“Thủ phạm” gây ngộ độc tiêu hóa và nguy cơ ung thư

“Thủ phạm” gây ngộ độc tiêu hóa và nguy cơ ung thư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
– Trước khi đưa vào chế biến món ăn, các thực phẩm bẩn, không bảo đảm ATVSTP sẽ được đem ngâm trong dung dịch hóa chất vô cùng độc hại. Thông thường, để tạo độ dai, giòn, người ta sử dụng chất borax hoặc hóa chất có gốc phốt phát – thủ phạm gây ngộ độc tiêu hóa và ung thư.

Hàng loạt vụ bắt giữ nội tạng thối trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Làm sao có thể không lo ngại khi thực phẩm thối có thể trà trộn vào bất cứ món ăn nào, từ món lẩu khoái khẩu, đĩa lòng lợn buổi sáng đến những bát phở ngọt nước xương...

Theo ông Lê Mạnh Hùng, đội trưởng Đội QLTT số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) thì nhiều lô hàng đã bốc mùi hôi thối nồng nặc khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ. Số hàng này nếu "lọt lưới" và tuồn ra ngoài thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho người tiêu dùng. "Để xử lý những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối, các quán ăn, nhà hàng thường dùng hóa chất tẩy mùi, tẩy trắng để biến thịt ôi thành thịt tươi như mới, rồi dùng phụ gia, phẩm màu, gia vị nồng độ thật nặng để chế biến thành các món ăn mà người tiêu dùng rất khó nhận ra", ông Hùng cảnh báo.

Một chuyên gia về vệ sinh thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cũng cho biết những nguyên liệu như đuôi trâu, bò thường sẽ được dùng chế biến trong các món lẩu. Còn móng heo, móng bò, móng trâu thường dùng nấu lấy nước súp, nước lẩu. Các phủ tạng thì được chế biến làm các món nhậu tại các nhà hàng. Các sản phẩm này trong quá trình vận chuyển, không đảm bảo ATVSTP khiến thịt, nội tạng, móng bị hư, hôi thối... sẽ sinh ra nhiều độc tố, gây hại cho sức khỏe.

Xã hội - “Thủ phạm” gây ngộ độc tiêu hóa và nguy cơ ung thư

Một lô hàng thực phẩm nhập lậu bị quản lý thị trường phát giác.

Trước khi đưa vào chế biến món ăn, các thực phẩm nêu trên sẽ được đem ngâm trong các dung dịch hóa chất vô cùng độc hại. Thông thường, để tạo độ dai, giòn, người ta sử dụng chất borax hoặc hóa chất có gốc phốt -phát. Chất borax thường được dùng trong ngành hàn kim loại. Đó là chất bột trắng để giúp hạ điểm chảy trong quá trình hàn. Hóa chất này khi vào cơ thể người sẽ làm phân hủy tế bào, gây dị dạng tế bào.

Còn chất tẩy trắng thường là H2O2 hoặc NaClO. Đây là chất tẩy dùng trong công nghiệp, cũng không kém phần độc hại. Chất này vào cơ thể người sẽ tạo gốc tự do phân hủy tế bào, gây hại cho cả hệ thống tiêu hóa. Một số loại màu công nghiệp được những gian thương dùng để tẩm ướp thực phẩm, còn gây ra nhiều chứng ung thư, nhất là ung thư gan...

Khi đã qua bàn tay phù phép của các gian thương thì việc phân biệt được đâu là thịt mới, thịt ôi, theo nguyên cục trưởng Cục ATVSTP Trần Đáng, cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Theo ông Trần Đáng thì thịt để lâu, bốc mùi hôi thối nhưng sau khi rã đông, ngâm hóa chất vào khoảng 10 tiếng đồng hồ, thịt sẽ trở nên trắng tươi như khi vừa mổ xong. Thịt để trong tủ cấp đông lâu ngày có màu sẫm, tái hoặc lên mốc meo, vẫn có thể bảo quản tiếp một thời gian dài nữa bằng cách ngâm hàn the cho thịt tươi và giòn hơn. Khi ăn, khó ai ngửi được mùi hóa chất, cũng như phân biệt được đâu là thịt mới, đâu là thịt cũ. "

Từ trước đến nay, mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều về mức độ nguy hiểm của thực phẩm như lòng lợn, tiết canh nhưng dường như người dân vẫn không để tâm. Các loại nội tạng bày bán tràn lan, chưa được kiểm dịch, tiềm ẩn những nguy hại khó lường đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, nội tạng để lâu dù là qua đông lạnh vẫn có thể biến chất, sinh ra những độc tố, nhiễm vi sinh, vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc, nguy cơ ung thư hoặc tử vong cho người sử dụng. Nó không chỉ gây tác hại cho chúng ta mà có thể còn kéo dài đến cả đời con cháu", ông Trần Đáng nói.

VC - ML