Stockholm: Thành phố đảo ở tận cùng thế giới

Stockholm: Thành phố đảo ở tận cùng thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Bà đã đi hái cam ở Israel, là người phục vụ trong các quán rượu tại London và đã đóng vai phụ trong Hollywood. Nhưng Liza Marklund, nhà văn nữ nổi tiếng của Thụy Điển không yêu nơi nào khác hơn là Stockholm.

Nếu như tôi gặp may thì viên phi công sẽ chọn đường bay qua khu phố cổ.

Tôi đặt tay lên mắt như một cái ống nhòm và áp mặt vào cửa sổ máy bay, tim đập thình thịch, tôi cố thở thật nhẹ để kính cửa sổ máy bay không bị mờ đi.

Đó có phải là E4, con đường dẫn đến Södertälje với những dòng xe bé nhỏ như đồ chơi hay không? Và bây giờ đã nhìn rõ được chiếc phà Waxholm màu trắng trong "cái bồn tắm" của Salsjön, đang trên đường ra những hòn đảo nhỏ. Đây là lâu đài hoàng gia, những tấm thảm xanh của công viên Djurgården và ở đằng kia là những khu phố bê tông khổng lồ của Järvafältet. Từ trên cao, Stockholm trông giống như có thể nắm lấy được, rất đơn giản và rất thân mật, thành phố của riêng tôi, nơi chốn của tôi trong thế giới.

Stockholm, thành phố trên các hòn đảo. Ảnh: Stockholm Visitors Board.

Stockholm nằm ở tận cùng của thế giới, giống như một cái then cửa ở giữa hồ Mälar và biển Baltic, như một trái tim đang đập trước ánh sáng và sự sống trong đêm địa cực. Dù ở nơi đâu, cảm giác này đều chiếm lĩnh tôi khi đang trở về quê nhà: Thành phố bị bỏ rơi như thế đấy. Rất đẹp, rất cô đơn và cách biệt. Thành phố đã được con người chúng tôi tạo hình dáng như vậy đấy, những người sống bên trong bức tường thành của nó từ 750 năm nay, và ngược lại thành phố cũng đã định hình cho chúng tôi: Chúng tôi suy nghĩ ra sao, hành động ra sao, chúng tôi làm gì và chúng tôi sản xuất những gì. Thiết kế, âm nhạc, nghệ thuật và văn học – giữa thành phố và sức sáng tạo của con người luôn có sự cho và nhận không ngừng nghỉ.

Kiến trúc đơn điệu của các khu phố ngoại ô với những tòa nhà công nghiệp xấu xí lướt qua cửa sổ của Arlanda Express, chuyến tàu nhanh từ cảng hàng không về nhà ga chính. Sự cố nhỏ, người Thụy Điển chúng tôi nghĩ như thế và hài lòng chắp tay trước bụng.

Tôi bỏ lại phía sau sự hối hả của nhà ga chính. Nhìn thoáng qua, Stockholm trông giống như những thành phố cổ kính khác trong châu Âu. Những con đường lát đá tảng trong khu phố Gamla Stan thời Trung cổ. Những đài phun nước trong công viên Kungsträdgården đầy bóng mát. Những bức tượng mạ vàng và hàng cột lộng lẫy trước Nhà hát Hoàng gia. Nhưng bề ngoài đánh lừa. Ở đây có một cái gì đó cứng rắn, dường như không hài hòa, một cái gì đó buồn rầu và mơ hồ, làm cho Stockholm khác biệt với những chị em lớn hơn trên lục địa châu Âu.

Khu phố cổ Gamla Stan. Ảnh: Stockholm Visitors Board.

Có lẽ đó chính là nước. Nước ở đây có màu tối hơn những nơi khác. Tôi không biết tại sao. Nó không bao giờ có màu xanh. Nó có màu xám của than chì, vàng nhạt, xanh ô liu, nhưng không bao giờ có màu xanh trong như ở những thành phố bình thường khác. Nước bao quanh con người ở khắp mọi nơi trong Stockholm. Nước đập ầm ầm, nổi tăm, gợn sóng và tạo xoáy trong những dòng chảy, của kết nối ngắn ngủi giữa hồ Mälar và biển Baltic, như một đám học trò đang trong giờ ra chơi, để rồi chảy êm đềm và thong thả hòa nhập vào vịnh Saltsjön, một cách rất trang nghiêm.

