"Thành công của tôi hôm nay phần lớn nhờ chồng"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
"Tôi rất may mắn đã gặp được anh ấy cũng làm nghệ thuật nên hiểu và cảm thông với nghề. Anh ấy luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi phát huy tài năng nghệ thuật và hoạt động xã hội" NSND Hương Thơm chia sẻ.

16 tuổi, bén duyên với tuồng

16 tuổi, Hương Thơm gánh thóc lên huyện đóng thuế giúp bố mẹ cùng với những người bạn đồng trang lứa khác. Thấy đám đông, hỏi ra mới biết có đoàn tuồng Bắc Trung ương về tuyển diễn viên và rất nhiều người tập trung chuẩn bị vào dự tuyển. Vì tò mò nên cô cũng chen vào.

Thấy Hương Thơm có khuôn mặt xinh xắn, dáng người thanh thoát và ưa nhìn, NSND Tiến Thọ đã để mắt ngay. Trong suy nghĩ của một cô gái tuổi mới lớn sinh ra tại miền quê nghèo Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chưa bao giờ nghĩ có một ngày nào đó sẽ theo nghiệp tuồng nên cô lắc đầu ngay lập tức: "Cháu không biết hát tuồng. Cháu chỉ vào xem thôi chứ không dự tuyển". Hôm sau, xong việc cô bé Thơm lại ghé vào xem thì lại được vào dự tuyển.

Được gia đình cũng như NSND Tiến Thọ động viên, cộng với sự yêu thích văn nghệ như một phần không thể thiếu ngay từ nhỏ, cuối cùng Hương Thơm cũng gật đầu đồng ý. Trước khi lên đường theo đoàn về Hà Nội, cô vẫn nhớ câu nói của người cha đáng kính: "Con hãy cố gắng hết mình. Bố tin con sẽ thành công với nghiệp diễn sau này". Lời động viên này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cũng như "hành trang" cho Hương Thơm mỗi khi gặp trở ngại, chán nản.

Trong trí nhớ của NSND Hương Thơm vẫn nhớ như in hình ảnh cô bé "nhà quê" hôm đầu tiên tham gia tập trung cùng các bạn giàu có ở thành phố. Cô cảm thấy xấu hổ xen lẫn buồn tủi bởi bộ quần áo của mình vừa cũ lại không "hợp mốt". Khi ra Thủ đô học tập, Hương Thơm được chị gái tặng một chiếc quần bảo hộ lao động. Ở quê của Hương Thơm lúc đó được thế cũng là diện lắm rồi, trong khi các bạn thành phố, thành thị đã ăn vận quần loe rất đẹp. Vì tự ti nên cô nhất định đòi bỏ về không học nữa. Lúc đó NSND Ngọc Phương là trưởng đoàn vừa động viên vừa ân cần hỏi han đã giúp cô xóa đi mặc cảm và tiếp tục ở lại gắn bó với tuồng.

Sự kiện - 'Thành công của tôi hôm nay phần lớn nhờ chồng'

Hương Thơm đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sáng học xiếc học hát, chiều học múa, tối học kỹ thuật biểu diễn nhưng rồi bốn năm học tập vất vả đối với Hương Thơm cũng qua đi. NSND Hương Thơm kể: "Lúc đó đói lắm chỉ có hai nắm mỳ bé tẹo, nhưng càng tập mình càng ham thích, nhiều khi quên cả đói. Học tuồng Bắc nhưng ra trường tôi lại "bị" phân về đoàn tuồng Nam nên đã khóc tới mấy ngày. Với sự luân chuyển này tôi lại phải học từ đầu bởi tuồng Bắc và tuồng Nam có nhiều điều khác nhau như hơi hát, cách múa... Được sự dẫn dắt, chỉ bảo của các nghệ sĩ đi trước như NSND Đàm Liên, NSƯT Kim Cúc... cùng với sự nỗ lực của bản thân nên tôi đã bắt nhịp nhanh chóng".

