Phế tích ngàn năm và lời nguyền những kẻ 'khát' vàng

Phế tích ngàn năm và lời nguyền những kẻ 'khát' vàng

Thứ 3, 26/03/2013 | 17:36
0
Sau một năm ròng rã khai quật, di tích Lưu Cừ II đã được định hình và có những kết luận ban đầu. Với lối kiến trúc độc đáo và những hiện vật mang hình dáng tượng thần, phế tích Lưu Cừ II được nhận định là một công trình đền cổ, nơi thờ cúng các vị thần của đạo Bà La Môn.

Phế tích trăm năm không ngủ yên

Tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Cửu Long xưa (hiện nay được lưu giữ tại phòng Bảo tồn của sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Trà Vinh) có ghi, phế tích đền cổ Lưu Cừ II tồn tại xung quanh cuộc sống của người dân Trà Cú nhưng không mấy ai biết. Di tích kiến trúc cổ này là một công trình xây dựng lâu đời, một kiến trúc đồ sộ, tiêu biểu cho bước phát triển ban đầu về văn hóa, xã hội của những cư dân đầu tiên trên vùng đất Nam bộ vào những thế kỷ đầu công nguyên.

Hiện nay, di tích không còn nguyên vẹn, đầy đủ như thuở ban đầu. Tuy nhiên, nó vẫn nhiều vết tích về kiến trúc cho phép các nhà khảo cổ học có thể hình dung, khám phá ý đồ xây dựng và mục đích sử dụng của các bậc tiền nhân. Di chỉ Lưu Cừ II được xây theo bố cục hình chữ nhật và thiết kế theo luật cân đối rất rõ ràng và chặt chẽ. Chiều dài của di tích theo hướng đông - tây. Mặt tiền phía đông có xây các bậc cấp lên xuống. Các mặt nam, bắc, tây có vách tường xây cao và đường hành lang lát gạch bao quanh phía trong. Từ hình hài, dáng vẻ kiến trúc trên, các nhà khảo cổ học liên tưởng đến kiến trúc của một đền đài xưa.

Lạ & Cười - Phế tích ngàn năm và lời nguyền những kẻ 'khát' vàng
Hình minh họa

Đặc biệt, trong quá trình khai quật, các nhà khoa học thu thập được một số hiện vật có ý nghĩa như yoni, linga (biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam, nữ - PV), nhiều bông cài mũ bằng vàng. Chính những hiện vật đã phản ánh cho lối kiến trúc cổ Lưu Cừ II. Nhiều chuyên gia nhận định, nhiều khả năng, đây chính là ngôi đền thờ lâu đời của đạo Bà La Môn. Bởi trong đó, trụ gạch tròn ở trung tâm biểu thị cho sự kết hợp của linh vật yoni và linga.

Tuy nằm ở vị trí khá biệt lập trên gò cao nhưng di tích Lưu Cừ II có những đặc trưng cơ bản thể hiện kiến trúc và văn hóa Óc Eo. Cách di tích Lưu Cừ II không xa, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều mảnh gốm cổ Óc Eo điển hình. Có lẽ, ngôi đền này là trung tâm hành hương của nhiều đạo sĩ Bà La Môn, của các nhà sư theo đạo Phật ở các miền đất xa xôi. Hơn nữa, đền là nơi quy tụ người dân trong vùng đến lễ bái, cầu mong điều tốt lành từ các đấng thần linh và đức Phật từ bi.

Di tích Lưu Cừ II được phát hiện vào cuối năm 1985. Đến tháng 12/1986, các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật và kết thúc vào tháng 2/1987. Ngày 9/1/1990, di tích Lưu Cừ II được bộ Văn hóa-Thể thao (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay, di tích này đang được tiến hành xây dựng, mở cửa cho du khách gần xa đến tham quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Sóc, ban bảo vệ di tích cho biết: "Trước khi khai quật, khu di tích chỉ là một gò đất cao khoảng 5m, cây cối mọc um tùm. Bên cạnh đó là hai cây đa khổng lồ che bóng mát cho miếu Ông Tà. Vào năm 2006, phần mái di tích được lợp tôn tráng kẽm, còn hàng rào bao quanh di tích mới được xây dựng. Mảnh đất của khu di tích nằm sát lộ nên những cây mọc che khuất mặt tiền đều được phát quang, tráng xi măng, làm bãi đậu xe để khu di tích khang trang hơn. Thế nhưng, đến nay, khoảng sân phía trước di tích vẫn chưa được phát quang và xây dựng".

Lời nguyền truyền kiếp của miếu Ông Tà?

Đã gần 30 năm kể từ ngày người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xôn xao vì có người nhặt được vàng, dường như những thông tin đó chưa bao giờ nguội. Chỉ khác một điều là, cốt truyện đã ngả ra hàng chục hướng khác nhau. Đi đâu, gặp ai ở xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), chúng tôi đều được nghe chuyện không mấy tốt đẹp về hoàn cảnh gia đình cũng như bản thân của những người trước kia may mắn nhặt được vàng. Theo lời người dân, đa phần họ đều có những kết cục bi thảm do trót tham của rơi. Thậm chí có gia đình tan nát cửa nhà.

Trong câu chuyện rôm rả bằng tiếng Kinh pha lẫn tiếng Khmer của bà Sáu Xa và bà Chuông kể về kho vàng bất chợt lắng lại vì nhắc những sự cố không may của những người nhặt và đào được vàng. Những người dân vùng quê nghèo mặc định rằng, họ bị Ông Tà trừng phạt vì dám xâm phạm uy linh của thần?. Như lời bà Xa thuật lại: "Vợ chồng Sóc Cuôn khi lừa được vàng từ đứa trẻ chăn trâu đã lén lút gói ghém hành lý đi xứ khác làm ăn. Ở quê, thằng em của vợ chồng ông này bị bệnh nặng qua đời, bà mẹ già cũng điên khùng, đói rách".

