Tác phẩm văn học kinh điển không làm nên bộ phim kinh điển

Tác phẩm văn học kinh điển không làm nên bộ phim kinh điển

Thứ 2, 18/11/2013 | 15:54
0
Trong bối cảnh điện ảnh Việt luôn khan hiếm những kịch bản hay và hấp dẫn như hiện nay, thì sự "bắt tay" giữa điện ảnh và văn học là một giải pháp rất thu hút các nhà làm phim. Thế nhưng, việc khai thác những kịch bản đã mời sẵn ấy không dễ dàng và các nhà làm phim vẫn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề vô cùng nan giải.

Điện ảnh vẫn đi dưới "cái bóng" của văn học

Ý tưởng kết hợp giữa điện ảnh và văn học đã được manh nha từ lâu trong lịch sử phát triển điện ảnh và theo đó, văn học được coi là "mỏ quặng" rất có giá trị với các nhà làm phim. Trên thế giới, đã có không ít những tác phẩm văn học đưa lên màn ảnh gặt hái thành công, trở thành niềm tự hào của nền điện ảnh. Có thể kể đến những bộ phim rất nổi tiếng của điện ảnh thế giới như: Chiến tranh và hoà bình, Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Nhà thờ Đức Bà Paris, Ba người lính ngự lâm, Bố già... đều được "bắt nguồn" từ các tác phẩm văn học kinh điển.

Sự kiện - Tác phẩm văn học kinh điển không làm nên bộ phim kinh điển

Sóng ở đáy sông (được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lê Lựu) là một trong những bộ phim truyền hình Việt sống mãi với thời gian.

Ở Việt Nam, tác phẩm văn học của những nhà văn tên tuổi như: Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Quang Lập, Đoàn Giỏi... cũng đã được chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng và được công chúng yêu thích như: Đời cát, Đất và người, Sóng ở đáy sông, Đất phương Nam, Cánh đồng hoang, Vợ chồng A Phủ... Những bộ phim này là niềm tự hào và ghi dấu sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Mới đây nhất, đạo diễn của Ma Làng - Nguyễn Hữu Phần và vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang cũng đang tiếp tục công cuộc khai thác bốn tác phẩm văn học kinh điển của Vũ Trọng Phụng để chuyển thể thành phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: "Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam những năm 1930 - 1945 như Bỉ vỏ, Tắt đèn, Số đỏ... nếu "không làm gì" thì thật uổng phí. Vì vậy, chúng tôi đang bắt đầu từ Số đỏ của Vũ Trọng Phụng". Nếu thử nghiệm này của ông thành công, thì chắc hẳn công chúng sẽ có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... trên màn ảnh.

Cũng dễ hiểu bởi trong thời điểm thị trường kịch bản bát nháo, hay - dở lẫn lộn như hiện nay, việc chọn đưa lên màn ảnh những tác phẩm văn học đã thành danh và ghi dấu ấn trong lòng công chúng là một giải pháp hấp dẫn và có khả năng lớn để chạm đến được thành công. Hơn nữa, với số lượng các nhà biên kịch giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay như hiện nay thì việc lựa chọn "đứa con tinh thần" của các nhà văn nổi tiếng là cách làm khôn ngoan, bởi mấy ai có thể viết hay và tâm huyết như các nhà văn? Trong khi các nhà biên kịch mới nổi, các nhóm biên kịch mới ra đời, kể cả các nhà biên kịch có tiếng "sòn sòn" mỗi năm cho ra đời 3 - 4 kịch bản thì các nhà văn phải mất thời gian gấp hàng chục lần như thế mới cho ra đời được một tác phẩm. Nói thế không có nghĩa chỉ đứa con "mang nặng đẻ đau" của nhà văn mới đáng giá, nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng, tác phẩm được thai nghén và chăm chút từng li từng tí bao giờ cũng "sống tốt, sống khỏe" hơn.

Thế nhưng, dù cánh đồng văn học mênh mông có lời "mời gọi" rất hấp dẫn thì điện ảnh Việt vẫn chỉ chạm được tới một phần rất nhỏ của mảnh đất phì nhiêu này. Nguyên nhân xuất phát từ việc cái "bắt tay" giữa điện ảnh và văn học vẫn còn nhiều bối rối và dè dặt, mà yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là tác phẩm điện ảnh không vượt qua được "cái bóng" của tác phẩm văn học. Thực tế là đã có không ít những "đứa con chung" (của điện ảnh và văn học) bị đuối hẳn so với nguyên tác, thậm chí là rơi vào tình trạng "chết yểu".

