T5 - Chuyện chưa kể về giờ phút cuối cùng của tiểu đoàn cảm tử anh hùngKỳ 1: Chiến trường lửa và nhiệm vụ hi sinh vì toàn cục

T5 - Chuyện chưa kể về giờ phút cuối cùng của tiểu đoàn cảm tử anh hùngKỳ 1: Chiến trường lửa và nhiệm vụ hi sinh vì toàn cục

Thứ 5, 27/12/2012 | 22:08
0
Đến xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, người ta sẽ được biết tới tượng đài "Ghi nhớ công lao của 500 liệt sĩ của tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324 đã hy sinh tại đây". Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong không khí ác liệt, dữ dội của cuộc chiến, đã có một đơn vị anh hùng lặng lẽ làm nhiệm vụ và hy sinh để mở đường cho những trận đánh lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến trường lửa với những ngày tháng không quên

Trong chiến tranh, việc hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi, có những tổn thất mà cho đến giờ, khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, những vết thương vẫn còn nhức nhối. Câu chuyện về những tấm gương cảm tử, những đơn vị tình nguyện hi sinh để làm nhiệm vụ đánh lạc hướng kẻ thù vẫn còn in sâu trong ký ức của những người còn sống.

Đường Trường Sơn với những ngày đêm không ngủ ngày nào giờ vẫn còn đang ôm ấp trong lòng những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Trên dọc cung đường huyền thoại ấy, những cuộc hành trình đi tìm lại đồng đội, đồng chí nơi chiến trường xưa của những người lính vẫn chưa ngừng nghỉ.

May mắn cho chúng tôi khi đi tìm hiểu về đơn vị anh hùng: Tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324 đã có một số chỉ dẫn tới một nhân chứng sống là ông Nguyễn Trọng Lượng, một trong ít những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 8 còn sống sót sau trận đánh lịch sử đó. Nghe ông kể chuyện, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động.

Sinh 1945 trong một gia đình nông dân nghèo ở Bắc Bộ, 19 tuổi, ông Lượng nhập ngũ. Sau một thời gian chiến đấu ở nước bạn Lào, đơn vị ông được cắt cử về bổ sung cho chiến trường miền Nam. Ông được bổ sung vào tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324 thuộc quân đoàn 2, nhiệm vụ hoạt động chủ yếu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Bắt đầu từ cuối năm 1967, bước sang năm 1968, tình hình trên chiến trường ngày càng trở nên khốc liệt. Chiến dịch Mậu Thân đã giáng một đòn chí mạng vào lực lượng Mỹ - Ngụy ở miền Nam nhưng cũng gây cho ta không ít tổn thất.

Xã hội - T5 - Chuyện chưa kể về giờ phút cuối cùng của tiểu đoàn cảm tử anh hùngKỳ 1: Chiến trường lửa và nhiệm vụ hi sinh vì toàn cục
Ông Nguyễn Trọng Lượng, một trong những chiến sĩ còn sống sót của tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324

Mỹ quyết tâm dùng Quảng Trị làm lá chắn, chúng xác định nếu để mất Quảng Trị là có thể mất cả miền Nam nên tập trung về đây tất cả nguồn lực và phương tiện tối tân nhất. Trên những cánh rừng dọc theo đường Trường Sơn, tất cả phương tiện chiến tranh và nhân lực của cuộc chiến đều được ẩn giấu kỹ để chờ thời điểm được tung ra.

Ông Lượng lúc bấy giờ trung đội trưởng trung đội hoả lực, trấn giữ các cao điểm. Mỗi trung đội có 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội lại có 9 người, vậy mà mỗi năm phải bổ sung lực lượng tới 3 lần, toàn lính trẻ mới từ miền Bắc vào nên chiến đấu đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Là một người từng trải, bản thân ông cũng nhiều lần bị thương nặng, nhiều lần từ nơi điều trị trở về, đơn vị cũ chỉ còn cái khung, lại tiếp tục bổ sung quân và tiếp tục chiến đấu. Đến giờ, sau bao năm, thậm chí đã phải đối diện với cảnh lao tù nhiều năm dưới chế độ Ngụỵ quyền, ông Lượng vẫn không thể hiểu được nguồn sức mạnh nào để những người chiến sỹ năm xưa lại có thể bám trụ và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng như vậy.

Chiến trường Bình - Trị - Thiên đêm là pháo, pháo bầy ở biển bắn vào rát. Đất ở vùng hoạt động là một vùng đất trắng như bãi biển, thuộc vùng ranh giới giữa ta và địch không một bóng người nào vào. Giặc san bằng khu giới tuyến tới độ phẳng lỳ. Khu vực đường 9 Khe Sanh, Dốc Miếu bị "tát trắng", pháo bắn tới mức không một thân cây nào còn lành lặn. Pháo bắn suốt đêm còn ban ngày thì máy bay B52 rải bom liên tục. Nhất là trên tuyến đường Trường Sơn là nơi bộ đội hành quân vào miền Nam thì chúng rải bom theo từng đợt, cứ 3 trái, 5 trái một, không đêm nào là không có máy bay B52 quần thảo. Bộ đội đi xuyên rừng, các đoàn xe vận tải cũng phải bám vào các con đường mòn để đi, nhưng nếu chỉ cần có tiếng động là cả một khu vực trở thành "cái rốn" của bãi pháo. Về sau, nhiều đơn vị phải chuyển từ hành quân đêm sang ngày. Nếu không dùng máy bay B52 thì địch lại dùng phản lực B57, pháo sáng rải trên đầu. Tâm sự với chúng tôi, ông Lượng ngậm ngùi: "Thực ra chúng tôi là những người may mắn còn sống sót. Nhiều đồng đội hy sinh trước mặt mình, gửi gắm lại những di vật cho mình mà không cách nào thực hiện được. Có một trận đánh, trong đơn vị có 3 thương binh nặng, không thể đưa đồng đội mình về tuyến sau, đành phải gửi vào một cái hầm. Thực ra tất cả mọi người đều xác định, đã là thương binh nặng vào thời điểm đó đồng nghĩa với việc hy sinh, việc đưa đồng đội xuống hầm chỉ để đỡ bị "dính" thêm đạn, hy vọng sống sót vẫn còn…”.

