Siết bán thịt trong 8 giờ khác nào... “trèo cột mỡ”

Siết bán thịt trong 8 giờ khác nào... “trèo cột mỡ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm soát dấu kiểm dịch còn khó nói gì đến thời gian giết mổ.

Từ ngày 3/9, các sản phẩm thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, theo thông tư số 33 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành. Với quy định này, người tiêu dùng hy vọng sẽ không phải đối mặt với thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường…

Xã hội - Siết bán thịt trong 8 giờ khác nào... “trèo cột mỡ”

Ảnh minh họa

Sống chung với... thực phẩm “bẩn”

Theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng TP.HCM, mỗi ngày tiêu thụ một số lượng khổng lồ sản phẩm thịt động vật các loại lên đến 1.100.000 kg. Trong đó, lượng sản phẩm động vật từ các tỉnh khác chuyển vào TP.HCM tiêu thụ chiếm khoảng 70-80%. Đây chính là số lượng thực phẩm mà cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Vì việc kiểm soát chất lượng nông sản thông qua kiểm tra nhanh và lấy mẫu ngẫu nhiên chưa mang tính khả thi để có thể kiểm soát được 100% nông sản thực phẩm vào thành phố. Cho nên lượng động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch chiếm khoảng 5-10% có nguồn gốc từ các tỉnh, nhất là các vùng ven đô.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển thực phẩm thối rữa, không giấy chứng nhận kiểm dịch vào các thành phố lớn. Tại Hà Nội, cơ quan chức năng vừa đánh sập một đường dây thu mua thịt heo bị nhiễm dịch tai xanh chế biến thành ruốc và mắm tép chưng để bán ra thị trường, thu lời bất chính.

Cuối tháng 6, lực lượng liên ngành của TP.Hà Nội đã tạm giữ 2 xe tải loại 5 tấn chở đầy gà đang lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lái xe khai nhận chở thuê số gà trên từ Quảng Ninh về Hà Nội nhưng không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong vòng 10 ngày trung tuần tháng 6, đã bắt giữ trên 17 tấn gà lậu.

Theo nhận định của chi cục Thú y Hà Nội, những vụ "lọt trạm” (qua mặt trạm kiểm dịch) rất nhiều với những thủ đoạn rất tinh vi. Bởi, theo quy định tất cả hàng hóa sản phẩm động vật phải vận chuyển bằng xe chuyên dùng, thì thực phẩm bẩn lại được các đối tượng ngụy trang trong các lô hàng trái cây, vận chuyển bằng xe chất lượng cao, xe du lịch. Địa chỉ điểm đến của thực phẩm bẩn đa phần là "địa chỉ ma”. Trong khi đó các đối tượng này đối phó bằng cách cho người theo dõi giờ giấc, hoạt động của lực lượng kiểm tra để chờ những lúc sơ hở sẽ cho vượt trạm, hoặc vận chuyển hàng vào ban đêm…

Gà không kiểm dịch bán công khai. Thịt lợn ôi, ế cũng được bày bán vô tội vạ. Những người lưu thông qua đoạn đường 32 (khu vực qua huyện Hoài Đức, Hà Nội) không lạ với hình ảnh những miếng thịt lợn được bay trên những miếng tải, xung quanh là ruồi bay. Những hình ảnh này thường xuất hiện vào tầm từ 2 giờ đến 3 giờ chiều. Không lều quán, quầy hàng, không mái che, bàn ghế, thịt ở đây được bày bán ê hề ngay trên nền đất cạnh lề đường. Những tảng thịt ế đã ảm mùi hôi hám, ngả màu.

Khách đến mua hàng ở đây cũng năm bảy kiểu. Phần lớn là người mua thịt dùng làm hàng bán trong các quán bình dân. Nhiều người dân hoặc sinh viên cũng chuộng loại thịt này vì giá rẻ, chỉ bằng một nửa giá thịt ngoài chợ. Cũng vì ham rẻ nên người mua chẳng cần quan tâm nguồn gốc của chúng từ đâu, được kiểm dịch hay chưa?

Kiểm tra thời hạn bằng cách nào?

Trước sự ngổn ngang về thực phẩm “bẩn”, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư 33 (có hiệu lực từ 3/9) siết chặt thời gian bày bán thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Ngoài nội dung trên, thông tư 33 còn quy định trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ kể từ khi giết mổ. Riêng đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.

Thông tư 33 cũng quy định một số yêu cầu về bày bán, bao bì đối với thịt, phụ phẩm phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định. Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được sản xuất từ vật liệu an toàn, không bị nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ, bảo đảm chất lượng của thịt.

Với quy định này, người tiêu dùng hy vọng sẽ được ăn thịt sạch, đảm bảo ATVSTP, còn tiểu thương tại các chợ lại lo nơm nớp không bán kịp hàng. Theo tìm hiểu của PV, với quy định mới nhiều tiểu thương tại các chợ Thành Công, Láng Hạ, chợ Bưởi, chợ Hôm… đều cho rằng quy định thịt heo bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ là khó khả thi.

Theo lý giải của các tiểu thương, việc giết mổ heo từ lúc 1- 2 giờ sáng nhưng phải đến 3 giờ sáng thú y mới cho xuất lò để đưa về phân phối ở các chợ. Chưa kể, việc giết mổ heo tại một số lò mổ diễn ra từ 12 giờ đêm.

Như vậy, nếu quy định thời gian 8 giờ thì chậm nhất là 10 giờ sáng, tiểu thương phải bán hết số thịt đã mua. Với thời gian quá ngắn như vậy chắc chắn nhiều tiểu thương sẽ bán không hết thịt. “Đến những người bán thịt như chúng tôi cũng khó phân biệt được heo nào giết mổ lúc 1 giờ sáng, heo nào giết mổ lúc 4-5 giờ sáng thì cơ quan chức năng kiểm soát thời gian các chủ cơ sở giết mổ như thế nào?”, một tiểu thương ở chợ Láng Hạ (Hà Nội) cho hay.

Ngân Giang – Hoàng Mai