Tân cử nhân gửi tâm thư đến các sĩ tử

Tân cử nhân gửi tâm thư đến các sĩ tử

Thứ 2, 08/07/2013 | 08:54
0
Tôi – cô gái 18 tuổi, vẫn được bao bọc bởi tình yêu thương và sự lo toan của gia đình. Tôi – một cô gái tỉnh lẻ lên thủ đô thi đại học. 4 năm trước, tôi cũng bơ vơ và lạc lõng như em.

Mấy ngày nay đi qua các cổng trường, nhìn vào dòng người đông đúc tấp nập, nhìn vào những ánh mắt trông đợi mong ngóng của các bậc phụ huynh, nhìn vào những dáng hình áo trắng lơ ngơ nơi đất lạ tôi lại dâng lên cảm giác bồi hồi y như 4 năm về trước. Cảm xúc chân thực và nóng hổi như chính việc tôi vừa nhận tấm bằng cử nhân đại học. 

4 năm trước tôi cũng như em...

 Thời đó, khi còn là cô học sinh đen nhẻm, chưa có những định hướng chính xác cho tương lai, tôi cũng gặp những khó khăn, cũng phải tập cách suy nghĩ cho chín chắn. Thời học sinh không phải lo cơ áo gạo tiền, không phải lo bữa ăn giấc ngủ, sao có thể biết mình thực sự mình cần gì?

3 năm cấp ba thực sự là quãng thời gian tôi không bao giờ quên, tôi nghĩ các em cũng vậy. Hoài bão, tuổi trẻ, có cả những rung động đầu đời và cũng sẽ theo em cho đến những ngày sau. Tôi gọi đó là những kỉ niệm “lung linh” của tuổi hồn nhiên ngốc xít.

Từ lâu, tôi mong ước mình có thể trở thành một nhà báo, được ngao du khắp nơi, gặp rất nhiều người và có những trải nghiệm thú vị. Lựa chọn trường báo đối với tôi lúc đó và đến tận bây giờ, tôi không bao giờ nuối tiếc. Thời gian đó, tôi lao vào học tập, ôn thi. Học khối C, khối lượng kiến thức phải học nhiều hơn những người khác. Vất vả nhất có lẽ là môn Sử, có những lúc, tôi cầm quyển sách trên tay mà con chữ như nhảy múa trước mặt, như trêu đùa cợt nhả như thách thức sức chịu đựng của mình.

Xã hội - Tân cử nhân gửi tâm thư đến các sĩ tử

4 năm qua, tôi vẫn trong trẻo một dòng cảm xúc khi mùa thi đến- Ảnh minh hoạ

Rồi ve kêu gọi hè đến, giục giã bước chân của những học sinh lớp 12 nhanh chóng bước vào thời điểm căng thẳng nhất của cuộc đời học sinh. Tôi lo một, cả nhà lo mười. Lo cho những mớ kiến thức kia có làm tôi nản lòng không, lo ai sẽ đưa đi thi, lo cho bữa ăn giấc ngủ những ngày nắng nóng tháng 7.

Những ngày đầu xuống thủ đô chuẩn bị cho kì thi, may thay có người cho ở nhờ, thế là tôi đỡ lo lắng cảnh chen chúc, xô bồ và tạm bợ. Hai mẹ con như thở phào nhẹ nhõm, nỗi lo lắng như vơi đi phần nào. Những ngày thi, tôi cũng như em, đối mặt với sự sôi động nơi đây, cảm xúc trong tôi chỉ toàn là sự lạ lẫm, rối bời. Tôi nhỏ bé trong dòng người qua lại, trong guồng quay hối hả của cuộc sống thị thành.

Tôi vẫn nhớ như in ngày hè oi ả đó, biết bao phụ huynh đứng chờ con làm bài, ánh mắt đầy niềm hi vọng và mong ước. “Phải chăng sẽ đổi đời ở thế hệ con mình”, chính cổng trường đại học đã mở ra biết bao mơ ước, không chỉ của những học sinh như tôi ngày đó, mà còn là niềm hi vọng của cả gia đình, của môt thế hệ lam lũ, lầm than.

Và tôi của 4 năm sau...

