Tân Tây Du Ký P.1: Chuyến du lịch bằng ngân sách Thiên đình

Tân Tây Du Ký P.1: Chuyến du lịch bằng ngân sách Thiên đình

Thứ 6, 30/09/2016 | 16:14
0
Nghe thiên hạ cứ luôn mồm kêu ca về tình trạng lạm ngôn “đúng quy trình” và “rút kinh nghiệm”, Đường Tăng bức xúc lắm.

Một hôm, ngài bèn triệu tập hết thảy các môn đệ lại, than phiền rằng:

- Sau bao năm vượt gian khó hiểm nguy tu hành thành chánh quả đến nay, xét cho cùng, thầy trò chúng ta vẫn chưa huấn thị đức đạo vào đời một cách ấn tượng nhằm tạo hiệu ứng thiện tâm với toàn thể nhân phàm. Qua nhiều ngày đêm trăn trở, Thầy quyết định phải hạ giới một phen để xác minh thực hư những điều mà dân tình hằng ta thán đặng về soạn thảo bổ sung chánh pháp tốt đạo đẹp đời. Đồng thời cũng là dịp tự thưởng một chuyến du lịch bằng ngân sách Thiên đình…

Đường Tăng chưa dứt lời, Bát Giới đã nhảy cẩng lên vỗ tay reo hò:

- Ồ, hoan hô sư phụ! Thầy làm đúng quy trình…

Sa Tăng quay sang lườm Bát Giới, nhíu mày suy nghĩ rồi cung kính, nói:

- Thưa sư phụ, trần gian dạo này… bỗng đà khác xưa. Đường phố đầy rẫy những hiểm nguy thường xuyên rình rập, e rằng giáo lý cốt lõi của đạo Phật về bản ngã và vô ngã ít được chúng sanh quan tâm bằng… cướp giật kéo ngã đập đầu xuống đường và cây ngã đè chết tươi đấy ạ! Con sợ tính mạng thầy trò ta trong chuyến du hí “nghiệt ngã” này khó bảo toàn vì dưới ấy đang mùa mưa bão.

Tin cũ - Tân Tây Du Ký P.1: Chuyến du lịch bằng ngân sách Thiên đình

Qua nhiều ngày đêm trăn trở, Đường Tăng quyết định hạ giới để xác minh thực hư những điều mà dân tình ca thán .

Đường Tăng nghe nói giật mình, vẻ thất vọng, hỏi:

- Thế làm sao bây giờ?

Tôn Ngộ Không gãi đầu, “khẹc… khẹc” buông giọng xem thường:

- Sư phụ cứ an tâm, ba chuyện vặt vãnh đó nhằm nhò gì đối với 72 phép thuật của con. Vả lại, giờ đây bộ tứ chúng ta đã là người “bề trên” thì không còn liên quan đến hữu mệnh sinh tử.

Nói xong, cả ê kíp chộn rộn sửa soạn hành lý. Chẳng bao lâu sau bốn thầy trò đã biến thành những thường dân có mặt ở trần gian.

Sáng đầu tuần, phố phường người xe đông đúc. Nhóm khách bộ hành nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông nên vất vả mướt mồ hôi, từng bước một luồn lách né tránh các vật cản của hàng quán “bung ra” lấn chiếm hết vỉa hè. Lúc dừng chân nghỉ mệt, Đường Tăng rảo mắt nhìn những bức tường chung quanh, xong thở dốc nói với môn đệ:

- Ta đang tham quan thành phố có tên “Hút hầm cầu”, nghe lạ các con nhỉ?

- Không phải đâu ạ. Con thấy trên những thân cây cột điện dán nhan nhản địa danh “Khoan, cắt bê tông” cơ mà – Sa Tăng hào hứng nói chen vào.

Bát Giới cũng tài lanh:

- Sai hết. Đây đích thị là thành phố “Chuyên trị: Trĩ, mạch lươn”. Nhìn họ xịt sơn vẽ chữ giới thiệu to đùng trên các tấm tôn vây lô cốt đào đường kìa.

Nãy giờ Tôn Ngộ Không ngơ ngác vì chẳng biết đọc chữ nên bèn nói bạt ra:

- Hầy, thành phố tên gì mặc kệ, chúng ta có phải đóng dấu công lệnh đi đường đâu mà quan tâm địa danh đã đến chứ!

Bốn thầy trò lại tiếp tục cuộc hành trình. Vừa đi được một quãng, bỗng thấy phía trước có đám đông chen lấn, nói cười toe toét, lố nhố níu kéo choàng vai, bá cổ “tự sướng” tràn cả xuống lòng đường gây ùn tắc giao thông. Đường Tăng lấy làm thắc mắc, hỏi đồ đệ:

- Chẳng hay đằng kia xảy có chuyện gì mà đông người hớn hở vậy?

- Chắc khổ dân lại vui mừng khôn xiết vì mấy ngày rồi không tắm nên khi hay tin đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 19 vừa khắc phục xong liền… quýnh lên chứ gì – Bát Giới nhanh nhảu đoán mò.

