Suýt “ngỏm” vì nhạc Nguyễn Cường

Suýt “ngỏm” vì nhạc Nguyễn Cường

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường khi anh đang chuẩn bị cho một chuyến công tác vùng Tây Nguyên, sau 30 năm kể từ ngày đầu tiên anh đặt chân lên mảnh đất này. Tác giả của những bản tình ca nổi tiếng miền đất đỏ đã chia sẻ với Nguoiduatin.vn những kỉ niệm về Tây Nguyên hồi đó.

Hết khổ vì "H'Ren lên rẫy"

Được biết, năm 1963 anh đã bắt đầu đến với Tây Nguyên. Nguyên cớ nào đưa anh đến với vùng đất đó?

Năm 1963, tôi tốt nghiệp Học viện âm nhạc Quốc gia (lúc bấy giờ còn là Trung cấp âm nhạc Việt Nam) thì được phân công về Đoàn ca múa nhạc tỉnh Đắc Lắc. Tôi đi với hành trang chỉ có một cây đàn và niềm say mê khai phá miền đất mới. Hai năm (1963-1965) ở Tây Nguyên khi đó thực sự là một cuộc chiến đấu.

Thời kì ấy còn khó khăn lắm nên hẳn văn nghệ nói chung và nghệ sĩ còn nhiều thiệt thòi?

Đúng vậy, thời đó, tôi bị ông phó giám đốc sở văn hóa chống đối ghê lắm. Tôi sáng tác bài "H'Ren lên rẫy" và bị quy vào tội khủng khiếp là: Sai đường lối của Đảng. Sai vì theo cách hiểu hồn nhiên của họ, tên riêng trong bài hát chỉ có thể lấy tên của các bậc anh hùng, vĩ nhân có công với đất nước còn H'Ren chỉ là một con bé con, không thể đi ca ngợi được. Mà nghe đâu, con bé này cũng yêu đương lăng nhăng lắm, nó 18 tuổi, ở thôn 35.

Khổ, mình có tìm hiểu gì đâu mà biết, chỉ tình cờ gặp trên đường, hỏi tên, thấy xinh xinh, dễ thương, rồi cảm xúc cất thành lời. Âm nhạc chỉ cần đến một cái cớ như thế thôi là cũng đủ để bay bổng rồi. Còn mượn tên H'Ren vì muốn tạo nên biểu tượng về một người con gái Tây Nguyên. Thanh sắc và âm hưởng của nó có một sức gợi với núi rừng.

Lí do thứ hai bài này bị quy "sai với đường lối của Đảng" là vì thời kì đó tỉnh đang có cuộc vận động trồng lúa nước mà mình lại sáng tác nhạc rồi tuyên truyền lên rẫy!

Cuối cùng làm sao "H'Ren" của anh vẫn "lên rẫy" được vậy?

Hồi đó văn nghệ được kiểm duyệt gắt gao lắm. Chương trình nghệ thuật do tôi dàn dựng, ngày chạy tổng duyệt để chuẩn bị đi thi, bí thư tỉnh ủy đã đến tận nơi để trực tiếp đánh giá. Trước khi đoàn chuẩn bị vào TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa khi đó là Nông Quốc Chấn, cũng là trưởng ban tổ chức hội diễn toàn quốc đang trên đường vào Sài Gòn đã ghé qua Đắc Lắc. Bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc lúc bấy giờ lại là bạn thân của Thứ trưởng nên lập tức mời ông Nông Quốc Chấn đến xem chương trình tổng duyệt của đoàn.

Vốn là một người mê âm nhạc Tây Nguyên nên khi xem các nghệ sĩ biểu diễn xong, Thứ trưởng đứng dậy vỗ tay khen rồi nói: "Hay như thế này thì chẳng cần xét duyệt gì nữa, cứ thế lên đường thôi". Thứ trưởng đã nói thế rồi thì phó giám đốc sở văn hóa không thích thì cũng giữ lấy trong lòng chứ làm sao dám phát biểu ngược lại với ý kiến cấp trên được. Thế là "H'Ren lên rẫy" thoát chết, đây cũng là ca khúc mở đầu cho chặng đường 30 năm đầy trải nghiệm của tôi với miền đất đỏ này.

