Thảm cảnh săn đuổi người bạch tạng ở Châu Phi

Thảm cảnh săn đuổi người bạch tạng ở Châu Phi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Với quan điểm bệnh hoạn rằng cơ thể người bạch tạng có ma thuật, mang lại may mắn và sự giàu có, nên những người chẳng may mắc bệnh bạch tạng ở Châu Phi, đặc biệt là trẻ em luôn phải sống chui lủi và trốn tránh như... động vật hoang dã vì sợ bị giết.

Theo số liệu thống kê tại các Tanzania, Burundi, hàng năm tại các quốc gia này có trung bình 50 bệnh nhân bị bệnh bạch tạng bị săn lung và giết chết. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết ít nhất 10.000 người phải rời bỏ nơi cư ngụ và trốn vào các trường học hay nhà thờ ở khu vực Đông Phi.

“Đến nơi nào người ta cũng chỉ trỏ và bàn tán về tôi, nói rằng tứ chi của tôi bán rất được giá. Tôi rất lo sợ và không dám ra khỏi nhà một mình”- một bệnh nhân bạch tạng đến từ Tanzania cho biết.

Nguyên nhân chính của hiện tượng quái dị này chính là xuất phát từ sự truyền bá của các thầy pháp, vốn vẫn rất được tin tưởng tại các vùng quê hẻo lánh ở lục địa đen.

Báo cáo của tổ chức này cho hay tại Tanzania, các tay phù thủy có thể bỏ 75.000 USD để mua một số bộ phận cơ thể của người bạch tạng. Sau đó họ dùng các “nguyên liệu” này chế ra các loại bùa ngải để bán cho những người giàu có với giá cao ngất ngưởng.

Theo báo cáo của nhiều tổ chức nhân quyền thế giới, vào năm 2009, thị trường mua bán các bộ phận cơ thể của người bạch tạng đang bỗng dưng nở rộ ở châu Phi.

Vào tháng 12 năm ngoái, một người đàn ông đã bị bắt giữ khi nhập cảnh vào CHDC Congo với một phần thi thể của một em bé bạch tạng trong hành lý. Tên này khai rằng có một thương gia ở Congo đã trả giá rất cao cho y.

Cũng vào cuối năm ngoái, cô bé 13 tuổi Elizabeth Hussein ở Tanzania bị sát hại trên đường đi chơi về và cảnh sát đã phát hiện thi thể của cô bé tại nhà một pháp sư địa phương. “Họ chặt chúng tôi như chặt gà vậy. Chúng tôi không dám ngủ say vì sợ mình sẽ không tỉnh dậy được nữa”, một người Tanzania bị bạch tạng nói với kênh truyền hình Discovery.

Chính vì quan điểm bệnh hoạn này mà nhiều người đã khuyến cáo các bậc cha mẹ không cho con em mắc bệnh trên đi học, một là để khỏi phí tiền, hai là để bảo đảm an toàn tính mạng cho các em.

Do ít học, nhiều người bạch tạng bị mù chữ và buộc phải làm việc chân tay. Họ phải phơi nắng cả ngày để kiếm sống trong khi tia cực tím của mặt trời lại là những “sát thủ” đối với người bạch tạng.

Da của họ không thể chịu được ánh nắng mặt trời và tỷ lệ người bạch tạng bị mắc bệnh ung thư da rất cao. Đối với những người vượt mọi khó khăn để học hành đến nơi đến chốn, họ cũng bị phân biệt đối xử tại sở làm, và cơ hội thăng tiến của họ thường bằng không.

Đứng trước tình trạng nhức nhối này, giới chức Tanzania cho biết họ đang huy động cảnh sát để hỗ trợ người bạch tạng ở nước này, nhưng họ cũng thừa nhận rất khó ngăn chặn các vụ tấn công.

Bởi vì phần lớn các vụ giết hại xảy ra ở vùng sâu vùng xa, nơi không có đủ lực lượng cảnh sát để bảo vệ những con người đáng thương này.

Thủy Bình (Theo Xinhua)