Thầy giáo khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt

Thầy giáo khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phong trào "Nghìn việc tốt" đã ra đời và phát triển, không chỉ được các em thiếu nhi mà toàn dân cùng hưởng ứng. Gặp lại "cha đẻ" của phong trào này Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Đức Thìn (sinh năm 1940, khu phố Hạ, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Tuổi cao, sức yếu nhưng tâm hồn rất thanh niên

Có mặt tại nhà riêng của Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Đức Thìn đã vào quá ngọ nhưng thầy vẫn đang cùng một người học trò của mình cặm cụi bên chiếc máy tính để biên tập và sửa lỗi cho cuốn sách tập hợp các hoạt động của phong trào "Nghìn việc tốt" từ khi ra đời đến nay.

Vừa sửa bản thảo cho cuốn sách "Nghìn việc tốt", các ngón tay bị co quắp của thầy phải cố giữ chặt chiếc bút, gõ lên từng phím chữ. Đây là di chứng của căn bệnh phong quái ác mà thầy gặp phải năm 1978. Toàn bộ thần kinh ngoại biên của thầy bị liệt, chân, tay mất cảm giác hoàn toàn, không thể lao động. Sau 4 năm điều trị tại trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), trở về, một bàn tay của thầy đã bị co quắp, ngón thì cụt, ngón thì co vào, rất khó để cầm, nắm các đồ vật. Tuy vậy, mấy chục năm qua, thầy vẫn dạy học, vẫn gõ bàn phím máy tính, vẫn viết sách, chép lại sử của quê hương Từ Sơn.

Thầy bảo: "Viết phấn trên bảng thì phải cho phấn vào cái bút dài, nếu không thì ngón tay sẽ bị quệt vào bảng rất đau. Chính những người bệnh là người khát vọng sống hơn ai hết. Bệnh về thể xác có thể chữa khỏi nhưng bệnh tâm hồn thì nguy. Muốn gõ phím máy tính phải dùng đầu bút.

Bệnh tật không quật ngã được nghị lực của một người luôn tin yêu cuộc sống, luôn có tâm hồn trẻ trung, hăng hái. Ngay trong thời gian 4 năm điều trị tại trại phong Quỳnh Lập, ngoài việc ngày ngày tập luyện từng động tác để tay chân bớt liệt, ông giáo Thìn còn mở trường dạy học cho 152 em nhỏ đang theo cha mẹ sống trong trại phong. Ngôi trường mang tên người anh hùng Lê Văn Tám. Tại đây, ông giáo Thìn đã cùng với những nhà giáo khác chung cảnh ngộ dạy dỗ các em. Thầy còn là Hiệu trưởng kiêm Tổng phụ trách đội trại phong của trường.

Xã hội - Thầy giáo khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt

NGND Nguyễn Đức Thìn trong cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

"Khi mới chữa khỏi bệnh phong, cả xã hội vẫn có thành kiến rất lớn, tôi nghĩ mình phải chiến thắng chính mình. Ngay say đó, tôi có tham gia vào tạp chí Đồng hành để xóa bỏ đi những suy nghĩ thiếu hiểu biết, không khoa học của mọi người về bệnh hủi", NGND Nguyễn Đức Thìn tâm sự.

Tuổi cao nhưng thầy lúc nào cũng say mê công việc, trong gian phòng chừng hơn chục mét vuông, ngoài chiếc máy tính, chiếc bàn nhỏ là cơ man những sách. Mải miết đọc, soát lỗi, sửa thông tin cho cuốn sách sắp xuất bản, thi thoảng, ông giáo già lại quay về phía chúng tôi nói với: "Tớ bận quá, các cậu chờ tớ sửa nốt rồi ta trò chuyện". Ngoài ra, một vài đồ vật mà lúc nào ông giáo ấy cũng mang bên mình là chiếc máy quay và máy ảnh để ghi lại mọi thời điểm đáng nhớ xung quanh phong trào "Nghìn việc tốt".

Vừa trò chuyện, thầy vừa phải tập trung cao độ cho việc sửa bản thảo mau hoàn tất. Ấn tượng nhất với chúng tôi là trên gương mặt thầy lúc nào cũng nở nụ cười mãn nguyện. Vừa lấy tấm thẻ Thanh niên tích cực năm 1959 từ một trong số đồ vật xưa còn giữ, thầy bảo: "Sức có thể già, tuổi có thể cao nhưng tâm hồn, ý chí của tôi vẫn rất thanh niên".

"Nghìn việc tốt" và phép tính đời

Vừa lật giở lại những bức hình xưa về từng việc nhỏ mà các bạn thiếu nhi thi đua theo phong trào, NGND Nguyễn Đức Thìn bồi hồi nhớ lại: "Phong trào "Nghìn việc tốt" được khởi xướng trên quê hương Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh). Sáng chủ nhật ngày 24/3/1963, thầy trò trường cấp II Liên Sơn (nay là trường THCS Tam Sơn) đi trồng cây, vừa đi vừa hát. Lúc họp tổng kết và biểu dương kết quả của các bạn nhỏ, tôi đã phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", gọi tắt là "Nghìn việc tốt".

