Sẽ có luật riêng về phổ biến giáo dục pháp luật

Sẽ có luật riêng về phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học góp ý kiến xây dựng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Tầm quan trọng như "cây gậy pháp lý"

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Hiện nay, văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được thực hiện nhiều năm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình mới.

Vì thế, những ý kiến đóng góp của các luật gia tại hội thảo này là rất quan trọng nhằm hoàn thiện hơn Luật PBGDPL để sớm được thông qua.

Ông Nguyễn Duy Bằng, Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo dục & Đào tạo nhận định: "Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chúng ta còn thiếu "cây gậy pháp lý" nên cần ban hành luật này.

Cán bộ đang tư vấn pháp luật cho người dân tại Hải Phòng trong một buổi trợ giúp pháp lý

Phải thừa nhận việc xây dựng Luật này là cực khó, vì trên thế giới chưa có quốc gia nào có để chúng ta học tập kinh nghiệm. Nhưng không phải vì khó, vì chưa ai làm mà ta không làm được, vì thế trách nhiệm của các luật gia là góp ý hoàn thiện dự án để sớm được Quốc hội thông qua".

Góp ý kiến cho dự án Luật PBGDPL, ông Nguyễn Danh Bình, Ban dân chủ - Pháp luật, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tán thành sự cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này vì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, cần phải có cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể. Tuy nhiên, trong dự án Luật PBGDPL cần thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa và tài trợ của các tổ chức nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Chánh văn phòng TW Hội đồng tình với ý kiến này và cho rằng dự án Luật đã được xây dựng rất công phu, nội dung luật được xây dựng hợp lý và có nhiều quan điểm tiến bộ.

"Tuy nhiên, nên chăng Nhà nước cần có những quan tâm nhiều hơn đến các tổ chức xã hội trong hoạt động này, thậm chí cả việc thiết kế là lập chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật?", ông Huệ băn khoăn.

Sẽ có ngày Hiến pháp Việt Nam

Trước hội thảo, ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã trình bày tờ trình và nội dung dự án Luật PBGDPL. Theo đó, Dự án Luật PBDGPL gồm 5 chương 46 điều, do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng. Dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2012.

Đến thời điểm hiện nay, Ban soạn thảo đã nhận được 52 văn bản góp ý của các bộ ngành và đang tiếp tục lấy ý kiến cho đến hết tháng 10/2011. Cũng theo ông Lãm thì ban soạn thảo cũng đang xin ý kiến Chính phủ về quy định Ngày Hiến pháp Việt Nam (dự kiến là ngày 9/11 hàng năm - ngày Quốc hội ban hành Hiến pháp 1946) và đề nghị thành lập Hội đồng quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật để đưa cụ thể vào dự án luật.

Đồng quan điểm, đại diện cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông Đinh Xuân Thứ cho hay: Rất cần quy định ngày Hiến pháp nhằm tôn vinh pháp luật và thể hiện ý thức tôn trọng luật pháp của công dân.

Đồng thời, việc thành lập Hội đồng quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật cũng không thể thiếu nhằm tăng cường tiềm lực và huy động các cơ quan, tổ chức tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đưa ra ý kiến đề nghị ban soạn thảo báo cáo với các cấp các ngành sớm tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW và 8 năm thực hiện Quyết định 212/2004/QĐ-TTg trong lĩnh vực này, để đánh giá thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay như thế nào.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật PBGDPL phải có chế tài, nếu không thì Luật không có tác dụng. Và nếu đưa chế tài vào rồi thì áp dụng Luật nào để xử lý?

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Nguyễn Duy Lãm ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng của các luật gia, trên tinh thần chung cố gắng để ra một đạo luật có tính khả thi. "Hy vọng khi ban hành, luật sẽ tạo ra một bước chuyển mới về ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng pháp luật", ông Lãm nói.

Trần Quyết