TGĐ Dragon Capital và chuyện tín ngưỡng Việt

TGĐ Dragon Capital và chuyện tín ngưỡng Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Ông Dominic Scriven cho biết, khi làm nhà ông cũng phải nhờ thầy phong thủy đến xem hướng nhà, nhà mới xây xong cũng phải mời thầy đến nối long mạch và trong nhà cũng có ban thờ...

Ông Dominic Scriven – tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital - cái tên được nhiều người Việt Nam biết đến, không chỉ bởi ông là lãnh đạo của một công ty đầu tư nổi tiếng ở Việt Nam, mà do ông còn là một trong những người nước ngoài nói Tiếng Việt khá chuẩn.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với ông từ việc học Tiếng Việt, đến các món ăn và sở thích...

Học Tiếng Việt qua tiếng Thái

Nhân duyên nào đã đưa ông đến Việt Nam?

Năm 1990, trong một chuyến đi cùng một số người bạn khám phá Việt Nam, tìm hiểu về thị trường mới, nhiều người bạn của tôi đã học tiếp MBA, nhưng theo tôi học ở Hà Nội thì hay hơn. Ban đầu chỉ định học thôi, nhưng tìm hiểu hay nên tôi quyết định sống lại ở đây. Tôi đã chọn học khoa Tiếng Việt, trường Đại học Tổng hợp.

Đối với người nước ngoài, Tiếng Việt là một trong những thử thách đồng thời đó là cũng là một điểm thú vị. Tiếng Việt đã có nền tảng là phiên âm alphabet so với một số nước khác dùng chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Trong quá trình học Tiếng Việt, điều gì khiến ông nhớ nhất?

Ban đầu tôi không biết một chữ nào, hồi đó lại chưa có nhiều người biết tiếng Anh như bây giờ. Thầy giáo dạy tiếng việt tên là Hiển (gốc Hải Phòng). Vì học sinh ngoại quốc chưa có nhiều, nên trong suốt thời gian 2 năm chỉ có 1 thầy – 1 trò khiến cho quá trình này có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, mặc dù thầy là tiến sĩ ngôn ngữ học chuyên ngành tiếng Lào, thầy lại không biết tiếng Anh. Tôi lại chưa biết tiếng Việt, nhưng may mắn là tôi lại biết 1 chút tiếng Thái, giữa tiếng Thái và tiếng Lào có nét tương đồng. Vậy nên trong quá trình học, những chỗ không hiểu 2 thầy trò có thể trao đổi với nhau thông qua ngôn ngữ thứ ba này.

Học Tiếng Việt, vậy ông đã đọc trọn vẹn một tác phẩm văn học nào của Việt Nam chưa?

Việc học Tiếng Việt tôi chủ yếu để giao tiếp và kinh doanh. Nhưng để đọc truyện hay tác phẩm văn học thì phải có từ điển. Bởi lẽ văn học đòi hỏi phải có sự trợ giúp, nếu không sẽ bị “lạc” hoàn toàn.

Tôi đã từng đọc một cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh. Đó là một cuốn tiểu thuyết hay.

Ngoài việc đầu tư ông còn có đam mê nào khác?

Có, đó là việc vẽ tranh cổ động. Ngày xưa, những năm 1990 – 1991 ngoài các đường phố của Hà Nội không có các đèn LED, với người Việt đó là một kỷ niệm, nhưng với người nước ngoài thì đó là một loại hình nghệ thuật đáng quý.

Sự bào mòn của thời gian, cùng với lý do người Hà Nội không xem đó là một loại hình nghệ thuật, đã làm cho dòng tranh này không còn tồn tại nhiều ở Hà Nội.

Nhưng vì yêu thích dòng tranh này, tôi đã sưu tập và thuê hẳn một nhóm người nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản, để sau này những ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật này có được một nguồn đầy đủ thông tin.

Cũng rất mừng là đầu năm nay, bảo tàng quốc gia của Tiệp có mời tôi qua và tham gia triển lãm về tranh cổ động. Sang năm, một cuộc triển lãm khác cũng về tranh cổ động tại Toronto (Canada) cũng mời chúng tôi tham dự.

Gần đây nhất, có một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ cũng nhờ chúng tôi cung cấp tài liệu về tranh cổ động của Việt Nam, để viết cho 1 giáo trình được dùng tại 1.600 trường học tại Mỹ.

Không ký hợp đồng vào tháng 7 âm lịch

Sống và làm việc tại Việt Nam vậy ông có hay đi chùa không?

Có đi, nhưng không thường xuyên. Trước đây, tôi hay đi chùa Hương. Cách đây 3 năm, đám cưới của tôi cũng được tổ chức tại một ngôi chùa ở Phú Quốc – đây cũng là chùa thường xuyên tôi lui tới.

Tại sao ông lại chọn chùa Phú Quốc để làm nơi tổ chức đám cưới của mình?

Tôi gắn bó với Phú Quốc đã được 10 năm nay rồi. Ở Phú Quốc tôi có 1 khu kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng với đặc trưng là nhà lá của dân địa phương (đầu tư cá nhân, không nằm trong vốn đầu tư của Dragon Capital). Bên cạnh yếu tố đây là một địa điểm đẹp, thì nó còn là nơi gắn bó nhiều kỉ niệm với tôi, nên chúng tôi đã quyết định tổ chức đám cưới ở đây.

Trong việc kinh doanh của mình, ông cho rằng có bao nhiêu phần trăm yếu tố là duy tâm?

Tính chi tiết theo phần trăm thì khó, nhưng đã sống và làm việc ở Việt Nam thì tín ngưỡng được xem là văn hóa ,đó là điều tất yếu. Chẳng hạn, tháng 7 âm lịch – tháng ngâu - hầu hết các doanh nghiệp sẽ không thực hiện ký hợp đồng đầu tư và tôi cũng thế (cười). Hay khi làm nhà, tôi cũng phải nhờ thầy phong thủy đến xem hướng nhà, nhà mới xây xong cũng phải mời thầy đến nối long mạch và trong nhà cũng có ban thờ...

Đã là làm ăn mà không quan tâm đến những những yếu tố duy tâm thì không được, nhưng nếu để ý nhiều quá mà bỏ qua các yếu tố khác thì cũng không nên.

Theo TTVN

Tag: Bàn Thờ