“Sống lại” sau 10 lần mổ để ghép thận

“Sống lại” sau 10 lần mổ để ghép thận

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trong nước mắt, chị Hứa Thị Cẩm Tú (37 tuổi, ngụ Thới Lai, Cần Thơ) đã chia sẻ với chúng tôi về cuộc hành trình chạy trốn khỏi lưỡi hái "tử thần". Người đàn bà này cho biết, chính các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tái sinh ra chị. 10 lần mổ, mười lần nguy hiểm, người đàn bà này đã thoát hiểm nhờ có những phép màu. Hiện tại, sức khỏe người phụ nữ bị cắt nhầm thận đang dần hồi phục.

Những phút giây đi qua "cửa tử"

Trong buổi gặp mặt trước khi ra viện, sáng 5/9, chị Tú cùng gia đình và đội ngũ y, bác sĩ đã có chung niềm vui, hạnh phúc tột cùng. Tâm sự với chúng tôi, chị Tú xúc động cho biết: "Tôi đã hoàn toàn bình phục. Được ra viện, gia đình tôi vui lắm, mừng lắm, hạnh phúc lắm... Về lại quê nhà ở Cần Thơ, tôi sẽ cùng chồng làm nghề đúc chậu kiểng kiếm tiền nuôi con".

Xã hội - “Sống lại” sau 10 lần mổ để ghép thận

Chị Tú cùng chồng và con trai hạnh phúc trong buổi lễ ra viện.

Sau một hồi chia sẻ niềm vui cùng những bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, chị Tú cho biết, chị như được sinh ra lần thứ hai sau 10 lần phải mổ để ghép lại thận. Các bác sĩ tại bệnh viện trên đã tái sinh ra người đàn bà này. Giờ thì chị đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện. Trước mặt chúng tôi là chị Hứa Cẩm Tú, người đã bị cắt nhầm hai quả thận tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Mùa này về chiều, trời Huế hay lớt phớt mưa như báo hiệu thời khắc chuyển sang thu đang đến gần. Tôi đang ngồi tránh mưa tại một quán cà phê ven đường thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Ông bạn đồng nghiệp gọi đến nói như thúc giục: "Đi nhanh đến gặp Giáo sư Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế để nắm thông tin về chị Tú đã bình phục". Tôi mừng quýnh, "lao vút" đến khu vực cách ly điều trị đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Huế. Được biết, nơi đây chỉ dành cho những bệnh nhân đặc biệt, như ghép tim, ghép thận... Các bác sĩ cho biết, chị Tú đã ở trong phòng cách ly đặc biệt này nhiều tháng qua. Trải qua 10 lần mổ để ghép thận, đến nay chị Tú đã hoàn toàn bình phục. Người đàn bà may mắn này đã tự đi lại được với những bước chân vững vàng. Chị có thể tự uống nước, sinh hoạt mà không cần một sự trợ giúp nào. Đến giờ thì chị Tú đã tin chắc rằng mình còn sống. Khoảng thời gian vài ngày nữa, chị sẽ được chìm trong niềm vui mừng khôn xiết khi gặp lại chồng con... Chị đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần như có phép màu.

Các bác sĩ nơi dây dặn dò, vì sức khỏe chị chưa thể bình phục hoàn toàn nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chị Tú chỉ "cho phép" diễn ra 5 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy tôi cũng kịp nhận ra những giọt nước mắt cứ ứa ra từ mi mắt rồi từ từ lăn xuống gò má nhô cao của chị Tú. Chắc chắn đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. Chị Tú trông gầy hơn trước đây khi chúng tôi đã từng gặp. Cũng phải thôi, vì chị đã nằm viện 8 tháng rồi. Nhưng trong đôi mắt của chị, chúng tôi nhìn thấy sự yêu đời, sự vui mừng khôn xiết. Chị Hứa Cẩm Tú chia sẻ: "Tôi chỉ mong được ra viện để đoàn tụ gia đình. Sau đó, tôi sẽ cùng chồng trở về Cần Thơ làm nghề đúc chậu kiểng kiếm tiền nuôi con". Theo phác đồ điều trị, kể từ lần mổ cuối cùng đến nay, chị Tú đã hoàn toàn ổn định, vết mổ khô, không còn tụ máu khoang sau phúc mạc, không nhiễm trùng, không còn rối loạn đông máu, không xuất hiện hiện tượng thải ghép, chức năng thận tốt...

Khi vừa bước chân ra khỏi khu điều trị cách ly đặc biệt, chúng tôi vô tình thấy cháu Toàn - con trai chị Tú đang đứng nhìn mẹ qua hai lớp cửa kính của khu cách ly. Cháu Toàn năm nay lên 8 tuổi. Nói chuyện với chúng tôi, Toàn nói: "Cháu nhớ mẹ lắm. Mỗi khi nhớ mẹ là đứng ngoài khu cách ly nhìn vào phòng. Kể từ khi mẹ nằm điều trị trong khu cách ly ngày nào cháu cũng nhìn mẹ qua tấm kính. Lúc nào con cũng cầu nguyện cho mẹ sớm khỏi bệnh để về với bố. Cháu hứa sẽ ngoan, học giỏi để mẹ vui, mẹ khỏe".

