Sĩ tử “nuốt nước mắt” đi thi

Sĩ tử “nuốt nước mắt” đi thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Kết thúc ngày thi đầu tiên, hàng triệu thí sinh cả nước đang hiện thực hóa ước mong “cá chép hóa rồng”. Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh vượt khó của thí sinh, nhiều người không khỏi rơi nước mắt.

“Nuốt nước mắt” đi thi

Sáng 4/7, tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, rất nhiều thí sinh, phụ huynh đã cảm phục trước một cô gái một mình chống nạng đến trường để làm thủ tục dự thi. Đó là thí sinh Đinh Thị Huynh (21 tuổi, Đắk Lắk) dự thi vào ngành kế toán.

Xã hội - Sĩ tử “nuốt nước mắt” đi thi

Sĩ tử tìm kiếm sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện

Sinh ra ở thành phố Buôn Ma Thuột, nhà có sáu miệng ăn, nhưng cả gia đình chỉ trông cậy vào gánh xôi bán rong của mẹ và các công việc lặt vặt của người anh cả, còn bố thì mất sức lao động nên chỉ ở nhà phụ bán xôi. Mỗi ngày cả gia đình kiếm hơn 50 nghìn đồng, chỉ đủ cho cả nhà đắp đổi qua ngày. Gia đình thì khó khăn, lại phải nuôi thêm một người con tật nguyền, dường như gánh nặng đè lên đôi vai già của bố mẹ.

Huynh cho biết: “Căn bệnh sốt bại liệt quái ác đã cướp lấy đôi chân khi em vừa mới được một tuổi. Bố mẹ chạy chữa khắp mọi nơi nhưng không thể cứu vãn được bệnh tình của con. Gần như hàng tháng em phải đến bệnh viện 2, 3 lần, có tháng cả bố mẹ phải ở hẳn trong bệnh viện để chăm sóc”.

Ngược lại với căn bệnh quái ác này, Huynh rất ham học và là học sinh khá của trường. Với 900 nghìn đồng dằn túi, Huynh một mình đi xe đò gần 10 tiếng vào thành phố dự thi. Ước mơ lớn nhất của Huynh là thi đậu, để không phải làm phiền đến người thân và có thể tự nuôi sống bản thân. “Nếu trời cho em được khỏe mạnh và thi đậu như các bạn thì em cố gắng học thật giỏi để sau này xin vào các tổ chức phi chính phủ để làm công tác từ thiện”, Huynh vui vẻ nói.

Để dự thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thí sinh Nguyễn Thị Hải đã phải đi hái rất nhiều “lá trầu, quả cau” để cho mẹ đem bán ở chợ, để dành được 200 nghìn đồng, bố mẹ phải đi vay mượn hết xóm nghèo được thêm 600 nghìn để hai cha con cùng vào thành phố dự thi.

Sinh ra ở làng quê nghèo ở Bình Thuận, nhà có sáu miệng ăn, nhưng chỉ trông chờ vào gánh trầu cau bán rong của mẹ và con bò mua từ chương trình hỗ trợ cho người nghèo làm kinh tế của tỉnh. Mỗi ngày cả gia đình kiếm được 20 nghìn đồng, không đủ cho cả nhà đắp đổi qua ngày, huống chi để dành cho con cái đi thi.

Bố hàng ngày theo “đuôi con bò” kéo cày thuê cho các gia đình trong xóm, tranh thủ những lúc nghỉ trưa, còn lặn lội chở gạch thuê cho các huyện xa. Dù làm lụng siêng năng nhưng gia đình hiện giờ vẫn nợ ngân hàng 15 triệu, mà không biết bao giờ mới trả được.

Hành trang của hai cha con xuống thành phố với vài bộ quần áo nhàu nhĩ, vài cuốn sách cũ và tờ giấy xác nhận gia đình có kinh tế khó khăn, để trình bày với đội tiêp sức mùa thi để tìm một chỗ trọ miễn phí và nuôi ước mơ được biết giảng đường đại học “màu gì”.

Nhiều phụ huynh bị lừa

Bác Hoàng Văn Thái (Tuyên Quang) trong lúc chờ “cậu ấm” tại địa điểm thi ĐH Quốc gia Hà Nội lại chua chát kể lại “kỷ niệm” hai bố con bị lừa vố đau đớn: “Hôm xuống bến xe Mỹ Đình, do không có ai thân thích nên bố con tôi nhờ một người xe ôm chở về gần địa điểm thi để trọ. Lúc đầu, gã xe ôm nói ngon nói ngọt quảng cáo một chỗ trọ miễn phí, nhà rất rộng rãi và thoáng mát. Cậu này còn một mực khẳng định, hai người chỉ mất một ít chi phí nhưng không đáng kể.

Tin lời người “xe ôm tốt bụng”, hai bố con tôi liền lên xe và được chở đến khu trọ trên đường Cầu Giấy (Hà Nội). Bà chủ tiếp đón khá niềm nở nhưng căn phòng không được rộng và sạch như người xe ôm quảng cáo. Bà chủ nhà hùng hồn giới thiệu: “Ở đây an ninh tốt, điện nước đảm bảo, hai bố con cứ yên tâm ở để thi cho tốt”.

Song một hồi thao thao bất tuyệt tưởng gặp được người tốt ai dè bà này bảo tiền thuê phòng không lấy nhưng điện nước mỗi người đóng 100.000 đồng/người/ngày. Bố con tôi đành “ngậm đắng nuốt cay” mà ở cho qua ngày. Đúng là bị ăn “quả lừa” ngay lần đầu xuống thủ đô”.

Cùng đó, chị Nguyễn Vân Anh (quê Thanh Hóa) đưa con trai đi thi vào ĐH Kiến trúc Hà Nội. Khi xuống bến xe, có một thanh niên mặc áo xanh giống màu áo của sinh viên tình nguyện đến và nói là xách giùm đồ. Tưởng là người tốt, ai ngờ thanh niên này lừa lúc chị không để ý đã chuồn mất. Chiếc ba lô với nhiều đồ dùng cá nhân của hai mẹ con và hơn 2 triệu đồng đã “không cánh mà bay”…

Xuân Đức