Hiếm khi thời tiết mời đi picnic

Cũng có thể tại vì khí hậu. Mùa đông thường tối tăm, lạnh lẽo và ẩm ướt. Trong những giờ ngắn ngủi của ban ngày, khi Mặt Trời kéo lê thân mình trên chân trời, cành cây trơ trụi vươn lên bầu trời lúc nào cũng xám màu chì như những thanh cây bị bẻ cong. Mặt tiền màu đất của những căn nhà chìm vào trong nền phía sau.

Hình dạng đường sá biến mất dưới lớp tuyết không hình thù đang tan chảy vì muối và bụi bẩn. Ngày mùa hè dài vô tận, nhưng những ngày nóng ấm lại ít đến mức gần như không có. Khí hậu Thụy Điển hiếm khi mời đi picnic.

Stockholm được tạo hình bởi điều kiện sống rất khắc nghiệt của chúng tôi. Thành phố trên các hòn đảo có từ giữa thế kỷ 13, lần đầu tiên được nhắc đến trong 2 văn kiện bằng tiếng La tinh vào mùa hè năm 1252. Thời đấy nó chỉ là một pháo đài bằng gỗ. Nhưng vì người ta khai thác đồng và sắt trong những hầm mỏ ở trên núi nên Stockholm trở nên cần thiết. Người ta cần thành phố để làm cảng xuất khẩu và làm nơi buôn bán. Và các chính trị gia cần một cái chòi cao. Ngày nay Stockholm lan rộng trên 14 đảo, được kết nối với nhau bằng 57 chiếc cầu.

Đảo nhỏ trước Stockholm. Ảnh: Stockholm Visitors Board.

Cứ mỗi lần thành phố được mở rộng là viễn tưởng lại to lớn hơn khả năng biến những ý tưởng này trở thành hiện thực. Sống rải rác trên một vùng đất khô cằn và không mến khách có diện tích lớn hơn nước Đức, Bỉ và Hà Lan cộng lại, người dân Thụy Điển không có thiên tài kiến lập dinh thự hay xây cầu. Giải pháp được mang từ bên ngoài vào, đặc biệt là từ Đức.

Trải qua nhiều thế kỷ, người Đức chính là dân tộc mang lại nhiều ý tưởng cho chúng tôi nhất. Lâu đài Stockholm được phác thảo bởi Nicodemus Tessin Trẻ, sinh ra tại Thụy Điển có bố mẹ từ thành phố Stralsund. Ông học trường Đức tại Stockholm và sau đó học về kiến trúc ở dưới châu Âu. (Chính tôi cũng viết những quyển tiểu thuyết trong phòng làm việc trên đường Tyska Brinken, "Gò Đức", và cửa sổ nhìn ra Tyska kyrkan, nhà thờ Đức.) Thành phố bằng đá ngày hôm nay, nội thành cổ trong mắt của chúng tôi, được xây dựng trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 theo gương mẫu Berlin.

Nước Đức, nhưng không hoàn toàn Đức. Hoài bão châu Âu lục địa, nhưng không hoàn toàn thành công. Thụy Điển quá cứng rắn, quá nhỏ, quá lạnh. Stockholm trở thành một người em gái bé nhỏ khép kín ở cuối đường, và một thành phố lớn có phong cách rất riêng biệt thành hình từ mâu thuẫn của mong muốn và không có khả năng thực sự.

Có rất ít căn nhà thật sự lộng lẫy ở Stockholm.

Trung tâm lâu đời nhất, nằm trên đảo Stadsholmen và ngày nay mang cái tên không mấy gì đáng ngạc nhiên "Gamla Stan", phố cổ, vẫn còn hé lộ một phần lớn của bản đồ thành phố thời Trung cổ với những ngõ hẻm chật hẹp quanh co, những dãy nhà hẹp và dài, cầu thang bằng đá đã mòn và nhà thờ vươn lên cao.

