Thực hư kho báu của vua Hàm Nghi

Thực hư kho báu của vua Hàm Nghi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Ông Nguyễn Hồng Công, người tự nhận là đã dành gần 30 năm đào, tìm vàng của vua Hàm Nghi tại Quảng Bình vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh này khẳng định đã phát hiện kho báu của vua Hàm Nghi tại xã Hóa Sơn, huyện vùng cao Minh Hóa.

Trên thực tế, trong gần 100 năm qua đã không ít những sự kiện được cho là đã tìm được một phần kho báu của vua Hàm Nghi. Những sự kiện đó đã khiến nhiều người âm thầm mở những cuộc tìm kiếm ròng rã hàng chục năm.

Con suối ở Hóa Sơn gắn với sự kiện người dân vớt được vàng được cho là của vua Hàm Nghi vào năm 1956

Tấm bảng với những chú thích lạ

Theo sử sách, trước khi Hàm Nghi lên ngôi một năm, tháng 8/1883, Pháp đã đưa tàu chiến vào Thuận An và nhanh chóng chiếm cứ cửa biển này, từ đó kéo quân xộc thẳng về kinh đô và đồn trú ngay trên đất Huế. Ngày 23/5/1885, Tôn Thất Thuyết đã hạ lệnh đánh úp quân Pháp đồn trú tại kinh đô. Không thắng nổi đạo quân thực dân với ưu thế vũ khí vượt trội, phe chủ chiến đã không ngăn được việc kinh đô thất thủ. Đêm 7/7/1885 (có tài liệu ghi là 5/7/1885), Tôn Thất Thuyết bí mật phò vua Hàm Nghi rời kinh đô rút lên căn cứ Tân Sở đã lập sẵn từ trước tại xã Bảng Sơn (nay là xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Tại Tân Sở, ngày 13/7/1885, đích thân nhà vua đã tự tay đóng ấn "Ngự tiền chi bảo" lên những tờ Hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng mọi miền đứng lên chống Pháp.

Căn cứ Tân Sở tuy được xây dựng dưới sự đốc thúc của hàng loạt trọng thần giàu kinh nghiệm và tâm huyết nhưng quy mô vẫn còn quá nhỏ, địa thế chưa đủ hiểm trở, xa xôi để cầm cự lâu dài. Bị Pháp truy đuổi gắt gao, Tôn Thất Thuyết lại tiếp tục phò giá Hàm Nghi vượt lên phía thượng ngàn miền Tây Quảng Trị, nay ở Đắkrông, sang Hướng Hóa, rồi vượt sang tạm lánh tại Châu mường Mahasay của Lào. Khi Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần Vương khởi nghĩa, lập xong căn cứ Vụ Quang, vua Hàm Nghi lại vượt biên giới về đóng tại căn cứ núi ấu (Hương Khê, Hà Tĩnh). Thực dân Pháp đuổi riết, đoàn tùy tùng lại tiếp tục hộ giá hoàng đế vượt đèo Quy Hợp vào đất Tuyên Hóa (Quảng Bình), có thời gian hạ trại tại chân núi Mã Cú, nay thuộc địa phận xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình).

Sau 3 năm bôn tẩu, quân hao, lực cạn, Tôn Thất Thuyết đành mang ấn "Ngự tiền chi bảo" để làm tin sang Trung Quốc cầu viện vua Thanh trợ giúp và vĩnh viễn không trở lại. Ngày 26/9 năm Mậu Tý (1888), sự biến xảy ra, một kẻ manh tâm là Trương Quang Ngọc đã làm phản, dẫn binh lính giết sạch đoàn hộ giá, bắt Vua Hàm Nghi dâng cho giặc.