Tôn Ngộ Không chững chạc hơn, bèn dùng thuật thiên lý nhãn nhướng cặp mắt thau quan sát, rồi buồn bã tâu:

- Thưa sư phụ, sự kiện ấy là đám tang của một nghệ sĩ ạ.

- A di đà Phật; sao nhiều người nỡ có thái độ vô cảm lệch lạc đến thế. Ai đời lại hí hửng sướng vui trên nỗi đau mất mát của người khác. Ôi, ngẫm buồn văn hóa “chia buồn” thời hiện đại! – Đường Tăng thở dài áo não.

Chợt nhìn thấy Sa Tăng mặt mày tái nhợt, mãi lặng thinh đứng khom người, mắt dò tìm dáo dác. Tôn Ngộ Không liền hỏi:

- Ngộ Tịnh, đệ bị làm sao vậy?

- Đệ… đệ… bí lắm rồi!

Tôn Ngộ Không bối rối gãi đầu sồn sột:

- Ây da, đại nạn! Ở đây làm gì có nhà vệ sinh công cộng. Nào, đi mau thôi.

Lập tức bốn thầy trò thoăn thoắt tiến thẳng hướng ngoại ô. Lúc ngoái cổ lại đọc lướt tấm panô tuyên truyền “thực hiện nếp sống văn minh” lắp đặt hoành tráng nơi góc phố, Đường Tăng lắc đầu ngán ngẩm:

- Mô Phật, nói thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.

Khi mọi người đang cảm thấy thật… nhẹ nhàng bên bờ một con sông có nuôi cá lồng bè, bất chợt Bát Giới phát hiện:

- Trông kìa, cá chết nổi trắng bè trên sông, hèn chi mùi hôi thối xộc lên nồng nặc…

- Sao có chuyện lạ kỳ vậy? – Đường Tăng lấy làm thắc mắc.

Sa Tăng vẻ am hiểu về “cội nguồn” sông nước, liền giải thích:

- Cá chết là do thiếu ôxy đấy thôi, thưa sư phụ.

- Nhưng tại sao bị thiếu ôxy?

- Dạ, vì rằng nguyên nhân… nhạy cảm nên khó nói lắm ạ. Con nghe ở trần gian người ta cũng chỉ trả lời chung chung về những vụ cá chết hàng loạt trước công luận như thế. Giống hệt các bác sĩ cứ chẩn đoán “đại khái” bệnh nhiễm siêu vi, mà siêu vi gì thì đố ai biết.

- Ứ…ư… Thầy ơi, quá ngọ rồi – Bát Giới đưa tay xoa bụng, ngáp đói.

Đường Tăng quay sang bảo Tề Thiên Đại Thánh:

- Ngộ Không, con xem gần đây có quán cơm nào ta vào… xóa đói đỡ bữa chay.

Vừa nghe nói đến ăn, Tôn Ngộ Không bỗng giật mình, bấu gãi sồn sột:

- Thưa sư phụ, vệ sinh an toàn thực phẩm ở trần gian bấy lâu nay như ngựa hoang bất kham, không kiểm soát được. Độc tố dùng trong chăn nuôi, trồng trọt thì mua bao nhiêu cũng có. Bởi vậy, hễ người tiêu dùng ăn nhiều thì chết lẹ, còn ăn ít chết từ từ. Nỗi sợ hãi thực phẩm “bẩn” đã được đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đúc kết tại một phiên chất vấn, rằng “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!”.

- Đại huynh nói nhảm quá đi, ăn cũng chết mà nhịn ăn cũng chết; thử hỏi có ai muốn trở thành ma đói không chứ? – Bát Giới giãy nảy.

Sa Tăng góp ý:

- Phải vào khu vực nội ô mới có quán xá đàng hoàng, mà dạo này Trời liên tục trút xuống những cơn mưa “lịch sử” gây ngập lụt khắp hang cũng ngõ hẻm. Đến biệt thự “triệu đô” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng nước non lai láng, đồ đạc trong nhà nổi trôi lềnh bềnh. E thầy trò chúng ta không còn đủ sức chống chọi với nạn… đại hồng thủy hòng độ bữa cơm chay.

Thấy đổ thừa vô lý, Tôn Ngộ Không quắc mắt hỏi vặn lại:

- Cái gì mà cơn mưa “lịch sử”?

- Thì đệ nghe chính quyền địa phương họ bảo thế.

- Ngập lụt “lịch sử” mới đúng, lượng mưa cũng chỉ vậy thôi. Do tầm nhìn phát triển thấp kém, cứ ồ ạt san lấp mặt bằng vô tội vạ, thử hỏi nước mưa rút đi đàng nào? Sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã đình trệ vì mưa, chuyện này xưa nay hiếm!

Đường Tăng nhắm mắt… cạn lời, Ngài đắng lòng lẩm bẩm “A di đà Phật”!

Bạch Long Mã

Theo NĐT