Sáng chế “chỉ có ở Việt Nam” của kỹ sư miệt vườn

Sáng chế “chỉ có ở Việt Nam” của kỹ sư miệt vườn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Một "kỹ sư miệt vườn" đã nghiên cứu, chế tạo nên bộ "giáp sắt" giúp người điều khiển xe gắn máy có thể an toàn trên bộ và nếu kẹt xe còn có thể xuống sông... bơi.

Sáng chế bắt nguồn từ việc kỹ sư này bức xúc trước những vụ tai nạn giao thông do "xe điên" không làm chủ tốc độ tông vào hàng loạt xe gắn máy đã liên tục xảy ra, và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Ô tô-Xe máy - Sáng chế “chỉ có ở Việt Nam” của kỹ sư miệt vườn

Kỹ sư Trần Sơn Tường đang giải thích về cơ chế vận hàn

Xe tải 6 tấn tông vào cũng không sao

Kỹ sư Trần Sơn Tường là một người khá hoạt bát và vui tính. Anh không ngần ngại kể cho tôi nghe về những ý tưởng "ngây ngô" khi bước đầu thiết kế nên bộ "giáp sắt" này. Với ý tưởng tạo ra không gian an toàn cho người đi xe gắn máy, chiếc "áo giáp" đầu tiên anh thiết kế dưới dạng hình cầu, khi ngồi lên xe, "không gian an toàn" này sẽ ôm toàn bộ cơ thể người điều khiển xe gắn máy. Tuy nhiên, thiết kế này lại khá cồng kềnh, tạo cảm giác bức bí cho người sử dụng. Cái thứ hai, thứ ba rồi nhiều "bản thảo" khác nữa được chế tạo. Sau nhiều lần cải tiến, bộ "giáp sắt" gần như hoàn chỉnh nhất được anh lắp vào xe và mang ra trình diễn các tính năng bảo vệ của nó trước mặt rất nhiều người.

Bộ "giáp sắt" mà anh Tường "trình làng" thực ra là một bộ khung hình chữ nhật với cơ cấu vận hành khá đơn giản. Khi có tai nạn, xe máy văng ra hoặc ngã xuống đường, thì người điều khiển vẫn vững chắc trên xe nhờ có điểm tựa lưng và dây an toàn tương tự như xe ô tô. Do người điều khiển phương tiện không bị văng ra khỏi xe nên có thể giảm thiểu các thương tích bởi sự va chạm, chà xát xuống mặt đường.

Theo lời anh Tường: "Giả sử có xe tải lao đến từ phía sau, thì chỉ có thể tông ngã xe máy, chứ khó có thể cán lên. Bởi nhờ tác dụng của khung chịu lực, cộng với hệ thống bánh xe đa năng và hệ tự trượt tròn gắn xung quanh, khiến xe tải không thể cán qua mà chỉ có thể đẩy xe gắn máy trượt trên mặt đường.

Tuy chưa được kiểm chứng một cách "chính thống" nhưng ngày 03/11 vừa qua, trước sự chứng kiến của nhiều người hiếu kì và một số phóng viên báo đài, kỹ sư Trần Sơn Tường đã trình diễn khá thuyết phục tác dụng của bộ khung chịu lực khi để xe tải 6 tấn tông vào chiếc xe gắn máy đã mặc "áo giáp".

Ngoài ra, khung chịu lực được thiết kế thêm mái che để ngăn mưa nắng, kiếng chống bụi và vật thể lạ bay vào mặt... Anh Tường còn khá vui tính khi trang trí cho bộ khung nhiều loại hoa cỏ. Nói chuyện với tôi anh đùa: Nếu bộ khung này được phổ biến thì từ trên nhìn xuống người ta sẽ thấy "cây xanh" chạy đầy đường.

Và màn trình diễn “xe bơi” dưới nước

Kỹ sư Trần Sơn Tường đã tốt nghiệp một trường đại học về kỹ thuật ở Tiệp Khắc nhưng gọi anh là người "kỹ sư miệt vườn" cũng không sai. Sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, một vùng đất vốn nổi tiếng với nền văn hóa miệt vườn nên tính cách của Trần Sơn Tường cũng phóng khoáng và dung dị như những người miền Tây chất phát.

