Tang thương bao phủ bản nghèo

Tang thương bao phủ bản nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Cứ mỗi khi có âm thanh phát ra từ phía đội cứu hộ, người thân các nạn nhân lại ùa lên hy vọng, dù rất đau đớn.

Mưa vẫn không ngớt ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải- Yên Bái). Những cơn mưa mù mịt cộng với sương mù giăng kín núi như thêm phần thê lương trong lúc đưa tiễn 16 người con của làng, bản về nơi an nghỉ cuối cùng. Cả làng bao trùm một bầu không khí nặng nề. Mưa trộn lẫn nước mắt. Nỗi đau xé nát bản làng nghèo trong sương..

Xã hội - Tang thương bao phủ bản nghèo

Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở

Buổi sáng định mệnh

Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào khoảng 11h trưa ngày 7/9. Nó diễn ra bất ngờ khi 20 người dân thuộc ba thôn La Pán Tẩn, Trống Páo Sang và Trống Tông (thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đang đi mót quặng. Bỗng chốc, ngọn núi đổ ập xuống. Tai họa đến quá nhanh khiến những người dân đang còng lưng, mải mê đào bới tìm kiếm quặng không kịp trở tay. 20 người bị vùi sâu dưới lớp đất đá nặng hàng nghìn tấn. Sau khi nhận được tin tai nạn thảm khốc, PV Người đưa tin đã có mặt tại hiện trường.

Từ TP. Yên Bái, bầu không khí nặng nề dẫn vào đến tận trung tâm UBND xã La Pán Tẩn. Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng Chứ Ly, chủ tịch UBND xã cho biết: "Địa điểm xảy ra vụ tai nạn cách trung tâm xã khoảng 7-8km đường núi. Xe ô tô không thể đi vào được, chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ thôi. Đường vào xa lắm đấy, lại còn phải đi hơn 3km đường rừng, trơn, khó đi lắm".

Theo ông Giàng Chứ Ly, vào sáng ngày 7/9, sau đợt mưa lớn, quặng trong mỏ thường theo suối Khác Nha chảy ra rất nhiều. Bà con lại rủ nhau vào mót quặng để bán. Nhưng không ngờ, cả quả núi cao ập xuống, hơn 20 người đang mót quặng tháo chạy. Tuy nhiên, chỉ có một người bỏ chạy kịp thời, hai người hiện bị thương nặng đang điều trị ở BV Đa Khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Thêm một đoạn xa, những tiếng khóc ai oán đưa lại. Bên vệ đường mưa nhầy nhụa, hàng chục người dân đứng lặng người ngóng về ngọn núi "tử thần". Một số người mặt thất thần đang ngồi ăn cơm còn đa số người nhà nạn nhân đang đứng dầm mưa khóc lóc. Một số người dân cho biết, họ đứng ở đây để đợi đội tìm kiếm đưa người thân ra khỏi đống đổ nát. Cho đến tận bây giờ, không ai có thể tin được cả ngọn núi vốn cao sừng sững trong chốc lát đã cướp đi sinh mạng của hàng chục con người. Công tác tìm kiếm các nạn nhân vô cùng khó khăn. Hàng trăm người phải dùng xẻng và tay tìm kiếm thủ công. Bởi nếu dùng máy xúc có thể sẽ chạm vào những thi thể vốn đã không còn nguyên vẹn.

Bên đám cây um tùm, chúng tôi thấy một đoàn người đang ngồi ăn cơm trưa. Tuy nhiên đây không phải bữa cơm trưa thông thường như bao ngày khác. Họ đang đưa tiễn hai người thân bị thiệt mạng trong vụ lở núi ấy. Những người này ngồi thành hàng dọc. Cơm và thức ăn để dưới đất, xa xa, một người đàn ông đang khóc trong tuyệt vọng. Hỏi ra mới biết, đó là anh Sùng A Lử. Anh đang khóc than bên cạnh thi thể chị gái Sùng Thị Dở mà đội cứu hộ vừa tìm thấy. Được biết, chị Dở đã tìm thấy thi thể nhưng mất đầu và hai chân.

Sau hơn ba tiếng cuốc bộ thì con đường mòn độc đạo duy nhất dẫn vào khu Mỏ bị sạt lở bỗng nhiên sụt lún. Lực lượng dân quân, cứu hộ phải mở con đường tạm xuyên qua rừng để đi. Quãng đường rừng hơn 2km, mà cứ ngỡ dài đến nghìn cây số. Một bên là núi, một bên là vực, những cây gỗ chỉ bằng bắp chân người được mang ra làm cầu. Đoàn người cứ lầm lũi tiến vào, cheo leo trên những cây cầu khỉ như làm xiếc. Có lẽ, chỉ cần một bước chân xiêu vẹo là rơi xuống vách núi cao dựng đứng.

Gần bốn tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi cũng vào đến nơi. Sương mù giăng kín trời, mưa lâm thâm, hoang tàn một vùng núi lở. Từng tốp người vẫn cuốc cuốc, xới xới để tiếp tục tìm những nạn nhân còn nằm trong đống đất. Thi thoảng, những tiếng nấc, những giọt nước mắt, những tiếng kêu la lại bật ra trong những người đang mỏi mắt chờ đợi thi thể người thân.