Ngồi bên cạnh, anh Nguyễn Thiện Chí (chồng chị Cẩm Tú) không giấu được niềm vui và sự hạnh phúc. Anh cho biết, trong những lúc thế này, anh cũng không biết nói gì hơn. Việc vợ anh tái sinh lần hai là ngoài sự tưởng tượng của gia đình. Khi mới chuyển lên bệnh viện này, anh như người mất hồn. Suốt ngày thơ thẩn lo cho sự an nguy của vợ. Nhiều khi, mặc dù vẫn xác định "còn nước còn hi vọng" nhưng anh cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất xảy ra. "Đến giờ phút này, tôi chỉ biết gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Vợ tôi đã được cứu sống, gia đình được sum vầy. Khi ca mổ lần thứ 10 thành công, bác sĩ Phú đã khóc. Hình ảnh đó không thể nào phai nhòa trong ký ức của chúng tôi", anh Chí nói trong nước mắt.

Xã hội - “Sống lại” sau 10 lần mổ để ghép thận (Hình 2).

Chị Tú và các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.

Đi vào lịch sử ghép tạng

Sự bình phục của chị Tú đã mang đến niềm vui, hạnh phúc cho đội ngũ các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là những người đã ở bên chăm sóc cho chị từng ngày, từng giờ, từng phút. Chúng tôi may mắn được nói chuyện với Giáo sư Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, người trực tiếp mổ cho chị Tú. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, giáo sư Phú chia sẻ: Nhìn nụ cười của chị Tú sau khi bình phục mà tôi thấy giảm hết nỗi vất vả. Ghép thận cho chị Tú là sự thử thách kiên định của một tập thể y đức có đầy đủ trách nhiệm trước một vấn đề lớn. Được Bộ Y tế tin tưởng giao trọng trách thực hiện việc ghép thận (ca ghép phức tạp và hiếm tại Việt Nam), tôi đã dồn hết thời gian và công sức, từ việc nghiên cứu, điều trị, giải phẫu đến theo dõi sau mổ. Bằng nhiều cách như theo dõi liên tục 24/24h, chúng tôi đã nắm được những chuyển biến của bệnh nhân dù là nhỏ nhất.

Giáo sư Bùi Đức Phú cũng cho biết thêm, đây là ca mổ phức tạp nhất trong lịch sử mổ ghép thận và là sự cố y khoa hiếm gặp ở Việt Nam. Ca đầu tiên đã cách đây 25 năm. Ngày ấy, bệnh nhân có một bên thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm sau đó chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng không thành công. Bên cạnh đó, áp lực từ dư luận xã hội là vô cùng lớn. Vì vậy, những lần mổ cho chị Tú, các bác sĩ đều phải chịu một áp lực trách nhiệm cực kỳ lớn. Nhưng đến nay, chị Tú đã bình phục hoàn toàn sau khi phải mổ lại đến 10 lần. Điều đó cho thấy, việc điều trị cho chị Tú đã thành công về mọi phương diện.

Vì việc mổ đi mổ lại nhiều lần sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thận, bác sĩ Bùi Đức Phú đã trực tiếp trao đổi qua điện thoại với các chuyên gia tại các Trung tâm ghép tại Pháp và Bỉ để có thêm kinh nghiệm trong việc điều trị rối loạn đông máu. Và ê kíp mổ cho chị Cẩm Tú đã quyết định truyền khối lượng lớn tiểu cầu và liên tục trong và sau lần mổ thứ 9 để duy trì tiểu cầu luôn trên ngưỡng 150 nghìn. Đồng thời, còn dùng cả máu tươi lọc bạch cầu (750 ml) cung cấp hồng cầu và tiểu cầu...

Được biết, ngày 18/7, trong chuyến thăm bệnh nhân Tú, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trong ca ghép thận vừa qua. Đó là một bước tiến lớn của ngành Y tế Việt Nam trong cuộc chiến đấu về trí tuệ, kiến thức y khoa. Các bác sĩ ở đây có sự kiên định của tập thể bác sĩ, nhân viên gồm kíp sau mổ, kíp chống thải ghép, kíp gây mê, kíp phẫu thuật viên để giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân.

Chi phí ca ghép thận lên đến 2,5 tỷ đồng

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, chị Tú lần đầu được mổ ghép thận ngày 10/7/2012 tại Trung tâm Tim mạch. Sau đó, bệnh nhân này có thêm chín lần mổ nhỏ nữa để hoàn chỉnh việc ghép thận. Theo giáo sư Bùi Đức Phú thì chi phí điều trị cho chị Tú trong tám tháng qua là 2,5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên đều được Bệnh viện Trung ương Huế chi trả hết. Sau khi xuất viện, chị Tú vẫn được điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Trung ương Huế và phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời.

Nguyễn Phương