"…những ngõ hẻm chật hẹp quanh co…". Ảnh: Stockholm Visitors Board.

Nhiều tên đường phố cũng bắt nguồn từ thời Trung cổ: Köpmangatan (đường Thương gia) và Skomakargatan (đường Thợ giày) từ thế kỷ 14, Slottbacken (dốc Lâu đài), Järntorget (Quảng trường Sắt), Kåkbrinken (Gò Gông cổ) và những đường khác từ thế kỷ 15. Nhà ở chật hẹp, có ít cửa sổ nhỏ nhưng lại có nhiều song. Phố xá tối tăm. Không một sàn nhà nào bằng phẳng.

Một nhà của tôi ở đây, nhà làm việc. Tôi ngồi dưới những thanh đà của mái nhà trong Tyska Brinken và nhìn ra thành phố bằng đá chung quanh tôi đang trải rộng ra trên các hòn đảo. Nhiều người khác đã ngồi ở đây qua các thế kỷ. Trước đây 300 năm, một người khác đã có thể nhìn thấy nhà cửa được xây vượt qua bờ đê của Stadsholmen, chậm chạp xuyên qua nước màu tối sẩm đến những làng mạc quạnh hiu.

Trước đây 150 năm, một người khác có thể nhìn thấy những nhà quy hoạch thành phố bắt đầu khởi công kiến tạo một thành phố lớn. Rồi họ có thể quan sát một cái hoàn toàn mới: Ánh sáng Mặt Trời phản chiếu trên những cửa sổ bằng kính lớn có hình vòm. Những người thợ thủy tinh đã phát triển nghệ thuật sản xuất mảnh kính lớn từ thủy tinh mỏng, da từ những làn sóng trong suốt, để Mặt Trời và ánh sáng nhảy múa trong những phòng khách đơn sơ của Stockholm.

Xu hướng thiết kế tối giản

Đi trên đường phố hướng về nội thành, tôi thường hay gặp nhiều căn nhà có cửa sổ lớn, chúng bao quanh tôi và dẫn tôi tiếp tục đi. Chúng đã sống sót qua được phong cách kiến trúc Bauhaus và Hiện đại và bây giờ đang trên đường đi đến một tuổi thọ an toàn. Lột vỏ và lấy đi là mục đích của kiến trúc Thụy Điển và thiết kế Thụy Điển từ những năm 1930.

Mặt ngoài tương đối đơn sơ từ thế kỷ 19 trong nội thành Stockholm cũng không thoát khỏi được nỗi háo hức chính trị thời đấy, biến tất cả trở thành đơn giản và thực dụng. Trang trí khắc khổ của chúng đã bị đục bỏ, thanh trang trí bị sơn lấp lên.

Lò sưởi lát men trong nhà bị phá bỏ (chúng lỗi thời), căn hộ rộng lớn được chia nhỏ cho nhiều hộ gia đình (công bằng hơn) và trần nhà được hạ thấp xuống (tiết kiệm tiền sưởi ấm).

Ngày nay, những can thiệp đó chỉ còn tồn tại trong ký ức. Những ngôi nhà bằng đá của thành phố được đối xử với sự tôn trọng dành cho những người trăm tuổi. Khi tôi đi trên các tam giác trắng đen khổng lồ của Sergels Torg, tôi hiểu tại sao.

Tạo chỗ trống cho tương lai

Trong Đệ nhị thế chiến nhiều thành phố châu Âu khác bị dội bom, ở Thụy Điển – trên mảnh đất mà chiến tranh xảy ra lần cuối năm 1809 – chúng tôi muốn tự mình làm việc này. Chúng tôi đã giật sập gần như toàn bộ nội thành Stockholm , để tạo chỗ trống cho tương lai. Dinh thự phô trương của thế kỷ 17 trên Brunkebergstorg hãy cút đi! Khu phố Klara với những con phố chật hẹp và căn nhà mang bệnh phổi hãy cút đi. Hãy về đây hởi ánh sáng và không khí, kính và bê tông, nhà đỗ xe và dinh thự ngân hàng và những nơi hội họp thoáng đãng to lớn!