Lời kể của người vừa thoát khỏi bàn tay "tử thần"

Tâm sự với chúng tôi với ánh mắt bàng hoàng, anh Chảo Ồng Xiết (tên thường gọi là Nam), bảo vệ khu mỏ kể lại: "Vào sáng ngày 7/9, em cùng anh La Văn Trận (một bảo vệ khu mỏ đã thiệt mạng) có nhiệm vụ trông mỏ, không để bà con vào mót quặng bởi vì, mấy hôm vừa rồi mưa rất to. Tuy nhiên, bọn em chỉ có hai người, không cản được mấy chục người dân". Được biết, Nam đã bị một số người cầm cuốc dọa, xô ngã vào vũng nước. Sau khi Nam vào nhà thay đồ, vừa bước ra thì thấy cả ngọn núi trên đầu đang rung chuyển. Người thanh niên này chỉ kịp gào lên: "Chạy…đi". Thế rồi, anh cắm đầu chạy thoát thân. Sau tiếng nổ ầm ầm, đất đá đổ ụp xuống như động đất. Nam quay nhìn lại thì không còn thấy một bóng người. Cậu nhanh chóng gọi mọi người đến giúp đỡ, tìm kiếm. Nói chuyện với chúng tôi, vẻ sợ hãi vẫn còn hiện nguyên trên gương mặt, Nam thật thà: "Nếu không nhờ bị xô ngã đến ướt hết phải vào nhà thay đồ thì có lẽ em cũng chết theo mọi người rồi".

Ngọn núi đổ ụp xuống, vùi lấp 20 người dân xã La Pán Tẩn. Được biết, ngọn núi "tử thần" thuộc hệ thống núi Khau Phạ, có độ cao 2.100m. Các công nhân ở khu mỏ này cho biết, vào dịp Noel hay những đợt đại hàn, đỉnh núi này lúc nào cũng được bao phủ bởi băng tuyết. Cũng bởi vậy, cả ngọn núi cao ập xuống, thành mồ chôn tập thể của những người dân mót quặng. Chủ tịch xã Giàng Chứ Ly kể lại: "Có người tìm thấy đầy đủ cơ thể thì mặt mũi đã bị biến dạng, không nhận ra ai nữa. Với những nạn nhân như vậy, chính quyền phải thông báo cho tất cả người thân đến nhận dạng".

Được biết, trong 18 nạn nhân đã tìm thấy có 10 người ở bản La Pán Tẩn, 8 người còn lại ở bản Trống Páo Sang. Có lẽ đau lòng nhất là gia đình anh Hảng Tồng Chua và vợ là chị Thảo Thị Của cùng đứa con trai Hảng A Giàng. Chỉ một buổi sáng mà họ đã phải vĩnh viễn ra đi. Trời La Pán Tẩn ngày 9/9 tiếp tục mưa không dứt. Lực lượng cứu hộ vẫn liên tục tìm kiếm của mình, cố gắng đưa hai người còn mắc kẹt trong đống bùn đất ra ngoài.

Đường mưa và nước mắt người cha mất con

Con đường mòn vào hiện trường những ngày mưa lớn trơn trượt, lầy lội khiến chồn chân những người vượt núi. Thi thoảng, một vài chiếc xe mink lao ầm ầm từ trên đỉnh dốc xuống. Chúng tôi đề nghị họ chở vào khu mỏ sập nhưng ai cũng lắc đầu: "Đường trơn, khó đi lắm. Các anh cứ đi bộ, độ vài tiếng là vào đến nơi". Lúc lên đến ngang đồi, chúng tôi gặp ông Giàng Nhà Chông (một người thân của nạn nhân vụ sạt lở). Ông này cho biết: "Tôi lên thăm con Hảng A Ninh (cháu trai) vừa bị chết do núi lở. Hôm qua (7/9), gia đình tôi tìm được xác nó rồi. Đau lòng lắm".

Rồi ông kể, Hảng A Ninh, ở bản Trống Páo Sang. Do cưới vợ sớm nên Ninh đã có ba người con. Trong đó, đứa đầu đã học cao đẳng ở tỉnh Phú Thọ còn đứa út cũng đang học lớp 11 ở trường trung tâm huyện Mù Cang Chải. Trong sự nghẹn ngào, ông Chông cho biết, vì thương đàn con, muốn kiếm thêm tiền gửi cho chúng ăn học nên hàng ngày Ninh phải lặn lội vào rừng mót quặng. Không ai ngờ tai họa lại ập đến nhanh như vậy. Khi chúng tôi hỏi thi thể Ninh giờ ở đâu, ông chỉ xuống đôi chân mình bảo: "Đào bới mãi cũng chẳng tìm đuợc cháu trai. Tuy nhiên gia đình vẫn đưa về nhà, làm thủ tục ma chay cẩn thận".

Văn Thành


Tag: đổ ụp