Sôi nổi bình luận về đề thi lạ môn Văn

Sôi nổi bình luận về đề thi lạ môn Văn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Câu hỏi phụ môn Văn chỉ yêu cầu viết 400 từ nhưng có thí sinh đã hào hứng “phóng bút” tới 3 trang giấy thi.

Câu 2 của môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chiếm 3 điểm khi yêu cầu viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: "Thói dối trá là biểu hiện sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội". Đại đa số thí sinh đều rất hào hứng với đề thi này tuy nhiên một số học sinh và thậm chí cả phụ huynh cho rằng câu hỏi này quá sức đối với học sinh phổ thông.

Xã hội - Sôi nổi bình luận về đề thi lạ môn Văn

Đa số thí sinh hào hứng với đề thi môn văn năm nay

Học sinh hào hứng với câu hỏi phụ

Thí sinh Hồ Thị Kiều My (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Đề thi phần nghị luận xã hội về thói dối trá đã đánh trúng vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay. Khi thói dối trá biểu hiện ra khắp mọi ngõ ngách, mọi con người, vươn tầm ra cả thế giới. Với câu này, em đã viết được gần hai trang giấy bày tỏ sự bức xúc của bản thân về thói dối trá ngay trong kỳ thi năm nay là việc lén lút dùng phao, dùng dụng cụ hỗ trợ thi gian lận”.

Còn Mai Thế Định, học sinh trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra thích thú với câu tự luận: “Là con người, có ai là không một lần nói dối nhưng điều quan trọng họ có dám nhìn vào sự thật và nói ra suy nghĩ của mình hay không. Con người sống trong xã hội không trung thực với bản thân và với người khác, nói và làm một trời một vực so với thực tế. Khi “dối trá” trở thành thói quen, thành tính cách thì tác hại của nó vô cùng to lớn”.

Còn thí sinh Trần Lê Diễm Trang (học sinh Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng, đề thi này nếu đi cụ thể vào thói dối trá của ngành giáo dục hiện nay thì sẽ có nhiều tác động tốt đến học sinh hơn. Bởi vì, trong thời gian qua, ngành giáo dục xảy ra hàng loạt vụ scaldan từ thầy dối nhà trường lén lút quan hệ với học sinh, học sinh dối cha mẹ đi chơi game, quậy phá…

“Đề thi này nói vấn đề quá rộng chưa khơi gợi hết tính sáng tạo của thí sinh. Tuy nhiên, với câu hỏi nghị luận này, em viết được gần 3 trang giấy thi. Trong phần bài làm của mình, em nói rõ đến vụ Lê Đức Thông (nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Vật lý TP.HCM), bị hai tạp chí khoa học quốc tế uy tín gỡ bỏ ba bài báo của ông này với lý do đạo văn. Đây là thói dối trá vô đạo đức, vô giá trị khoa học làm ảnh hướng rất nhiều đến các thành tựu nguyên cứu khoa học của Việt Nam” - thí sinh Diễm Trang thẳng thắn.

Sôi nổi tranh luận

Trao đổi với Người đưa tin, cô Nguyễn Kim Anh - Giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng, đưa nội dung này vào bài thi có thể khiến học sinh bất ngờ nhưng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ. Hơn nữa, đề Văn cũng góp phần “đánh động” suy nghĩ của bộ phận người lớn đang có lối sống chưa đẹp, chưa gương mẫu. “Nhiều người bao biện rằng, họ nói dối với dụng ý tốt, lời nói dối đôi khi lại trở thành hữu ích nếu biết rằng sự thật trong một số trường hợp không có ích cho ai. Tuy nhiên, với những người sống có nguyên tắc, nói dối là điều không chấp nhận được. Người nói dối cũng phải tự cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình”.

Không ít thí sinh và các bậc phụ huynh tỏ ra không đồng tình với câu hỏi này. Một nhóm thí sinh tại hội đồng thi Trần Phú cho rằng: “Câu trên hơi quá với lứa tuổi chúng em. Vì muốn biết ý kiến của những người ở lứa tuổi tụi em về vấn đề lối sống suy thoái, đạo đức dối trá trong xã hội thì chưa được chính xác. Chúng em chỉ biết học hành, ăn ngủ và vui chơi cùng bạn bè, nếu có dối trá thì cũng chỉ là những chuyện rãnh vặt, nhỏ xíu không gây hại cho xã hội thì sao chúng em biết hậu quả mà ý kiến”.

Một bạn trong nhóm đề xuất: “Tại sao hội đồng thi không ra câu hỏi mở về tình yêu, tình bạn lứa tuổi học đường trong đời sống công nghiệp hiện nay thì có lẽ sẽ thú vị hơn nhiều, lúc đó chúng em tha hồ tung hoành và ban giám khảo chấm thi cũng tha hồ nhận định”.

Cùng ý kiến với các em học sinh, chị Nguyễn Tường Vi, có con đi thi tại hội đồng thi trường THPT Ngô Quyền thì nhận xét: “Nói chung đề thi năm nay bám sát chương trình học của các em nên có phần duy trì kiến mà các em học được. Tuy nhiên, câu 2 của đề văn thì không được sát thực tế cho lắm. Tôi nghĩ nếu câu hỏi này dành cho các em sinh viên còn chưa phù hợp huống hồ gì là các em học sinh”.

Xúc động chồng ẵm con đợi vợ thi

Xã hội - Sôi nổi bình luận về đề thi lạ môn Văn (Hình 2).

Vợ chồng Ủy và đứa con bé bỏng

Hàng trăm phụ huynh học sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã không khỏi cảm động khi chứng kiến người chồng bồng con đợi vợ tham dự kỳ thi tốt nghiệp ở bên ngoài trường thi. Đó là trường hợp của Phan Thanh Ủy (28 tuổi, ở xã A Đớt, huyện A Lưới), chồng của thí sinh Kê Thị Thơm (26 tuổi), học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới. Cả hai vợ chồng Ủy đều là người Ka Tu, họ cưới nhau từ hơn một năm trước, khi Thơm đang còn là học sinh lớp 12.

Anh Ủy vừa đi đi lại lại dỗ con, vừa hát những khúc hát ru bằng tiếng của đồng bào Ka Tu. Cả ngày thi anh Ủy đều đứng bồng con bên ngoài hành lang. Trời Huế đang những ngày nóng nực và mưa dông đổ xuống bất cứ lúc nào nhưng Ủy vẫn không rời khu vực trường thi để ngóng chờ tin thi từ vợ. Được biết, vợ chồng anh Ủy đều làm rẫy và thi thoảng đi làm thêm.

Anh Đức – Thắng Trần - Trần Đình