Sống cùng axit, dân đeo khẩu trang đi ngủ

Sống cùng axit, dân đeo khẩu trang đi ngủ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Ở thôn Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, hàng ngày người dân phải đeo khẩu trang, kể cả đi ngủ.

Người gầy, chân tay lở loét, bào nhi thành quái thai…

Các gia đình ở đây đóng cửa nhà 24/24, các cửa sổ, lỗ thoáng khí được người dân che kín nhằm giảm bớt mùi hôi thối bốc lên từ ao trong xóm – đây là nơi xả những phế thải từ bình ắc quy của xưởng sản xuất của gia đình ông Hải trong 4 năm qua.

Một người dân đang chỉ cho PV nơi đổ axit, là cách bình ắc quy hỏng xuống ao (Ảnh: Phan Chính)

Thôn Phan Bôi, trong đó 40 hộ sống vòng quanh ao bị ảnh hưởng nặng nhất. Không chỉ hứng chịu mùi hôi thối từ nước ao, nguồn nước ăn trong thôn hiện cũng đang ô nhiễm trầm trọng. Theo mộ người dân, trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất gia đình ông Hải đổ ra ao trong xóm từ 4 – 6 tấn phế liệu.

Xưởng sản xuất tái chế bình ắc quy của gia đình ông Hải nằm liền kề với ao làng. Mỗi ngày xưởng nhập các loại ắc quy cũ, bình hỏng về đập ra lấy chì, nhựa. Còn lại lá cách, nước axit, các phế thải từ bình ắc quy… thì đổ xuống ao. Lâu dần, nước ao trở lên đem ngòm, bốc mùi hôi thối, tanh nồng, một người dân nói.

“Mùi axit bốc lên làm hai mũi cay ngặt, đau đầu khủng khiếp. Những khi có gió nồm, dân chúng tôi không thể chịu nổi”, bà Nguyễn Thị Chuyền cho biết.

Anh Lê Gia Tú nói, do gần kề xưởng sản xuất gia đình ông Hải, nguồn nước gia đình tôi đang dùng có vị tanh nồng, uống thấy hơi chát. Chúng tôi phải thường xuyên rửa bể mà vẫn không thoát khỏi tình trạng này. Gia đình tôi đã khoan kịch tầm 60m còn vậy, những gia đình khoan giếng nông hơn thì nước có mùi thum thủm, không sử dụng được”.

Tại thôn Phan Bôi, các gia đình phải chuẩn bị rất nhiều khẩu trang dùng hàng ngày. Bà Lê Thị Tứ phản ánh: Khi trời mưa ngập, thứ nước hôi thối đó tràn khắp xóm, vành xe dính nước này thì hoen gỉ. Trẻ con thì viêm đường hô hấp.

Do ở gần ao, gia đình anh Lê Đình Khiển bị nước ao ngập vào giếng nước dùng trong sinh hoạt. Ông Khiển nói: Tôi biết nước giếng độc hại nhưng không có tiền biết làm sao. Mỗi đêm thấy con nói khó thở, không ngủ được, phải đeo khẩu trang, tôi thương cháu quá. Dân nghèo chúng tôi phải chịu cảnh này 4 năm rồi…

Theo phản ánh của người dân, dù đã gửi đơn kiến nghị lên xã, huyện nhiều lần, nhưng nơi nào cũng trả lời cứ về đi, sẽ giải quyết. Đã 4 năm trôi qua, người dân thôn Phan Bôi vẫn mòn mỏi ngóng chờ, chịu đựng. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động của xưởng sản xuất gia đình ông Hải và phải xúc hết số lá cách, phế thải của bình ắc quy đã đổ xuống ao trong 4 năm”.

Một vài gia đình đã phải bỏ làng, bỏ nhà cửa, chòm xóm đi nơi khác. Phần lớn các hộ chỉ biết ở lại và chịu đựng. Đất trong thôn hiện nay bán chẳng ai mua, cho dù đã hạ giá hết mức.

Cả thôn Phan Bôi có chừng 25 đứa trẻ mà đứa nào cũng còi cọc như que củi. Cứ trời mưa là chẳng hộ nào dám cho trẻ con ra đường vì sợ dính phải thứ nước ô nhiễm tràn ra từ ao. Những thai phụ thì luôn lo lắng rằng đứa con trong bụng khi sinh ra sẽ bị quái thai, sẽ không có chân tay…

Chủ ngôi nhà này đã phải bỏ đi vì không chịu nỗi ô mùi ô nhiêm (Ảnh: Phan Chính)

“Chúng bay chỉ là bọn tép riu…”

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, chị Vũ Thị Nhung nói: Mỗi lần bà con lên xã hay lên tỉnh gửi đơn kiến nghị, khi về đều nhận được lời đe dọa trắng trợn từ vợ chồng ông Hải: “Chúng bay chỉ là bọn tép riu, không làm gì được tao đâu. Cứ kiện đi, không kiện được bọn bay sẽ biết tay…30 triệu một mạng người chứ mấy”.

Cũng theo phản ánh của người dân, sau mỗi lần người dân đi kiến nghị thì lượng rác thải mà xưởng sản xuất của ông Hải đổ ra ao còn nhiều hơn. Dân trong thôn cũng không ai dám “đối đầu” với gia đình Nga Hải vì họ sẵn sàng gọi “đàn em” đến bất cứ lúc nào. Dân vừa nghèo, vừa yếu thế… đành chịu đựng.

Gia đình ông Hải thuê nhiều nhân công làm tất tật từ A tới Z. Để tránh ô nhiễm, gia đình này mua đất, chuyển ra ở gần đường quốc lộ. Công nhân làm trong xưởng chủ yếu là người nghèo ngoại tỉnh.Khi làm việc, phải tiếp xúc với axit, bột chì, các hóa chất độc hại, nên dù đã đi 3 gang tay bằng cao su nhưng bàn tay của các công nhân này vẫn bị axit ăn nhợt. “Biết độc hại nhưng vì cần tiền nên vẫn phải làm, chúng tôi cũng già rồi, làm chết thì thôi…” – một công nhân thổ lộ.

Chúng tôi chỉ có thể mục sở thị xưởng làm việc đó từ xa, qua một diện tích ao. Những công nhân đang ra sức đập bình ắc quy lấy bột chì, vỏ bình được xay ra, nước axit đổ thẳng ra ao.

Xưởng sản xuất này khóa cửa 24/24, trừ những giờ mở cửa cho công nhân đến và về, còn lại thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Theo phản ánh của các hộ dân xung quanh, mỗi khi người dân báo cáo lên xã hay huyện thì nhanh như chớp, gia đình Nga Hải thuê xe chở cát về lấp lên số phế liệu xả thải ra ao. Diện tích ao cũng hẹp dần vì lý do này, xưởng sản xuất theo đó được rộng ra. Những công nhân trong xưởng đang ngồi làm việc trên chính số phế liệu họ đã xả thải trong suốt 4 năm qua.

Phan Chính