Muốn thành công phải "đam mê ngút trời"

Khi làm giám khảo của cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn, anh từng khuyên một nữ ca sĩ là nên chuyển nghề vì giọng hát không hay?

Tôi nhớ là tôi chưa từng khuyên ai như thế cả, trừ con gái tôi. Tôi luôn khuyên hai cô con gái của mình đừng đi theo con đường nghệ thuật. Vì tôi hiểu nghề này quá gian khổ, nghiệt ngã. Mình không muốn con gái phải vất vả giống bố nó.

Một nhạc sĩ thành danh như anh mà khuyên con gái thế thì có bi quan với nghệ thuật quá không?

Tôi không bi quan, tôi chỉ thực tế thôi. Làm nghệ thuật phải thực sự đam mê, đam mê ngút trời. Nó không chấp nhận bình bình, không chấp nhận khá, kể cả xuất sắc cũng chưa chắc thành công. Mà phải xuất sắc của sự xuất sắc. Tôi đã từng ròng rã 4 năm chỉ có 8 ngày nghỉ. Đó là những ngày tết nhất nên phải nghỉ chơi đàn để còn đi chơi. Ngoài ra thì ngày nào cũng ôm lấy đàn, say sưa đến mức có lần giật mình vì thấy máu mũi nhỏ giọt trên những phím dây. Thời đó nghèo lắm, bụng lúc nào cũng đói. Nhưng càng khổ thì mình càng đam mê hơn.

Sự gian khổ nghiệt ngã đối với nghệ thuật như anh nói, cụ thể là như thế nào?

Thời đi học, tôi thích nhất bộ môn sáng tác. Nhưng một thằng bé mặt còn hơi sữa mà dám đi học sáng tác thì không ai tin cả. Tôi rủ một ông anh về nhà ở chỉ để được ông ấy dạy học chơi đàn, rồi thủ thỉ tâm sự là mình thích sáng tác. ông ấy cũng như bao người khác, chỉ nhỏ to: "Thôi mày trông cũng to cao, khỏe mạnh, học chơi đàn đi rồi sáng tác sau". Thế là tôi chơi đàn. Suốt những năm đi học, tôi luôn là người đứng đầu lớp về bộ môn sáng tác. Học giỏi chỉ với mục đích là nếu có bị phát hiện sáng tác thì người ta vẫn không có cớ gì đuổi mình được.

Tôi may mắn không bị phát hiện chuyện thích sáng tác nhưng cũng suýt phải bỏ học vì chuyện xuất thân. Người ta cho rằng nhà tôi có ông bà là tư sản, nhưng vì tôi học khá, thành ra họ chẳng biết tìm ra lí do gì để đuổi học. Cuối cùng thì họ cắt học bổng, thời đó bị cắt học bổng chẳng khác gì việc bị đuổi học. Trong khoảng hai tháng, tôi được một người bạn chia nửa cho suất cơm kí túc. Cuối cùng thầy giáo dạy tôi đã kiến nghị với nhà trường: Không thể để một học trò giỏi nhất khoa lại không có học bổng được. Thế là thoát "chết".

Con đường nghệ thuật gian nan nhưng âm nhạc của anh luôn rộn ràng, tưng bừng, reo vui. Hình như đó cũng chính là tính cách của anh?

Bạn bè cứ thấy tôi không tí tửng nói cười là lại hỏi "mày có chuyện gì à?". Tôi đáp: "ơ, thế cứ phải có chuyện gì thì mới được im lặng à?. Tao cũng là người bình thường thôi chứ". Nhưng quen rồi, tôi cũng không quen với cái mặt âu sầu, cứ phải nói cười, vui vẻ. âm nhạc cũng là mình thôi.

Đào Bích