Thực hư chuyện chữa bệnh bằng thôi miên xôn xao dư luận

Thực hư chuyện chữa bệnh bằng thôi miên xôn xao dư luận

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
– Muốn được tiếp cận với phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên, người bệnh phải bỏ ra số tiền không nhỏ lên tới cả chục triệu đồng mỗi ngày. Vậy thực chất hiệu quả của phương pháp trị bệnh này đến đâu và nó có những ngoại lệ hay khuyến cáo gì?

Gần đây, dư luận đang xôn xao về phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên. Đây được coi là một phương pháp chữa bệnh khá mới mẻ tại Việt Nam và đặc biệt nó còn có mức phí điều trị cao ngất ngưởng.

Theo Ths. Nguyễn Mạnh Quân, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm – Trí, thôi miên là phương pháp chữa bệnh dành cho dân V.I.P. Nếu như có một người nghèo đến đây nói: “Tôi bị bệnh, xin chữa cho tôi bằng thôi miên” thì “quên đi”, không có chuyện đó đâu. Đến đây người nghèo khó có thể “chịu” được mức phí chữa bệnh đắt đỏ (khoảng 1.000 USD/ngày. Một ca chữa hoàn chỉnh mất khoảng trên dưới 10 buổi chữa bệnh) – thông tin trên GDVN.

Xã hội - Thực hư chuyện chữa bệnh bằng thôi miên xôn xao dư luận

Một buổi chữa bệnh bằng thôi miên của Ths. Nguyễn Mạnh Quân (Ảnh: ANTĐ)

Có thể thấy, muốn được tiếp cận với cách chữa bệnh này, người dân phải bỏ ra số tiền không nhỏ lên tới cả chục triệu đồng mỗi ngày. Vậy, thực chất hiệu quả của phương pháp trị bệnh này đến đâu và nó có những ngoại lệ hay khuyến cáo gì?

Thông tin trên GĐXH, TS. Trần Viết Nghị - viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia: Thôi miên là một liệu pháp điều trị tâm lý trực tiếp. Thầy thuốc tác động vào tâm thần người bệnh chủ yếu bằng lời nói, gây cho bệnh nhân một trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, trung gian giữa thức và ngủ.

Trong trạng thái thôi miên, nhiều khu vực vỏ não của bệnh nhân bị ức chế, nhưng khu vực liên quan đến phân tích lời nói vẫn tỉnh táo và được gọi là “Điểm cảnh tỉnh”- Theo đó, bệnh nhân có thể tiếp thu, thực hiện những chỉ thị của thầy thuốc thông qua ám thị (lời nói của nhà thôi miên). Thầy thuốc dùng ám thị để bệnh nhân hiểu rõ thực chất bệnh trạng của mình và giúp cho bệnh nhân cách “thanh toán” bệnh. Ngoài việc điều trị bằng liệu pháp thôi miên còn có các phương pháp phụ trợ là dùng các thuốc kích thích, châm cứu, bấm huyệt, điện châm...”.

Cũng theo Tiến sĩ Nghị, khi được thôi miên bệnh nhân có trạng thái mệt mỏi, nặng nề, buồn ngủ và dần dần bệnh nhân đi vào giấc ngủ thôi miên. Trong giấc ngủ ấy, thầy thuốc dùng lời nói ám thị cho bệnh nhân để làm mất các triệu chứng chức năng như tê, liệt, câm, run... Các lĩnh vực thôi miên có thể can thiệp được rất đa dạng: Chữa, giảm, cắt các cơn đau và đau mãn tính, rối loạn sợ hãi, lo âu, trầm cảm, loại bỏ những thói quen xấu, đau mãn tính, ám ảnh cưỡng chế, cai thuốc... đến làm đẹp tóc da, cải thiện đời sống tình dục.

Theo ông Phạm Vũ Khánh - vụ trưởng Vụ Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), thôi miên chữa bệnh là phương pháp còn rất mới ở Việt Nam, nhưng tại các nước châu Âu như Nga, Đức, Pháp lại khá phổ biến. Hiện thôi miên đã được nghiên cứu sâu dưới dạng y học hiện đại nhưng nó không phải “thần pháp” để chữa bách bệnh nên tuyệt đối không được lạm dụng. Bất kể một phương pháp điều trị nào cũng có những biến cố nhất định. Để giảm và tránh các biến cố xảy ra, bệnh nhân phải tuân thủ đúng chỉ định và chống chỉ định của bác sỹ.

PGS - TS Võ Văn Bản (phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp) là một trong những chuyên gia hàng đầu về thôi miên ở Việt Nam đưa ra bình luận: Trên thế giới có nhiều liệu pháp tâm lý đang thịnh hành, trong đó có thôi miên. Nhưng nếu áp dụng tại nước ta thì cần phải xây dựng một số liệu pháp tâm lý phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, hoàn cảnh văn hóa, môi trường sống của người Việt Nam.

“Phương pháp này chống chỉ định với những người trong các trạng thái loạn thần cấp và mạn, các bệnh thực tổn, cơn động kinh, chậm phát triển và sa sút trí tuệ... Mặt khác, mọi người luôn phải cảnh giác, trước tất cả mọi việc, nên nghi vấn, phải đặt ra câu hỏi, không được dễ dàng tin những điều gì chưa rõ ràng” – ông Bản cho biết thêm.

“Phương pháp này chỉ có tác dụng tức thời, chỉ phù hợp với một số đối tượng. Còn về lâu dài thì nó không có tín hiệu để mở công năng nên không thể chữa lành được tất cả mọi bệnh tật. Tôi cho rằng, phương pháp này không thực sự an toàn và chưa thể hiện hết tính khoa học. Những ai yếu thần kinh thì không nên áp dụng, những ai có khả năng thiền định và khí công thì cũng không nên đi chữa bằng thôi miên” - bác sỹ Nguyễn Văn Thắng - trưởng khoa Giải phẫu tế bào BV Thanh Nhàn - Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo.

Xuân Hà (tổng hợp)