Mệnh lệnh "tử" hy sinh vì toàn cục

Thời điểm sau tết Mậu Thân năm 1968, kết thúc trận ở Thừa Thiên - Huế thì tình hình thay đổi. Sau khi giáng cho quân Mỹ - Ngụy một đòn choáng váng, bộ đội ta rút lên rừng thì trong Quảng Nam, chúng càng điên cuồng bắn phá. Sau khi mất Huế, mất Quảng Trị, địch rất sợ mất nốt Quảng Nam - Đà Nẵng nên dùng đường vành đai để trấn áp khu vực này. Chúng tập trung quân lớn ở Đà Nẵng để ngăn ngừa khả năng đánh lớn và tập trung của quân ta. Cũng ở Đà Nẵng, với lực lượng và trang thiết bị tối tân, cơ động như vậy, địch hy vọng rằng chúng có thể dễ dàng phân tán lực lượng cho các miền bất kể lúc nào cần thiết một cách nhanh nhất. Cấp trên lệnh cho tiểu đoàn 8, sư đoàn 324 một nhiệm vụ mới. Nửa đêm, ông Lượng với tư cách là chính trị viên đại đội được cấp trên triệu họp: "Ta phải hy sinh một bộ phận nhỏ để có được thắng lợi toàn cục". Nhiệm vụ của tiểu đoàn 8 là rời khỏi rừng, cố tình làm cho lộ để địch rút quân ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tập trung chiến đấu với ta. Một tiểu đoàn nếu chẳng may hy sinh nhưng có thể giải nguy cho ta trên khắp chiến trường. Phải nhìn vào toàn cục chiến trường miền Nam chứ không chỉ nhìn tổn thất riêng của một đơn vị mà suy tính thiệt hơn.

Tiểu đoàn 8 có nhiệm vụ cố tình "làm cho lộ" để địch nghĩ rằng ta đã đến Thừa Thiên - Huế và đang gấp rút chuẩn bị cho một chiến dịch giải phóng lớn, tiến sâu vào khu vực Quảng - Đà. Điều này sẽ khiến địch phải rút quân án ngữ ở Đà Nẵng để tập trung quân đánh vào khu vực tập trung của quân ta. Hành động này của địch đồng thời sẽ làm cho lực lượng của chúng ở Đà Nẵng mỏng đi nhiều, khả năng cơ động tới những nơi khác cũng sẽ giảm, tạo điều kiện cho ta đánh lớn trên toàn miền.

Trận chiến này, tiểu đoàn 8 phải chiến đấu chống lại cả một sư đoàn lính Mỹ, chưa tính tới quân Ngụỵ và chư hầu, bảo an, dân vệ…, toàn những quân thiện chiến và được trang bị tận tối tân, hiện đại. Bộ đội ta sau những ngày dầm dề ở rừng, trang bị chỉ có khẩu súng trường trên vai, vài băng đạn, bi đông nước và ít lương thực đi kèm, một số anh em vẫn còn chưa lành vết thương trong những trận chiến trước đó. Tương quan lực lượng chênh lệch một cách rõ rệt, biết vậy nhưng những người lính trẻ vẫn sẵn sàng tham gia cuộc chiến. Đồng chí Thành, quê ở Con Cuông, Nghệ An xác định với anh em: "Cuộc kháng chiến này nhất định thắng lợi, nhưng khi thắng lợi thì chúng ta đã không còn nữa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta thất bại".

Bắt đầu từ đêm 23/4/1968, bộ đội ta bắt đầu di chuyển xuống phía dưới, tiến về xã Quảng Thọ. Tới chiều ngày hôm sau thì quận ta bắt đầu để lộ. Lập tức, địch tập trung quân và hoả lực đánh vào đường đi của bộ đội. Cùng với bộ binh dưới đất, địch cho máy bay thả bom hoá học, lựu đạn cay trên đầu vừa đánh vừa khép chặt vòng vây. Đến đêm trận chiến trở nên ác liệt hơn, sau khi có thông tin từ chiến trường báo về, địch được bổ sung quân và lực lượng để tập trung tiêu diệt ta ở Quảng Thọ (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế).

 Thời khắc thử thách sinh mệnh có một không hai

Thời điểm lúc bấy giờ, ranh giới giữa sự sống và cái chết thực sự mong manh, nhưng khi xác định có thể phải hy sinh cả một tiểu đoàn, sự mất mát đó quá lớn, không khí buổi họp giao nhiệm vụ trở nên nặng nề. Cuối buổi họp, các đồng chí chỉ huy cấp trung đoàn cũng phải lặng lẽ quay đi để tránh phải nói lời từ biệt với đồng đội của mình. Điều đó có nghĩa là 500 chiến sỹ cấp dưới phải hy sinh. Chưa bao giờ trong quãng đời làm lính của họ phải đối diện với sự thực phũ phàng và đau đớn đến vậy.

Đỗ Hu

 (Còn nữa)