Sự thực “hòn đá thần” xôn xao ở Hà Nội

Sự thực “hòn đá thần” xôn xao ở Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
(Nguoiduatin) Thời gian gần đây, một số người rỉ tai nhau về một hòn đá lại có tên là Ba Bổ, nằm giữa đường liên thôn ở làng Đa Chất (xã Đại Xuyên huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Trên hòn đá xanh này có hai dấu chân lạ và rất “linh thiêng”.

Những câu chuyện rất huyền bí xoay quanh hòn đá này đã có từ bao đời nay và cứ thỉnh thoảng lại rộ lên. Người dân làng Đa Chất cho rằng hòn đá này rất linh thiêng và ẩn chứa nhiều bí ẩn và coi đây là một bảo vật nắm giữ vận mệnh của làng. Không một ai có ý định dám mạo phạm đến "hòn đá thần" này.

Xã hội - Sự thực “hòn đá thần” xôn xao ở Hà Nội

Ông Nguyễn Ngọc Đoán bên "hòn đá thần" Ba Bổi

Giai thoại về "hòn đá thần"

Xã Đại Xuyên như được ôm trọn vòng tay của dòng sông Đáy. Đã từ bao đời nay, dòng sông này đã đem những dòng nước mát để người dân Đại Xuyên canh tác mùa màng. Đến với Đại Xuyên ngoài những sản phẩm từ nông nghiệp do chính người dân ở xã làm ra, như ngô, khoai, đậu tương… hẳn những người khách còn được dân trong xã kể về những câu chuyện kỳ lạ liên quan đến "hòn đá thần" ở làng Đa Chất.

Khi tận mắt được nhìn bảo vật và được nghe những câu chuyện có vẻ “liêu trai” được thuật lại từ các cụ cao niên trong làng khiến chúng tôi càng thấy tò mò. Khi nghe xong những câu chuyện, chúng tôi không thể tin được một hòn đá màu xanh, chiều dài 80cm, chiều rộng 40cm, trên mặt có vết lõm lại thần bí và có nhiều giai thoại đến thế.

Được biết, người dân nơi đây đặt hòn đá trên với cái tên Ba Bổi. Nó đã xuất hiện tại làng Đa Chất hơn 300 năm và không ai biết ai nó đến đây. Một cụ cao niên trong làng mách nước cho chúng tôi: “Nhìn phiến đá bình thường vậy thôi nhưng nhiều lần làng tôi xê dịch đi chỗ khác rồi lại phải chuyển về nguyên vị trí cũ. Bởi cứ mỗi lần dịch chuyển, cả làng Đa Chất có những sự xáo trộn, đổi thay khá lạ lùng. Nhiều khi cả làng đang ăn nên làm ra thì bỗng gặp hạn hán hoặc lụt lội. Thậm chí, nhiều người dân trong làng mắc bệnh đau mắt mà không thể tìm ra nguyên nhân”. C

ũng chính những điều lạ lùng đó mà người dân địa phương còn truyền tụng nhau câu chuyện, “hòn đá thần” chính là chỗ đứng của một bà Chúa mà trước kia đã cứu giúp người dân trong khu vực thoát khỏi nạn đói.

Xã hội - Sự thực “hòn đá thần” xôn xao ở Hà Nội (Hình 2).

Hai vết lõm được cho là 2 gót chân của bà Ba Bổi

Tuy không ai biết hòn đá Ba Bổi xuất hiện ở làng Đa Chất từ bao giờ nhưng những câu chuyện thần bí liên quan đến nó thì ai cũng biết. Hơn nữa, người dân nơi đây tin tưởng tuyệt đối về sự huyền bí có liên quan đến “hòn đá thần” này. Nhiều người trong làng kể lại, khoảng năm 1955, khi tiến hành mở rộng đường làng, đám dân công ở xã khác thấy hòn đá đẹp nên có ý định đem về làm bậc cầu ao, kê kích đồ đạc trong nhà.

Mặc dù người dân trong làng đã can ngăn và tổ chức canh gác nhưng đám thợ kia vẫn quyết tâm lấy hòn đá bằng được. Thế nhưng chỉ sau 5 ngày “rước” đá về, đám thợ lại phải mang hòn đá đặt lại nguyên vị trí cũ. Bởi vì, họ hốt khoảng khi buổi sáng lấy “đá thần” thì buổi trưa mắt sưng húp và không nhìn thấy gì. Cứ đêm xuống, họ lại nghe thấy những tiếng khua gươm, khua kiếm và tiếng của một người phụ nữ bảo mấy người thợ đó đem hòn đá trả về vị trí cũ. Được biết, đây chỉ là một trong vô số những câu chuyện ly kỳ về những người dám “xúc phạm” đá thần.