4 năm học tập ở Hà Nội, cũng là 4 năm tôi xa nhà, xa sự chăm sóc của cha mẹ. 4 năm sau, tôi thay đổi, cuộc sống của tôi thay đổi. Giờ thì tôi đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân và lại tiếp tục lo toan để tìm được một chỗ làm phù hợp. Nhưng mỗi lần mùa hè đến, tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày thi cử khó khăn này. Chắc hẳn em đang lo lắng, bỡ ngỡ lắm. Tôi biết, bởi vì 4 năm trước, tôi cũng có những cảm xúc giống em.

Năm nào cũng vậy, tôi đều nghe ngóng những thông tin về những kì tuyển sinh, về những hoạt động của thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, về những sự kiện giúp đỡ các em thí sinh. Càng ngày càng nhiều các tổ chức, hoạt động tình nguyện ý nghĩa như những suất cơm từ thiện ấm áp nghĩa tình, những nơi ở giá rẻ trong những ngày cả nước “nóng”, những chai nước uống, gói đồ ăn. Và hơn cả là những ánh mắt trìu mến, thân thiện của những người đi trước, luôn cố gắng bằng sức mình để giúp đỡ các em.

Mùa thi, mỗi lần đi qua các điểm thi, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh của tôi 4 năm trước. Trong khi tôi đang tập trung làm bài thi để chinh phục những đinh cao tri thức ở đâu đó xa xôi, thì mẹ tôi vẫn đang ngồi đâu đó nơi cổng trường thi, dõi theo bóng dáng ai đó giống con mình. Ngày này năm nào cũng thể, vẫn có những bậc phụ huynh ngóng trông từng phút, từng giờ, với nỗi lòng thấp thỏm, lo lắng. Nhìn những cảnh tượng ấy, bao nhiêu cảm xúc ùa về chan chứa trong lòng, khiến tôi nhớ lại tôi của những ngày ấy, cũng sôi nổi khao khát được khẳng định mình, và cũng nhớ ánh mắt của người thân, nhớ đến sự mệt mỏi vì thời tiết, nhưng trong lòng mạnh mẽ một niềm hi vọng.

4 năm trôi qua kể từ ngày tôi cũng như em, cũng băn khoăn và lo lắng về tương lai mình, cũng là từng ấy năm tôi nhìn thấy sự lo lắng của mẹ tôi. Thế nên, thấy em căng thẳng trong kì thi đại học này, tôi tự nhiên muốn chia sẻ với em cảm xúc, muốn đồng cảm với em.

Em hãy tin rằng, trong ánh mắt em đang đong đầy những ước mơ khao khát, trong sự lo âu và khắc khổ của bố mẹ em, là cả một tương lai rộng mở phía trước. Em đừng để sự lo lắng kia làm em mất tập trung, đừng để nỗi sợ hãi chế ngự, và đừng để sự bơ vơ kia choán lấy tâm can mình. 

Hãy làm bài như một cuộc ngao du kiến thức thú vị, và làm với tất cả những gì mình đã có của 12 năm học tập. Không quan trọng là kết quả ra sao, mà quan trọng là em đã làm hết khả năng của mình và sống trọn vẹn với những cảm xúc mình đang có. Bởi tôi chắc chắn rằng 4 năm nữa em sẽ lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm của ngày hôm nay như tôi. 

Anh Phương

Gặp CSGT đổ xăng xe cho sĩ tử khiến dân mạng cảm động

Thứ 7, 06/07/2013 | 08:17
Nam cảnh sát giao thông trẻ đổ xăng xe cho sĩ tử được cư dân mạng khen ngợi là chiến sĩ Nguyễn Tuấn Mạnh. Anh chia sẻ, mùa thi sĩ tử gặp nhiều sự cố trên đường, và hành động của mình là nhỏ bé.

Chùm ảnh: Sĩ tử chật vật trốn nóng dưới gầm cầu vượt

Thứ 6, 05/07/2013 | 16:02
Sau nhiều ngày miệt mài ôn luyện cho kỳ thi đại học đợt 1 năm 2013, chiều 7/5 các sĩ tử cùng người thân tất bật về quê. Nhiều sĩ tử mệt mỏi nằm, ngồi la liệt dưới gầm cầu vượt hiện đại nhất Thủ đô.

Sĩ tử mệt lả ngủ lịm trên tay người thân

Thứ 6, 05/07/2013 | 16:10
Kết thúc môn thi toán buổi sáng, các sĩ tử cùng phụ huynh vội vã ăn trưa rồi tìm nơi nghỉ ngơi lấy sức để vài tiếng sau thi môn kế tiếp. Nhiều sĩ tử mệt lả ngủ lịm đi trên tay người thân.