Bộ phim Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh) dù có cố gắng truyền tải ý đồ của nhà văn Lê Lựu nhưng việc tuân thủ đến mức "rập khuôn" trong phim lại vô tình đem đến sự nhàm chán cho khán giả. Dù mong đợi nhưng người ta không thấy một hơi thở mới được thể hiện bằng một ngôn ngữ điện ảnh ở bộ phim. Hay ở bộ phim Cánh đồng bất tận được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Quang Bình vì chưa thể hiện trọn vẹn, sâu sắc hình ảnh và nội dung tác phẩm, nên bộ phim đã thất bại khiến nó không thể trở thành hiện tượng như tác phẩm văn học.

Sự kiện - Tác phẩm văn học kinh điển không làm nên bộ phim kinh điển (Hình 2).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã rất thành công trong việc chuyển thể bộ phim Thương nhớ đồng quê từ hai truyện ngắn Những bài học nông thôn và Thương nhớ đồng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Gánh “nặng” hay gánh “nhẹ”?

Điều dễ thấy là khoảng cách giữa điện ảnh và văn học có thể rất mong manh, nhưng cũng có thể kiên cố như một bức tường vững chắc. Trong "cuộc chơi" này, nhà làm phim sẽ chỉ thắng khi dám chấp nhận mạo hiểm và tìm ra được một hướng đi mới cho "sản phẩm" của mình. Nhưng vấn đề được đặt ra là để tác phẩm điện ảnh giữ đúng nguyên tác và thuật lại một cách tương đối chính xác nội dung truyện là điều rất khó, nhất là phải giữ nguyên được tinh thần của tác phẩm. Đã có nhiều nhà văn được các nhà làm phim mời chuyển thể tác phẩm văn học của mình thành kịch bản điện ảnh như: Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Thuỳ Linh, Phạm Ngọc Tiến... nhưng số những nhà văn kiêm biên kịch này cũng không nhiều. Vì thế, các nhà làm phim thường mời các nhà văn nổi tiếng viết kịch bản và chuyển thể những tác phẩm văn học của đồng nghiệp.

Mặt khác, đã có nhiều đạo diễn mang ý đồ cải biên tác phẩm văn học bằng cách thêm các tình tiết, diễn biến, thay đổi kết cục... nhằm mang đến một hơi thở mới cho tác phẩm điện ảnh. Sự cải biên có thể khiến cho tác phẩm điện ảnh mang tầm nghĩa sâu hơn tác phẩm văn học nguyên gốc. Ví như bộ phim Tướng về hưu (đạo diễn Khắc Lợi) được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Phim không chỉ cho người xem thấy sự lạc lõng của người lính già trong xã hội mới, mà còn cho thấy rõ sức mạnh, sự ngự trị của đồng tiền trong thời kỳ kinh tế thị trường và mặt trái của xã hội đương đại. Nhưng cũng có những tác phẩm cải biên chủ đề được giữ nguyên từ văn học lên màn ảnh. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học thì rất "nhẹ gánh" trong khâu kịch bản nhưng thực tế thì lại không đơn giản như vậy.

Đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum, người từng có công đưa hàng loạt tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh lên phim truyền hình chia sẻ rằng: "Có sẵn cốt truyện thì có lợi cho nhà biên kịch nhưng khi chuyển thể lại cần những yêu cầu khắt khe của nó như phải trung thành với nguyên tác, nếu sáng tạo thì phải chấp nhận được. Người ta xem phim mà thấy không hay bằng đọc tác phẩm thì coi như thất bại. Tuy nhiên, các nhà biên kịch từng gắn bó với tiểu thuyết chuyển thể của Hồ Biểu Chánh như Việt Linh, Nguyễn Hồ, Thanh Hoàng, Nguyễn Chương, Nguyễn Trọng Tín, Võ Đắc Dự... đã vượt qua được khó khăn đó để có những kịch bản phim hoàn hảo nhất".

Ông cũng cho biết thêm, khó khăn của đạo diễn khi thực hiện các tiểu thuyết được màn ảnh hóa là hầu hết phim nào cũng quay dài hơi và mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, nó đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn của người đạo diễn từ khâu biên tập cho đến dựng cảnh. Có bộ phim phải ghép vài truyện ngắn lại mới có một tác phẩm điện ảnh trọn vẹn với những tình huống thật đặc sắc. Thêm vào đó, kinh phí cũng là một vấn đề phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ. Điều đó cho thấy, biết tận dụng những "thực phẩm" có sẵn là lợi thế nhưng để chế biến chúng thành những "món ngon" thì cần sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhất là tài năng của người đạo diễn.  

Hành trình không dễ dàng

Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh (tức là việc chuyển thể từ ngôn ngữ biểu cảm này sang một ngôn ngữ biểu cảm khác) là vô cùng phức tạp. Quá trình này đòi hỏi sự nhạy bén, trình độ cảm thụ của nhà làm phim để có thể xử lý các chi tiết một cách có hiệu quả nhất, đồng thời cần tài năng của đạo diễn để sáng tạo ra các chi tiết đắt giá khác, góp phần tạo nên giá trị tác phẩm điện ảnh. Trong lịch sử phim ảnh, rất hiếm thấy một bộ phim dựa trên tác phẩm văn học lại thành công hơn nguyên tác, hoặc đạt đến mức độ tôn vinh nguyên tác văn học. Thế nên hành trình này không hề dễ dàng.