Ngay sau đó, nghìn việc tốt lập tức trở thành phong trào Thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi, khuyến khích phát triển. Một trong những phong trào thi đua "Nghìn việc tốt" được các bạn nhỏ hưởng ứng mạnh mẽ như bớt ăn, góp gạo nuôi quân chống giặc Mỹ xâm lược; nuôi gà gửi ra chiến trường; cùng làm vệ sinh sạch làng, tốt ruộng; cùng học giảng bài toán trên lưng trâu; xay lúa gạo giúp gia đình có người đi đánh giặc Mỹ...”.

Ở thời kỳ đầu của phong trào thi đua, ông giáo Thìn đã dùng cả những phép tính số học để đề ra một phép tính đời, phép tính dạy các em làm người: Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng, nhân yêu thương/ Chia niềm thông cảm". Tổ chức cho các em thiếu nhi trên khắp cả nước thi đua làm nghìn việc tốt, ông giáo ấy chỉ tâm niệm đó là việc làm khoa học, nhân đạo và hợp với tâm sinh lý trẻ nhỏ.

Là người thổi hồn và trực tiếp giữ lửa của phong trào "Nghìn việc tốt", ông giáo già ấy lúc nào cũng cố gắng vượt lên chính mình. Khi được hỏi phong trào "Nghìn việc tốt" được giữ lửa bằng cách nào, ông giáo già niềm nở: "Phong trào đã phát là động, đã làm là hăng. Mỗi ngày làm một việc tốt lại đi đôi với mỗi ngày một vần thơ. Tôi nuôi dưỡng phong trào này bằng chính sự lãng mạn của tinh thần".

Lấy người tốt, việc tốt để biểu dương, xây dựng con người mới, xóa bỏ dần những thói hư tật xấu. Thiếu nhi đã tự nguyện thực hiện, thật thà báo công để được tập thể ghi nhận là cháu ngoan Bác Hồ, một danh hiệu trìu mến, thân thương mà rất cao quý về tinh thần. Chẳng thế mà khi NGND Nguyễn Đức Thìn phụ trách những cháu ngoan Bác Hồ của Việt Nam đi dự đại hội ở Berlin (Đức) năm 1971, nhiều thiếu nhi Đức, Pháp đã đến xin bắt tay và nói: "Chúng em cũng thi đua thực hiện 5 điều tốt để được là cháu ngoan Bác Hồ".

Đến bây giờ, phong trào "Nghìn việc tốt" đã được kiểm nghiệm qua nửa thế kỷ, có tác dụng lớn lao trên quê hương Tam Sơn, làm rạng ngời truyền thống văn hiến, hiếu học và cách mạng. Phong trào nhanh chóng lan rộng, thiếu nhi cả nước cùng thi đua làm nghìn việc tốt. Rất nhiều thế hệ đã trở thành gương sáng cho các em noi theo.

Tháng 3/2008, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày phát động phong trào "Nghìn việc tốt", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: "Phong trào "Nghìn việc tốt" sẽ đẩy mạnh bằng nhiều cách làm, nhiều hình thức mới sinh động, sôi nổi và trở thành nét đẹp hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi, với toàn thể trẻ em Việt Nam".

Năm 1985, thầy giáo Thìn đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Thầy cũng là một trong số những người báo cáo điển hình trong Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1986). Năm 1988, thầy Nguyễn Đức Thìn được phong tặng danh hiệu NGND đợt I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Nhì, được bộ GD&ĐT trao tặng huy chương Vì sự nghiệp GD&ĐT, Trung ương Đoàn tặng huy chương Vì thế hệ trẻ...

Là người lúc nào cũng bừng bừng hào khí thanh niên là thế nhưng khi chúng tôi nhắc đến phong trào thi đua của thiếu nhi cả nước ở hiện tại, ông giáo già ấy không khỏi thoáng buồn. Thầy bảo, hiện nay các thế hệ sau dường như phai nhạt dần về mặt lý tưởng. Khi các em không giữ được lửa, để tắt thì việc thắp lại vô cùng khó khăn, không chỉ riêng gì trong phòng trào "Nghìn việc tốt" của thiếu nhi mà trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hơn 70 tuổi, ông giáo già vẫn cần mẫn với vô vàn công việc. Hiện NGND Nguyễn Đức Thìn đang là tổ trưởng trong tiểu ban Tuyên truyền khu di tích Đền Đô, ông là người trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan. Cảm phục hơn khi ròng rã 20 năm, ông cần mẫn chép lại sử làng để cho ra đời cuốn "Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô" với hơn 300 trang mang nhiều ý nghĩa lớn. Bên cạnh đó, ông giáo già ấy đã viết tự truyện "Chuyện cuộc đời" dày 400 trang và được dựng thành phim khoa học tài liệu.

Nhiều thanh thiếu niên trên cả nước đã biết, quý trọng và nể phục những sáng kiến, tâm huyết của ông giáo già trường làng năm ấy - một tấm gương vượt lên chính mình đáng nể phục.

Yến Dương