Sát thủ

Sát thủ "chuối rừng"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
"Tôi dạy võ không phải vì tiền bạc mà đơn giản là vì đam mê, mong góp chút sức cho phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền Việt Nam, tập trung ở các vùng làng quê, nơi phong trào tập võ chưa phát triển mạnh".

Đó là lời chia sẻ của Võ sư Nguyễn Xuân Du (Trọng tài võ cổ truyền quốc gia, ủy viên BCH Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình)

Ảnh minh họa

"Sát thủ"... chuối rừng

Võ sư Nguyễn Xuân Du lại nổi tiếng trong giới võ lâm với tuyệt chiêu trụ đài một vị trí và phang ra những đòn đá tạt uy lực bằng chân trước, những đòn đá mạnh đến mức mà đối thủ chỉ cần "ăn phải" thì sẽ bị nốc - ao ngay. Để có được danh hiệu "vua đá tạt", ông kể lại đã từng nhiều năm luyện tập bằng cách... diệt chuối rừng.

Võ sư Du sinh năm 1970 trong một gia đình dòng dõi võ thuật ở làng Xuân Hồi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). 8 tuổi, cậu bé Xuân Du đã theo học võ thuật cổ truyền. Sau khi kết thúc bậc học THPT, ông "tầm sư học đạo" với 2 võ sư truyền nhân môn phái Tây Sơn Nam Phái.

Thời bấy giờ, đây là một võ phái rất nổi tiếng ở khu vực miền Trung, pha trộn kỹ thuật chiến đấu của các dòng võ Tây Sơn (Bình Định), võ Muay Thái, võ Lào nên phong cách thực chiến rất đa dạng, hiệu quả, đặc biệt rất mạnh ở trong trường hợp nhập nội giáp chiến.

Võ sư Du cho biết: "Không di chuyển nhiều, vận dụng đòn tay linh hoạt mạnh mẽ của môn quyền Anh, gối chỏ của Muay và đòn chân trong võ Việt chính là nét đặc sắc của Tây Sơn Nam Phái".

Năm 1995, võ sĩ Puoat Xannarit, đương kim vô địch môn Muay Thái tại khu vực Đông Bắc Thái Lan đã lập lôi đài thách đấu tại thị trấn Khe Sanh. Môn phái cắt cử Du lên phá đài. Dáng người ông nhỏ nhắn như một thư sinh nên Puoat có phần coi thường. Vào trận, Puoat đã chủ động di chuyển áp sát và tung đòn gối chỏ. ông bình tĩnh phòng thủ, hóa giải và trả đòn bằng chính những đòn đánh chỏ gối Muay Thái.

Trận đấu diễn ra gay cấn, quyết liệt khi Puaoat thường xuyên tung những đòn đá chẻ khá hiểm hóc. Đáp lại, võ sư Xuân Du liên tục nhập nội để hạn chế đòn đá chẻ ấy của đối phương và tung ra những cú đấm liên hoàn rất mạnh vào đầu Puoat. Những cú đấm liên tục vào vùng đầu làm cho Puoat phải rất vất vả phòng thủ. Trong một tích tắc, khi cùi chỏ cánh tay Puoat nâng cao lên bảo vệ đầu, võ sư Du đã tung ra một đòn đá tạt cực mạnh vào hông Puoat khiến đối thủ đổ gục.

Ông chia sẻ: " ở thị trấn Khe Sanh khi đó có vô số chuối rừng, chuối rừng cứng và dòn chứ không mềm dai như chuối trồng. Chúng tôi thường chặt chuối treo lên, tập đá đến khi thân chuối gãy đôi. Suốt gần 10 năm, ngày nào cũng phải đá như vậy không bỏ dở, nếu chỉ cần bỏ một tháng thì công lực sẽ kém hiệu quả".

Hết lòng vì sự phát triển của môn phái

Năm 1997, ông mở lớp võ tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và tiếp tục kế thừa phát triển tinh hoa võ phái. Lớp võ ban đầu chỉ là một khoảng sân nhỏ hẹp chưa đầy 400m2. Không chỉ có các em nhỏ, thanh niên mà thậm chí là những người lớn tuổi trung niên cũng đăng kí để được học võ.

Võ sư Du cho biết: "Cái sân nhỏ mà hơn 200 người học, tôi phải chia lớp ra để dạy. Lớp người lớn và lớp trẻ em nhỏ. Nhìn lớp học đông vui mình cũng phấn khởi, và có thêm động lực để dạy".

Khắc phục mọi thiếu thốn khó khăn, ông đã đào tạo được một thế hệ học trò đầu tiên gặt hái được nhiều thành công, đạt thứ hạng cao tại giải vô địch võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất. 15 năm qua, ông đã đào tạo ra hàng trăm huấn luyện viên và VĐV võ thuật. Điều đặc biệt là ngoài tiền phí may võ phục đai đẳng ra, thì suốt 15 năm qua ông không hề thu thêm một khoản tiền nào của võ sinh.

Võ sư Du kể: "Tôi dạy võ không phải vì tiền bạc mà đơn giản là vì đam mê, mong góp chút sức cho phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền Việt Nam, tập trung ở các vùng làng quê, nơi phong trào tập võ chưa phát triển mạnh. Dạy võ không chỉ đơn thuần là dạy các em biết cách tự vệ chiến đấu mà hơn hết là dạy những đạo lý làm người. Dù là môn võ nào đi chăng nữa, đạo vẫn là gốc nguồn của võ".

Sau những năm tháng dạy võ, niềm vui lớn nhất của ông là được nhìn thấy các học trò của mình khôn lớn, trưởng thành.

Nguyên Phi - Phong Hàn