Loan Thanh

'Thế lực ngầm' sau việc tuyển diễn viên phim truyền hình

Thứ 4, 06/11/2013 | 21:24
Thường thì các đạo diễn sẽ là người "cầm cân nảy mực" để chọn diễn xuất tốt và hợp vai. Nhưng thực sự "tiêu chuẩn" đó giờ đã bị lệch chuẩn khi nhiều người có ảnh hưởng trong giới làm phim đã ngấm ngầm dùng thế lực của mình để can thiệp vào khâu casting.

'Sao Mai' Phương Thảo sáng tác khúc ca xúc động về Tướng Giáp

Thứ 2, 18/11/2013 | 15:53
Nhân 49 ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sao mai Phạm Phương Thảo đã chính thức phát hành ca khúc “Đất mẹ ngày về” do chính cô sáng tác.

Ca sỹ ngoại trên thị trường âm nhạc đầy bát nháo

Thứ 2, 18/11/2013 | 12:59
Với một hình ảnh thân thiện, giọng hát tiếng Việt giàu cảm xúc, sáng sân khấu, không scandal, không chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, những nghệ sỹ nước ngoài đang dần chiếm được cảm tình của không ít người Việt Nam.

Vũ đạo 18+ của học trò Mr. Đàm bị tố 'chôm' bản quyền

Thứ 2, 18/11/2013 | 11:09
Phần trình diễn bốc lửa của Ngọc Trâm, học trò Mr. Đàm trong đêm liveshow đấu loại trực tiếp đầu tiên của Giọng hát Việt 2013 diễn ra tối 17/11 đang bị tố ăn cắp bản quyền.

Quốc Trung chặt chém Đàm Vĩnh Hưng và Hồng Nhung xối xả

Thứ 2, 18/11/2013 | 09:54
MC Phan Anh phải cắt ngang phần tranh luận của các huấn luyện viên vì quá căng thẳng.

Hồ Ngọc Hà vũ đạo bốc lửa trong ngày sinh nhật tại Hà Nội

Thứ 2, 18/11/2013 | 09:30
Fan club của ca sỹ Hồ Ngọc Hà tại Hà Nội đã tổ chức một sinh nhật sớm hoành tráng cho cô vào chiều ngày 17/11 tại Hà Nội.

'Thế lực ngầm' sau việc tuyển diễn viên phim truyền hình

Thứ 4, 06/11/2013 | 21:24
Thường thì các đạo diễn sẽ là người "cầm cân nảy mực" để chọn diễn xuất tốt và hợp vai. Nhưng thực sự "tiêu chuẩn" đó giờ đã bị lệch chuẩn khi nhiều người có ảnh hưởng trong giới làm phim đã ngấm ngầm dùng thế lực của mình để can thiệp vào khâu casting.

'Sao Mai' Phương Thảo sáng tác khúc ca xúc động về Tướng Giáp

Thứ 2, 18/11/2013 | 15:53
Nhân 49 ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sao mai Phạm Phương Thảo đã chính thức phát hành ca khúc “Đất mẹ ngày về” do chính cô sáng tác.

Ca sỹ ngoại trên thị trường âm nhạc đầy bát nháo

Thứ 2, 18/11/2013 | 12:59
Với một hình ảnh thân thiện, giọng hát tiếng Việt giàu cảm xúc, sáng sân khấu, không scandal, không chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, những nghệ sỹ nước ngoài đang dần chiếm được cảm tình của không ít người Việt Nam.

Vũ đạo 18+ của học trò Mr. Đàm bị tố 'chôm' bản quyền

Thứ 2, 18/11/2013 | 11:09
Phần trình diễn bốc lửa của Ngọc Trâm, học trò Mr. Đàm trong đêm liveshow đấu loại trực tiếp đầu tiên của Giọng hát Việt 2013 diễn ra tối 17/11 đang bị tố ăn cắp bản quyền.

Quốc Trung chặt chém Đàm Vĩnh Hưng và Hồng Nhung xối xả

Thứ 2, 18/11/2013 | 09:54
MC Phan Anh phải cắt ngang phần tranh luận của các huấn luyện viên vì quá căng thẳng.

Hồ Ngọc Hà vũ đạo bốc lửa trong ngày sinh nhật tại Hà Nội

Thứ 2, 18/11/2013 | 09:30
Fan club của ca sỹ Hồ Ngọc Hà tại Hà Nội đã tổ chức một sinh nhật sớm hoành tráng cho cô vào chiều ngày 17/11 tại Hà Nội.