh Minh. Chân tôi không bước thêm được nữa. Đau đớn hơn, người đã cứu mạng sống của tôi đã chết dưới hàng răng cá mập". Kể từ khi đó, anh Hiệp mua lại con tàu của người anh kết nghĩa và mang theo một mối hận mỗi khi ra biển. Gã thợ săn này cũng thừa nhận rằng, ăn cơm của biển, "uống máu" của biển, việc trả nợ biển cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, anh không thể ngờ được, người phải trả nợ thủy thần lại chính là người anh kết nghĩa của mình.

Cũng theo anh Hiệp, chuyện những thợ săn bỏ lại một phần cơ thể của mình cho "cọp biển" được coi là chuyện thường ngày ở huyện. Ở Phú Quốc cũng như ở thị xã LaGi (Bình Thuận), hầu như trên cơ thể của bất cứ thợ săn nào cũng còn lưu dấu tích của những trận thư hùng với cá mập. Có người mất chân, người mất bàn tay. Hiệp bảo, lên tàu cá cứ thấy ai đi tập tễnh hoặc thiếu bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể thì chắc chắn họ đã từng phải "trả nợ" thủy thần.

Những thợ săn  thành tỷ phú nhờ vây cá mập

Câu chuyện của chúng tôi đứt quãng khi trục dây cước câu rung lắc dữ dội. Một người phụ nữ trong đoàn hô lớn: "Dính rồi!". Anh Hiệp bật dậy, chạy ngay đến mé tàu quan sát. Gã thợ săn này quay sang nói với mọi người rằng, một con cá lớn đã cắn câu nhưng không phải "cọp biển". Sau hiệu lệnh thu dây của thuyền trưởng, mấy thanh niên trai tráng xúm lại, dùng hết sức lực hòng đưa cá lên tàu. Khi con quái thú nhô lên mặt nước, mọi người mới phát hiện ra đó là một con cá ngừ khổng lồ đang quần thảo giãy giụa hòng thoát những lưỡi câu sắc lẹm. Anh Hiệp nhanh chóng cầm cây đọc đâm thẳng vào lưng rồi xoay ngang cho lưỡi dao găm chặt vào thịt cá ngừ. Bị dính đòn đau, con cá giãy càng dữ dội hơn. Khoảng 30 phút sau, thủy quái đã kiệt sức, ngoan ngoãn bơi lờ vờ dưới gầm tàu. Anh Hiệp ra hiệu lệnh cho mọi người kéo cá lên sàn tàu.

Sau khi con cá ngừ khổng lồ không còn động đậy, những ngư dân mới đưa cá lên bàn cân. Chiếc kim đồng hồ lắc lư một hồi rồi dừng lại ở con số 80kg. Mọi người ai nấy đều mừng ra mặt. Một ngư dân nhìn tôi bảo: "Nhờ lộc của nhà báo, đã lâu lắm rồi chúng tôi không câu được con cá ngừ nào lớn như vậy. Xẻ thịt mang ra chợ bán cho cánh nhà hàng chắc cũng được mấy triệu bạc". Dứt lời, người này cầm dao mổ cá rồi ướp muối đẩy xuống khoang riêng biệt chuyên đựng chiến lợi phẩm thu được. Cứ một hồi lâu, chiếc dây câu lại động đậy. Rất nhiều cá cắn câu được đưa lên tàu chế biến, tuy nhiên cả ngày, cánh ngư dân chỉ câu được một con nhám mập nặng chưa đến 20kg.

Sau khi ước tính lượng cá câu được đã đủ tiền dầu máy và có thêm chút lãi, anh Hiệp nói với lái tàu khởi động máy quay về bờ. Khi tàu di chuyển, mấy ngư dân thả lưới to xuống biển để bắt cá nhỏ rồi vào trong khoang ngủ. Riêng tôi và anh Hiệp vẫn ngồi trước mũi tàu tâm sự. Rít điếu thuốc lá, nhả khói trắng khét lẹt, anh Hiệp cho tôi biết, có những người chết vì nghiệp săn cá mập nhưng cũng có ngư dân từ tay trắng trở thành đại gia nhờ thủy quái. Trước đây, có người sau bốn chuyến ra khơi đã trở thành tỷ phú. Đó là trường hợp của ông Hoàng Hữu Tới (ở xã Cửa Dương, Phú Quốc).