Bà Chuông tiếp lời, vợ chồng Sóc Cuôn lấy vàng lên thành phố ăn chơi, sau đó làm ăn thất bại. Người chồng nghe đâu là có vợ bé vợ mọn. Sự việc đến tai, cô vợ đã quyết định ly hôn. Dường như, không ai trong tất cả những người đào vàng có thể thoát khỏi cái gọi là lời nguyền của miếu Ông Tà. Những kẻ đào tượng Phật, cổ vật bằng vàng bán cho mấy đại gia sưu tầm đồ cổ dù chạy trốn thế nào cũng bị công an bắt giữ và chịu một án phạt thích đáng của pháp luật. Ngày ra tù, một tên trong số đó vốn sống ở một xã cận kề Lưu Nghiệp Anh lại tiếp tục vướng phải vòng lao lý một lần nữa vì hành vi trộm cắp tài sản. Những tên khác cũng sống kiểu đầu trộm đuôi cướp, không nghề nghiệp ổn định. Điều này chẳng khác nào lời nguyền đã vận vào người, không thể dứt ra được?.

Lắc đầu cùng với tiếng thở dài, bà Xa kể tiếp: "Tôi nghe người ta nói rằng chỉ có duy nhất một người nhặt được vàng làm ăn phát đạt. Nhưng người đó mò được vàng ngoài bãi sông, không phải ở miếu Ông Tà. Được biết, người này sau khi thấy vàng đã mang về nhà và chia cho mấy anh em trong gia đình, họ hàng. Sau đó, họ dùng số tiền để làm ăn và cuộc sống ngày càng khấm khá hơn".

Theo một số bà con ở xã Lưu Nghiệp Anh, hiện nay còn có thông tin cho rằng, kho báu ở miếu Ông Tà là của một ông vua hay tướng quân người Chàm chạy giặc đem sang chôn tại đây. Khi giặc khuất bóng, họ quay về mang vàng bạc đi nhưng do quá vội vã nên còn sót lại và rơi vãi trên đường hành quân. Thế nên mới có chuyện, vàng được tìm thấy dọc các triền sông, trên cánh đồng. Và, gò cao miếu Ông Tà chính là nơi chôn cất kho vàng ấy.

Tuy nhiên, nói về vấn đề này, nhiều người cho rằng, có lẽ do của cải đến quá bất ngờ, có vàng trong tay, những người nhặt được vàng đã tiêu xài quá mức nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Hơn nữa, việc người dân kể câu chuyện về "hậu quả" mà những người nhặt được vàng dính phải cũng có thể không chính xác. Không loại trừ đây là tin đồn người dân dựng nên để gìn giữ di tích, cảnh báo những kẻ có ý định xâm phạm ngôi đền. Bởi vì, cùng một câu chuyện nhưng được kể theo nhiều hướng khác nhau, cùng một người nhưng có hàng trăm "hậu quả"... Tuy nhiên, việc phát hiện ra một di tích như vậy là một việc rất tốt cho khảo cổ học Việt Nam.             

"Kho vàng" chỉ còn chưa đến 1 cây

Di tích Lưu Cừ II được khai quật và phát lộ là một công trình kiến trúc đồ sộ bằng gạch hình chữ nhật, chiều dài 30m, chiều ngang 17,18m, chiều cao hiện chỉ còn khoảng 1,5m. Các hiện vật phát hiện hết sức độc đáo bao gồm Linga, Yoni cùng các đồ thờ khác bằng đá sa thạch, đá thạch anh, bằng vàng, đồng... Khi khai quật các hiện vật bằng vàng còn rất ít, qua quá trình phân kim, số vàng thu được chỉ khoảng 6, 7 chỉ vàng. 

 Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Chuyện liêu trai ở ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:25
"Đất An Nhơn gió quyện mây lành/ Ngôi Thập Tháp ngàn năm in bóng...". Những vần thơ trên gợi nhắc về vùng đất An Nhơn (Bình Định) với ngôi Thập Tháp cổ tự nổi tiếng gần xa. Theo một số nhà nghiên cứu, đây là ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung thuộc dòng thiền Lâm Tế. Nơi đây cũng lưu truyền không ít câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về "hòn đá chém" được các quan tư pháp nhà Nguyễn dùng làm chỗ hành hình những nghĩa sĩ theo phong trào Tây Sơn; hay sự tích hạt lúa khổng lồ có thể tự nảy mầm trổ hạt mà không cần gieo cấy...

Chiêm ngưỡng ngôi chùa 1.500 năm treo trên vách đá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Cùng với hang đá Vân Cương, chùa Treo là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất và là những điểm lịch sử ở Đại Đông.

Độc đáo ngôi chùa được tạo tác từ những mảnh sành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Nếu một ngày, bạn có dịp lang thang trên đường phố Sài Gòn, vô tình đặt chân qua cầu Nguyễn Tri Phương, bạn sẽ thấy ngay một góc của một ngôi chùa sáng lấp lóa bởi muôn ngàn miếng sành đang phơi mình trong nắng.

Kỳ lạ ở ngôi chùa có loài sen “cõng” được người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng bởi “tình bạn” giữa cặp rùa và hạc mà ngôi chàu đặc biệt này còn được biết đến với loài sen có thể "cõng" được người.