Sinh viên muốn đẹp mặt hay trường lấy

Sinh viên muốn đẹp mặt hay trường lấy "tiếng thơm"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Theo một số chuyên gia giáo dục, nếu cá nhân nào nghĩ rằng, trường mình có sinh viên là Hoa hậu của Quốc gia mà cảm thấy tự hào thì điều đó quả thực quá buồn cười. Bởi vì trường học không phải "lò" đào tạo sắc đẹp.

Những ngày sau khi cuộc thi HHVN 2012 kết thúc, người dân TP. Cần Thơ khi đi qua cổng trường ĐH Tây Đô chắc hẳn không thể bỏ qua tấm băng-rôn với dòng chữ tự hào: "Hoa hậu Việt Nam năm 2012 Đặng Thu Thảo - Sinh viên trường Đại học Tây Đô". Tấm băng - rôn này được trang trọng treo trước cổng trường. Mấy ngày qua, khi dư luận xôn xao vì nghi án gian lận bằng cấp của tân Hoa hậu, nghĩ lại, chắc hẳn nhiều người không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Họ tự hỏi, nếu không có hai kỳ thi đặc cách thì tấm băng - rôn kia có được trưng lên hoành tráng như thế hay không?

Xã hội - Sinh viên muốn đẹp mặt hay trường lấy 'tiếng thơm'?

Tân Hoa hậu Đặng Thu Thảo

Vị quyền hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô Phan Văn Thơm đã giải thích rằng, đặc cách cho Thu Thảo thi trước hai lần để Thảo tham dự cuộc thi HHVN (một cuộc thi mang tầm vóc quốc gia) là hoàn toàn đúng đắn. Song nếu xét theo tiêu chí tham dự, thí sinh chỉ cần đạt trình độ từ THPT trở lên là đã có thể tham dự thì Thu Thảo "cố" xin trường thi gấp rút hai lần lấy cho kỳ được cái danh sinh viên để làm gì?

Cần quy định rõ ràng tiêu chuẩn đặc cách

Có cái nhìn bao quát, GS. Văn Như Cương phân tích, lâu nay, chuyện trình độ học vấn của các người đẹp, hoa hậu đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Có lẽ đây cũng là áp lực khiến một số thí sinh khi tham dự cuộc thi nào đó cố gắng tạo cho mình một hồ sơ đẹp. Ngoài ra, qua sự việc này, tôi nghĩ nên có quy định rõ ràng cho tiêu chuẩn đặc cách. Chuyện đặc cách mà dễ dàng quá sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra.

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích: Thông thường một kỳ thi bao giờ cũng phải có đủ các thành phần như hội đồng coi thi, quy chế thi. Khi chấm thi thì bài thi phải được rọc phách để bảo đảm tính bảo mật và công bằng. Không có quy chế nào quy định được tổ chức riêng kỳ thi cho một người cả. Chuyện này không chỉ không đúng quy chế mà còn có thể nói là rất nực cười.

Theo ông Nhã, trường hợp đặc cách chỉ có thể xảy ra đối với sinh viên nước ngoài và miền núi. Khi tuyển vào trường, Bộ GD&ĐT cho phép hiệu trưởng dựa trên ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học - đào tạo và hội đồng tuyển dụng để quyết định xem đặc cách cho đối tượng nào. Tuy nhiên, chuyện đặc cách không hề đơn giản. "Nếu học sinh chỉ cần đưa ra một lý do mà sau đó nhà trường chủ quan cho rằng đó là hợp lý thì tôi chắc trường đó cứ quanh năm đi tổ chức thi đặc cách mà thôi", GS. TS. Nguyễn Văn Nhã thẳng thắn bày tỏ.

Bàn luận về cái "danh sinh viên" của tân Hoa hậu có được trong khoảng một tháng, vị trưởng ban Đào tạo của trường ĐH Quốc gia cho rằng, cần xem rõ mục đích của việc làm này. Cô này trang bị là sinh viên để có hồ sơ đẹp hay trường Tây Đô muốn tạo điều kiện để cô này đánh bóng cho trường mình?

Theo ông Nhã, nhà trường là nơi để đào tạo ra những sản phẩm tri thức chứ không phải là "lò" sản xuất sắc đẹp. Nếu cá nhân nào mà hiểu rằng, trường mình có sinh viên là Hoa hậu của quốc gia mà cảm thấy tự hào thì điều đó quả thực quá buồn cười. "Chẳng hạn như trường tôi, nếu có học sinh đấm bốc quốc tế tôi cũng thấy bình thường vì trường tôi có dạy thể dục thể thao đâu. Nhưng nếu cậu học sinh đó đạt giải Olympic quốc tế hay bảo vệ thành công hai bằng tiến sĩ thì tôi lại thấy rất vinh dự và tự hào", GS.TS Nguyễn Văn Nhã khẳng định.

Hạnh Thu

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.