Tưởng chừng nghiệp diễn cứ thế phát triển, Hương Thơm cũng phần nào yên tâm công tác thì 3 năm sau hai đoàn tuồng Nam và Bắc sáp nhập thành nhà hát Tuồng Trung ương. Mọi thứ với Hương Thơm lại bắt đầu từ đầu. Trong khi đó các bạn của cô đã ổn định, có "chỗ đứng", bậc lương cũng cao hơn dù cùng ra trường. Những lúc như thế cô thấy nản chỉ muốn bỏ về quê nhưng nghĩ đến gia đình, đặc biệt là người cha nên cô phải cố gắng bước tiếp.

"Ngấm vào da thịt thì không dứt ra được"

NSND Hương Thơm chia sẻ: "Ai đã theo nghiệp tuồng thì rất vất vả, thu nhập eo hẹp hơn so với các ngành nghệ thuật khác. Nếu không dành một tình yêu thực sự với nghề và sự đam mê nhưng phải cháy bỏng và chấp nhận hy sinh thì tôi khó mà gắn bó được với môn nghệ thuật này".

Phòng khách của gia đình Hương Thơm nhỏ nhưng cơ man bằng khen, giải thưởng, phần thưởng cùng một cái tủ khá lớn để lưu trữ tài liệu. Trong số tài liệu cô lưu lại có một chiếc đầu chạy băng cũ kỹ và nhiều cuốn băng "to kệch" mà ngày nay ít ai còn nhớ, ghi lại những vở do cô diễn và những người nghệ sĩ tên tuổi.

NSND Hương Thơm bảo: "Đây là những giá trị vô giá mà tôi đã lưu giữ và sưu tập từ khi gắn bó với nghiệp tuồng". Có lẽ vì yêu tuồng, tài năng cộng với sự phấn đấu, tập luyện không biết mệt mỏi đã mang về cho Hương Thơm nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng Đào Tấn, 4 huy chương vàng, Diễn viên suất sắc và đặc biệt vừa qua cô được công nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Cùng với bằng khen, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước như Huân chương lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

Không chỉ đảm nhận vai trò là một người nghệ sĩ, một diễn viên mà NSND Hương Thơm còn là chủ tịch công đoàn nhà hát Tuồng Trung ương nên cô hiểu được phần nào cuộc sống của những nghệ sĩ tuồng. Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống, nghệ sĩ Hương Thơm nói rằng, đã theo nghiệp tuồng hầu như không thể làm thêm ở ngoài. Bởi khán giả thích tuồng chỉ đếm trên đầu ngón tay nói chi là mời cá nhân đi diễn, trong khi nghệ sĩ tuồng đi diễn phải cả một ê-kíp. Để có thêm thu nhập, một vài nghệ sĩ trẻ đi hát nhạc đỏ, nhạc trữ tình ở những quán bar, quán cafe.

Cuộc sống hiện tại của NSND Hương Thơm yên ấm hay tạo hóa ưu ái cho cô trẻ lâu. Dù sắp bước sang tuổi 50 nhưng cô còn khá trẻ nếu không nói chúng tôi khó mà đoán tuổi. Cô cười, nói: "Nhiều người khen tôi trẻ có lẽ bởi tôi sống vô tư và thoải mái". Cô gặp và kết duyên với nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam ở đoàn tuồng Nam khi mới ra trường. Hiện tại cuộc sống vật chất của gia đình NSND Hương Thơm "bình thường" nhưng cô có một mái ấm hạnh phúc với hai con, một trai, một gái và người chồng hết mực yêu thương, biết cảm thông và chia sẻ.

NSND Hương Thơm chia sẻ: "Thành công của tôi hôm nay có phần rất lớn của chồng, nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam. Tôi rất may mắn đã gặp được anh ấy cũng làm nghệ thuật nên hiểu và cảm thông với nghề. Anh ấy luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi phát huy tài năng nghệ thuật và hoạt động xã hội. Trong những lần đi lưu diễn hay công tác mọi công việc ở nhà từ chăm lo con cái, cơm nước, giặt giũ đến đón con, tất tần tật mọi việc đều tự tay anh ấy làm...".

Thiên Vũ