Thực hư chuyện “Ma cà rồng” ở vùng sơn cước

Thực hư chuyện “Ma cà rồng” ở vùng sơn cước

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
"Ban ngày thì nó là người bình thường, nhưng ban đêm nó biến thành ma đi hút máu người".

Tưởng rằng những câu chuyện về ma cà rồng chuyên đi hút máu người chỉ có trong phim kinh dị, ai ngờ nay giữa thế kỷ XXI, nhiều người dân sinh sống tại xã Xuân Sơn (xã Xuân Đài, huyện Tân Phú, tỉnh Phú Thọ) vẫn truyền tai nhau những câu chuyện rùng rợn về ma cà rồng xảy ra tại địa phương.

Thông tin ma cà rồng chỉ là tin đồn thất thiệt tại huyện miền núi Tân Sơn

Lời đồn rợn tóc gáy

Một người dân ở Tân Sơn cho biết: "Tôi có nghe đến chuyện ma cà rồng ở xã Xuân Sơn. Ban ngày thì nó là người bình thường, nhưng ban đêm nó biến thành ma đi hút máu người. Nghe nói có cả dòng họ là ma, nó “ăn hang ở lỗ”, sinh sống cạnh suối, đến mùa nước lớn nó vào làng để hút máu người, bắt trộm gà qué".

Một người dân ở xã Xuân Sơn cho biết: Vì xã nằm trên đỉnh đồi nên không khí ở đây bất thường, trong cùng 1 ngày lúc thì lạnh căm căm nhưng lúc lại có ánh nắng rọi. Vùng hẻo lánh này trông giống như những khu rừng thời nguyên thủy. Những thân cây lớn có dây leo, những cây dương xỉ khổng lồ. Mặc dù mới hơn 4h chiều nhưng vì không khí ở đây rất âm u nên trời như sắp tối.

Một cụ già nơi đây cho biết, cụ từng nghe nhiều chuyện về ma cà rồng nhưng đó là những chuyện thời xa xưa, ngày nay người ta chỉ kể để "dọa trẻ con". Theo lời đồn ngày trước, ma cà rồng là "bệnh" thường có trong cả một gia đình hoặc dòng họ. "Tôi còn nghe nói ngày trước có cả 1 làng toàn là ma cà rồng, nhưng thực tế như thế nào thì không ai biết được", cụ nói.

Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn xác nhận, chuyện "ma cà rồng" ở địa phương đều là những câu chuyện truyền miệng từ xưa để lại. "Ngày xưa tôi cũng có nghe các cụ nói về ma cà rồng đi hút máu người. Bây giờ lời đồn vẫn còn tồn tại, nhưng thực tế thì đó là lời đồn nhảm, chưa từng phát hiện trường hợp nào là "ma".

Ông giải thích, lời đồn tai hại này đã có một số tác hại đến đời sống tâm linh người dân địa phương, thế nên ở vùng này từ ngày xưa đã có tục khi người phụ nữ đẻ, phải treo một túi ớt tươi ở trước cửa nhà.

"Theo quan niệm của các cụ, túi ớt này vừa thông báo với người lạ là nhà có người đẻ, vừa ngăn được ma cà rồng vào nhà để hút máu người vì người xưa cho rằng ma cà rồng sợ ớt nhất trên đời".

Ngày xưa, cũng vì những đồn đại này mà địa phương còn có tục lệ cực kỳ khác lạ khác: Không bao giờ người ở nơi khác đến chơi mà ngủ lại ở địa phương qua đêm vì theo quan niệm mê tín ngày xưa, "ma cà rồng" thích "xơi" người lạ. Ngày ấy, nếu có người lạ đến chơi, ban ngày thì không sao nhưng cứ đến buổi tối thì chủ nhà lại phải đóng chặt cửa, bố trí người thay nhau canh gác suốt đêm.

Một số người địa phương đến nay còn hay lan truyền những lời đồn nhảm nhí như khi không có người lạ hay bà đẻ để hút máu, ma cà rồng chuyển sang đi ăn những con vật có mùi tanh như ếch, nhái. Rồi chuyện có khi hai vợ chồng đang ngủ, ma cà rồng chồng tỉnh giấc, đi ra ngoài đồng bắt ếch nhái ăn sau đó về nhà uống nước vo gạo trong những chiếc lu, khi ăn uống xong, nó nôn ra toàn ếch nhái... "Thế nhưng những lời đồn nhảm nhí đó giờ chẳng ai tin. May ra chỉ có hiệu quả khi dùng để... dọa trẻ con", ông Lâm cho biết.

Chỉ là lời đồn nhảm nhí

Trao đổi với báo Người đưa tin, ông Bùi Văn Huấn, Phó Chủ tịch huyện Tân Sơn cho biết: "Đã nhiều năm công tác tại địa bàn nhưng tôi chưa bao giờ nghe thông tin về chuyện ma cà rồng ở đây. Tôi nghĩ, ma cà rồng chỉ là một tin đồn thất thiệt của những người mê tín dị đoan”. Theo ông Huấn, ngày trước trình độ dân trí của một số người còn hạn chế nên mới sinh ra những tin đồn thất thiệt nêu trên.

Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch xã Xuân Sơn: "Tôi sống ở đây 50 năm rồi nhưng chưa biết "mặt ngang mũi dọc" ma cà rồng như thế nào"

Cũng theo ông Huấn, câu chuyện về ma cà rồng đi hút máu người là thuộc về truyền thuyết của người dân tộc Mường sinh sống tại địa bàn. Tuy nhiên truyền thuyết ngày xưa thì vẫn là truyền thuyết. Ông khẳng định: "Giờ tại địa phương này, tôi khẳng định không có ma cà rồng".

Ông Huấn tiết lộ: "Ngày trước ở xã Đồng Sơn cũng thuộc huyện Tân Sơn có tin đồn về trăn nuốt bò. Nhưng rồi có phải thế đâu, tất cả chỉ là những tin đồn nhảm nhí được người dân truyền tai nhau".

Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch xã Xuân Sơn cũng nhấn mạnh: "Tôi cũng là người dân tộc Dao, sinh sống ở đây hơn 50 năm rồi nhưng chưa biết "mặt ngang mũi dọc" con ma cà rồng nó như thế nào. Các anh thử nghĩ xem, nếu có ma cà rồng thật thì những người từ nói khác đến đây lập nghiệp hay các cán bộ từ nơi xa đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn bị chúng hút máu hết rồi chứ còn đâu mà sống nữa".

Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó phòng Lao động Thương Binh xã hội huyện Tân Sơn thì "chuyện ma cà rồng tại địa bàn có thể do ngày xưa người dân tộc Mường bịa ra để dọa trẻ con. Lâu ngày những thông tin ấy bị "thêm mắm, thêm muối" thành truyền thuyết. Đến ngày nay, nhiều người cũng lấy cái thuyết đó để dọa trẻ con cho bọn chúng không dám ra khỏi nhà vào ban đêm chứ trên thực tế tôi khẳng định là không có".

Văn Chương - Xuân Lĩnh