Trong chuyến đi săn cuối cùng, ông Tới đã "uống máu" được gần 10 con "cọp biển" lớn. Sau khi tàu cập bến, các đại gia ở TP.HCM xếp hàng mua vi cá mập của ông này. Ngày ấy, có người đã bỏ ra 100 triệu đồng mua một bộ vây (vây lưng, vây hai bên sườn-PV). Thậm chí, những người lắm tiền nhiều của mang đầu bếp từ thành phố xuống, họ mua rồi nấu súp cá mập ăn luôn ở trên tàu. Cũng có nhiều khách sạn, nhà hàng đến đặt ông Tới hàng chục bộ vây với giá "khủng". Được biết, sau bốn chuyến đi săn, ông Tới đã kiếm được gần 5 tỷ đồng. Sau đó, biết cứ tiếp tục đi săn sẽ phải trả nợ thủy thần nên ông bỏ nghề, bán nhà cửa, tàu, cùng vợ con vào Sài Gòn sinh sống.

> Nhanh tay, trúng iPhone 5 16GB bản quốc tế

Nỗi lo "trả nợ thủy thần"

Khi chúng tôi hỏi đến số tiền kiếm được từ nghề săn cá mập, anh Hiệp cười nhạt thếch nói: "Dù đã tận tay bắt được hàng trăm con mập, tuy nhiên, khi bán vây tôi chia tiền đều cho tất cả thành viên trong đoàn. Bây giờ, đã có của ăn của để, thời gian tới có thể tôi sẽ về quê hương lập gia đình rồi mở xưởng chế biến thủy hải sản. Chứ ăn cơm của thủy thần mãi chắc chắn cũng sẽ phải trả nợ. Biết đâu ngày nào đó, không may mắn, tôi sẽ biến thành bữa ăn cho "cọp biển", hoặc đi săn gặp bão lớn rồi quên mất đường về". Nói xong, người đàn ông này thở dài nhìn xa xăm ra phía trùng khơi đang đã bắt đầu hửng sáng. Con thuyền cứ dập dềnh trên sóng nước như chính tương lai vô định của những ngư dân ăn bám trùng khơi.

Văn Chương

Mạo hiểm với nghề 'săn cọp biển' giữa trùng khơi

Thứ 3, 05/03/2013 | 16:33
Nhiều ngư dân chọn cách mưu sinh bằng nghề "săn cọp biển" bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác. Thậm chí, chỉ cần sơ ý hay lơ là cũng có thể bị cụt chân, cụt tay, bởi sự "trả đũa" của hàm răng sắc nhọn của loài cá dữ.

20 năm cay đắng của những người lầm lỡ vượt biên

Thứ 4, 03/04/2013 | 15:40
Xa gia đình 20 năm là ngần ấy ngày tháng bôn ba kiếm sống khắp châu Âu, với đầy nước mắt, sự cay đắng, tủi nhục, anh Nguyễn Anh Hùng mới có cơ hội trở về nước. Ngày về, tóc anh đã ngả màu, cha thì ốm yếu, mẹ đã không còn nhận ra con nữa.

Cận cảnh trắng đêm săn bắt rắn ở vùng lũ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Thấy con rắn vừa ló đầu ra, đám trẻ nhanh chóng nhào vô dùng tay chộp, bất chấp hiểm nguy có thể de dọa đến tính mạng. Những người chứng kiến cảnh tượng đó không khỏi rùng mình nhưng đám trẻ lại tỏ ra rất thích thú.

Chuyện ít biết về huyền thoại săn bắt cướp Lý Đại Bàng

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:56
Lý Đại Bàng là đại tá công an, AHLLVTND được nhân dân lẫn tội phạm kính nể và ngợi ca. Tên anh đã trở thành biểu tượng của công an TP.HCM.