Theo khảo sát của nhóm PV Nguoiduatin.vn thì không ít người dân tại TP.HCM bày tỏ quan ngại về tính phổ biến của sản phẩm "áo giáp sắt" bảo vệ người điều khiển xe gắn máy. Đa phần họ đều cho rằng: Bộ khung chịu lực quá cồng kềnh, nếu là xe chở hàng thì không gắn thêm được baga, còn nếu là xe "kiểng" thì mất thẩm mỹ. Ngoài ra, khi lắp thêm khung chịu lực sẽ khó di chuyển trong những lúc kẹt xe, đường đông, chật hẹp; khung chịu lực có thể đảm bảo an toàn cho mình nhưng với thiết kế như trên, khi lưu thông có thể xảy ra việc va quệt, móc vào các xe đang chạy trên đường, gây nguy hiểm cho người khác. Anh Phan Văn Thanh, ngụ tại quận Gò Vấp cho biết: "Nếu bộ khung chịu lực có thể khắc phục được những nhược điểm nêu trên thì tôi sẽ mua về lắp để bảo vệ an toàn cho chính mình".

Anh kể về sáng kiến giúp cho xe máy sẽ ... bơi được dưới nước mỗi khi ngập đường hay mưa lũ tràn về. Cũng dựa trên thiết kế của khung chịu lực, kỹ sư Trần Sơn Tường sẽ lắp thêm phao hơi vào hai bên mạng sườn của khung, cộng với hệ thống truyền động phía sau giúp xe gắn máy có thể "bơi" trên sông, kênh rạch... một cách dễ dàng. Cùng với các thiết kế đặc biệt khác để chiếc xe máy có thể vận hành dưới nước. Thấy tôi còn có chút hoài nghi về tính khả thi của dự án "xe bơi", anh Tường cười bảo: "Nhà báo không tin thì khoảng mười ngày nữa tới chỗ bến sông Sài Gòn, tôi sẽ đem sáng chế mới này ra "bơi" thử!".

Ngoài xe máy "bơi" ra, kỹ sư Trần Sơn Tường còn ấp ủ khá nhiều ý tưởng độc lạ lấy "cảm hứng" từ chiếc xe gắn máy. Như cày ruộng, gặt lúa, đập lúa bằng chính chiếc xe gắn máy của mỗi gia đình. Vì theo anh Tường: "Ở nước mình, bà con sở hữu xe gắn máy là nhiều nhất, nhà nhà dùng xe gắn máy, người người dùng xe gắn máy. Nếu mình có thể thiết kế thêm nhiều dụng cụ hỗ trợ để chiếc xe gắn máy có nhiều tính năng công dụng hơn thì rất đỡ cho bà con!".

Và ngay chính chiếc xe "bơi" cũng xuất phát từ mong muốn: "Thấy bà con đi làm ăn, phải đợi đò, đợi phà mệt quá, mình làm cho chiếc xe "bơi" được để tiện cho bà con. Khi đến sông hồ, kênh rạch chỉ cần rồ ga cho phình phao lên, rồi cho xe chạy qua sông, lên đến bờ thì tháo phao ra rồi đi đường bộ ngon lành!", nói xong không quên kèm theo một nụ cười sảng khoái.

Lại nhắc về phần chiếc "áo giáp sắt" bảo vệ người điều khiển xe gắn máy, kỹ sư Trần Sơn Tường kể lại một kỷ niệm vui: "Ngày đầu mình đem xe ra đường, có cô thanh niên tình nguyện cứ chạy tò tò theo phía sau. Mình thì tưởng cô ấy chạy theo có công vụ gì nên dừng xe lại hỏi, nào ngờ cổ biểu: "Chú ơi, chú bán cái cây gì đẹp quá, bao nhiêu một cây vậy chú?!”... Được biết, kỹ sư Trần Sơn Tường đang chuẩn bị các thủ tục để trình hồ sơ thiết kế bộ khung sắt chịu lực bảo vệ người điều khiển xe gắn máy lên Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM để hợp tác cùng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.

Nhìn ra chiếc xe được "mặc" thêm "áo giáp sắt" tôi hỏi vui: "Vậy có khi nào anh bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì "độ" xe trái phép không?", thì anh Tường cười sảng khoái: "Không, mấy ảnh chỉ cười thôi!".

Ngọc Giàu