Lâu đài hoàng gia. Ảnh: Stockholm Visitors Board.

Kết quả, Stockholm của ngày hôm nay, là kết hợp từ những thế hệ trước đây, từ nỗi sợ hãi và niềm tin vào tương lai của họ, từ tham vọng của những chính trị gia và từ cách con người đối xử với những cái đó. Nó hoàn toàn và sạch và đẹp. Đường sá thẳng tắp, được dọn sạch, nhộn nhịp. Có cá bơi lội trong nước. Không khí tương đối trong lành.

Khi muốn mua sắm tôi hay đến Biblioteksgata, con đường tôi thích nhất, và tìm một bộ y phục Ý và một chiếc váy Thụy Điển bằng vải lanh trước khi đi uống trà xanh và ăn bánh mì với thịt cua của đảo Smögen. Tôi thật sự chỉ có thể mua được váy ở đây. Tôi cao 1m82 và mang quần áo số 38. Váy ở khắp nơi khác trên thế giới đều có vẻ kỳ lạ trên người tôi, nhưng ở đây chúng rất phù hợp với tôi. (Dài, nhợt nhạt, lạnh rùng mình, chúng tôi là như vậy, chính xác như những đêm mùa hè của chúng tôi.)

Tôi đi ngang qua Viện bảo tàng thành phố và Viện bảo tàng Địa Trung Hải và Viện bảo tàng Hallwylska (Với trên 70 cơ sơ như vậy Stockholm thuộc trong số những nơi có mật độ viện bảo tàng lớn nhất), và tôi vui mừng vì chúng tôi đã học được cách bảo tồn, không chỉ là thay đổi.

Rồi tôi đi tàu điện ngầm về nhà ở ngoại ô thành phố. Không lâu lắm. Stockholm không phải là một thành phố lớn.

Viễn tưởng hiện đại của lao động và chốn ở

Chỉ sau 10 phút tôi đã ra khỏi đường hầm dưới những căn nhà bằng đá. Con tàu kêu vang khi vượt ra ngoài, giữa những cây thông, và những viễn tưởng của các chính trị gia cũng như sự thất bại của họ vươn lên từ mặt đất chung quanh tôi. Ở đây là Vällingby, viễn tưởng hiện đại của lao động, nhà ở và trung tâm.

Nhà hòa nhạc Globe Arena. Ảnh: Stockholm Visitors Boards.

Con người cần nên sinh sống mãi mãi ở đây, không phải rời bỏ khu phố ngoại ô của họ. Tất cả mọi trang sức không cần thiết cần phải biến mất, ở đây cần phải được cạo bỏ và quét tước cho thật sạch. Không được hoàn toàn như vậy nhưng cũng rất tốt.

Ở đây có Tensta, Hjulsta, Rinkeby và Skärholmen, những khu phố tạo nên một phần của chương trình bạc triệu, của tham vọng chính trị xóa bỏ nghèo và tình trạng thiếu nhà nhờ vào những tòa nhà cao tầng khổng lồ cách xa trung tâm thành phố. Cũng không được hoàn toàn như vậy, nhưng các khu phố ngoại ô đang sống động. Chúng có âm nhạc riêng, văn hóa, hương thơm và màu sắc riêng biệt. Tôi thích đến đây, thích nhất là Bredäng.

Nhưng hôm nay tôi dừng lại trước căn nhà bằng gạch nung xinh đẹp từ năm 1958 của tôi. Nó nằm ngay trước Hồ Mälar, trên một con đường chật hẹp và không thực tế (một trong số ít những con đường không do giới chính trị gia quy hoạch mà được tạo thành từ những người muốn đi tới). Và bây giờ, cuối cùng là tôi cũng về nhà.

Stockholm riêng của tôi nằm ở tận cùng của thế giới.

Phan Ba (theo MERIAN Stockholm)

* Bà Eva Elisabeth "Liza" Marklund sinh ngày 9 tháng 9 năm 1962 là một nhà báo, nhà văn chuyên viết truyện trinh thám nổi tiếng của Thụy Điển, đồng thời cũng là đại sứ của UNICEF..