Mặc dù năm nay cụ Lê Đình Hiêp đã 92 tuổi, lưng đã còng, chân đã run nhưng vẫn không quên được những câu chuyện về hòn đá Ba Bổi. Nói chuyện với chúng tôi, cụ Hiệp kể một cách rất nhiệt tình và say sưa: “Khi sinh ra, tôi đã thấy hòn đá ở đó rồi. Hỏi các cụ thì họ bảo rằng chỉ nghe người đi trước kể lại chứ chẳng biết chính xác hòn đá có từ bao giờ và đặt ở đó để làm gì. Thời còn nhỏ, nhiều lần đi chăn trâu, chúng tôi định đào hòn đá ấy lên để xem có gì lạ mà người dân tôn thờ đến thế. Mặc dù rất kín kẽ nhưng chưa bao giờ chúng tôi làm được cái việc đó. Biết được sự tình, các cụ cao niên đã cấm chăn bò ở khu vực đó và bảo rằng: “Đây là bảo vật của làng. Ai mà động đến cả làng sẽ có biến”.

Cụ Lê Thị Dĩ, 94 tuổi cho biết: “Trước đây, tôi có hỏi các cụ cao niên thì họ bảo rằng hòn đá nằm ở đây lâu lắm rồi. Sau này khi làm đường dân sinh thì nó lại nằm ngay ở giữa đường. Nhưng không ai dám động tới vì nhiều người bảo hòn đá này rất thiêng ".

Bài học về lòng nhân đạo của người xưa

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Đoán, 73 tuổi, thủ từ đình làng Đa Chất, cho biết, nhiều khả năng hòn đá này xuất hiện vào cuối thời Lê, cách đây khoảng 3- 4 trăm năm. Theo huyền tích, trước đây, khi chưa có đê bao quanh, đến mùa lũ nước sông Đáy dâng lên gây lụt lội khiến người dân trong khu vực quanh năm đói kém. Trong lúc túng quẫn, bỗng một ngày có người đàn bà tên Bổi đến cứu giúp những người dân nghèo đói.

Được biết, bà là con thứ 3 của một gia đình giàu có. Hàng ngày, bà Bổi cùng người dân trong vùng tiến hành khai hoang, cải tạo những thửa ruộng mà trước kia do lụt lội không thể cấy hái. Đến mùa thu hoạch, bà lại cùng người dân thu hoạch phơi phóng. Nhà nào túng thiếu bà Bổi cung cấp gạo, cấp khoai…Việc làm của bà đã khiến người dân trong vùng coi như một vị thánh sống. Các cụ đời trước kể lại rằng hai vết lõm trên hòn đá chính là hai gót chân của bà Bổi đứng sẩy thóc cứu đói cho dân. Đến tận bây giờ, hai vết chân nhọc nhằn đó vẫn nguyên như trước mà không hề thay đổi. Đây chính là tích về cái tên hòn đá Ba Bổi.

Xã hội - Sự thực “hòn đá thần” xôn xao ở Hà Nội (Hình 3).

Cụ Lê Đình Hiệp vẫn còn nhiệt huyết khi kể về "hòn đá thần"

Ông Đoán cho biết: "Do gia phả, thần phả, sắc phong ở đình Đa Chất đã bị mất hết nên thế hệ chúng tôi cũng không thể biết được chính xác hòn đá Ba Bổi có từ thời nào. Hiện giờ nhiều người dân làng Đa Chất mong muốn cấp trên giúp đỡ phục chế lại những gia phả, thần phả, sắc phong đã bị mai một. Làm như thế thì các thế hệ mai sau mới có thể hiểu rõ hơn về địa phương mình. Đồng thời tìm hiểu rõ sự có xuất hiện của hòn đá Bà Bổi, cũng như giải mã được câu chuyện thần bí liên quan đến hòn đá này".

Khi chúng tôi dắt xe ra khỏi cổng làng, một người đàn ông trung niên gọi chúng tôi vào thì thầm bảo: “Tôi khuyên các chú đừng nên viết báo về hòn đá thần. Bởi vì chỉ nên nghe câu chuyện này để biết thôi chứ mà đưa lên báo thì cũng không biết chuyện gì xảy ra với hai người đâu. Đá thần linh lắm. Nhiều khi chúng tôi còn không dám nhắc đến. Không biết hai chú viết thế này “thánh” có đồng ý không đấy”.

Nghe vậy, chúng tôi thấy thật tiếc khi một câu chuyện huyền tích đầy ý nghĩa của người xưa đã bị một số người hiểu đi một cách khác, làm méo mó giá trị thật của nó. Thiết nghĩ, nguyện vọng của một số người dân làng Đa Chấn muốn tìm lại tư liệu để phục dựng một huyền tích hay rất cần được các cơ quan quản lý địa phương quan tâm. Trước hết nhằm xóa bỏ những lời đồn đại gây hoang mang, lại phục dựng và lưu giữ được một huyền tích quý.

Đào Giang - Bảo Long