Thi hành pháp luật còn nhiều lúng túng, bất cập

Thi hành pháp luật còn nhiều lúng túng, bất cập

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
– Tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức xem xét, nghiên cứu Bộ Công cụ đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước.

Theo ông Đỗ Đình Lương (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp), một trong những bất cập của công tác theo dõi thi hành pháp luật hiện nay là hoạt động này còn có xu hướng tách rời, chưa thực sự gắn bó với quá trình xây dựng pháp luật và góp phần hoàn thiện pháp luật. Thế nên, nhiều vướng mắc do quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khiếm khuyết còn chưa được các bộ, ngành phát hiện, xử lý kịp thời.

Vậy mà các hướng dẫn được quy định trong Thông tư số 03/2010 của Bộ Tư pháp để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện công tác đánh giá tình hình thi hành pháp luật còn rất hạn chế. Nhất là tiêu chí giúp định hướng thu thấp thông tin, phục vụ cho việc đánh giá còn rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng - Ông Lương cho hay.

Nhịp sống - Thi hành pháp luật còn nhiều lúng túng, bất cập

Hội thảo đánh giá việc thi hành pháp luật. Ảnh: Phan Chính

Trước đó, các nội dung theo dõi, đánh giá được quy định trong Thông tư số 03/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp để hướng dẫn các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL mới chỉ được xem là “giải pháp tình thế” và còn rất nhiều hạn chế, nhất là “các tiêu chí giúp định hướng thu thập thông tin, phục vụ cho việc đánh giá còn rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng”. Kết quả đánh giá tình hình THPL của các Bộ, ngành, địa phương do vậy - còn nặng tính chủ quan, chưa có sức thuyết phục cao, ngay cả Bộ Tư pháp vẫn còn lúng túng.

Theo TS Dương Thị Thanh Mai - Chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp - nói: “Thi hành pháp luật là quá trình gắn liền không thể tách rời với xây dựng pháp luật, xem bản thân ý tưởng của người làm luật được thể hiện như thế nào trong cuộc sống, có đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hay không. Từ đó quay lại hoàn thiện bổ sung pháp luật”.

Xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên “nhân dân phải là người đánh giá quan trọng nhất về hiệu quả THPL của cơ quan nhà nước, xem có xứng đáng với vai trò nhân dân đã giao phó hay không” – TS Mai nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, một số tiêu chí đánh giá hiệu quả THPL của cơ quan nhà nước đã được TS Mai đề cập đến như: Mức độ tôn trọng và bảo đảm trên thực tế các quyền tự do cơ bản của công dân, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; mức độ kịp thời, không chậm trễ và dứt điểm; mức độ công khai, minh bạch, dễ tiếp cận; khả năng phát hiện, phản hồi những bất cập của pháp luật từ quá trình THPL của cơ quan hành chính nhà nước…

Phan Chính