Ngay sau khi bắt được vua Hàm Nghi, Trương Quang Ngọc rồi sau đó là thực dân Pháp đã vội vã lục xét, đào xới khắp nơi hòng tìm cướp ngọc ngà châu báu mang theo nhưng chỉ uổng công. Không ngọc tỉ, kim ấn, không bạc nén, vàng thoi, trong người đức vua chỉ còn lại một ít bạc lẻ và vài ba tấm bản đồ trong đó có những chỗ đánh dấu nghi là một vài kho báu nào đó được chôn lại ở kinh thành và một số địa điểm khác trên vùng thượng đạo các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Vua Hàm Nghi trước sau không chịu nói nửa câu nên toàn bộ bí mật về tấm bản đồ đã vĩnh viễn theo ông vua trẻ về bên kia thế giới trên xứ người.

Những sự kiện được cho là cứ liệu thực tế về kho báu

Mặc dù sử liệu khá mơ hồ nhưng từ trước đến nay không ít những người ưa phiêu lưu vẫn lần tìm kho vàng của vua Hàm Nghi. Nhưng hầu hết những cuộc săn lùng đều mang lại kết luận: dấu vết làm chỗ dựa hầu như đều khá mơ hồ, nhuốm đầy chất huyền thoại hơn là cứ liệu tin cậy. Dù vậy, cũng xuất hiện một số sự kiện "củng cố niềm tin" cho những người đi tìm kiếm rằng kho báu vua Hàm Nghi vẫn có thể là điều có thật.

Vùng núi Mã Cú (Hóa Sơn) được cho là nơi cất kho vàng Vua Hàm Nghi

Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, một số đồng bào dân tộc Vân Kiều ở gần cầu Đắkrông (Quảng Trị), trong khi đi bắt cá khe đã tình cờ phát hiện trong một hốc cây lớn chìm dưới suối cả một kho tàng gồm toàn tiền cổ bằng vàng ròng và những thoi vàng nặng 1 lượng. Cùng thời gian này, một đoàn khảo sát của Bảo tàng Trung ương đã tình cờ phát hiện được tại bản Sê Bu (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) một chiếc áo dài màu đen, lót lụa đỏ, thêu kim tuyến và hình rồng 5 móng được cho là áo bào của vua Hàm Nghi.

Theo truyền thuyết thì trước đây, vua Hàm Nghi đã từng cởi áo bào tặng cho một người Vân Kiều tên là Ku Xin, vì đã có công giúp đỡ đoàn hộ giá. Tương tự, tại thôn 5, xã Hải Phúc (huyện Đắkrông) sát với vùng căn cứ Tân Sở, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện trong gia đình Vân Kiều một chiếc mâm đồng cổ rất lớn chạm 2 con rồng 5 móng và 5 chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.

"Tìm được kho báu của vua Hàm Nghi là hoang tưởng"

Văn bản gửi tỉnh Quảng Bình của ông Công có đoạn: "Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỷ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu".

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Ngọc Hòa, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết bản tường trình của ông thiếu cơ sở khoa học và thực tế, người gửi có biểu hiện "hoang tưởng". Tuy vậy UBND tỉnh Quảng Bình vẫn giao cho UBND huyện Minh Hóa xác minh và có hướng xử lý.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Hồng Công thông báo đã tìm kiếm được kho báu của vua Hàm Nghi. Trước đó ông Công đã hai lần gửi văn bản tới tỉnh, và năm 1987, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (lúc bấy giờ) đã đồng ý cùng ông tổ chức cuộc tìm kiếm, nhưng không có kết quả.

Theo ông Thái Xuân Bạ, nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa, những năm 50 của thế kỷ trước, bố ông tham gia dân quân xã đã từng được huy động đi thu gom vàng vua Hàm Nghi do dân xã Trung Hóa, Hóa Sơn phát hiện được. Tổng cộng có 3 nong phơi lúa tiền chữ "Đại" bằng vàng ròng, mỗi đồng nặng 12 chỉ được gom về sân nhà ông Bạ trước khi đem giao nộp cho chính quyền. Lợi dụng lúc người lớn không chú ý, ông Bạ và một số trẻ con hàng xóm đã nhón đi mỗi người khoảng 10 đồng để... đánh đáo.

Sự kiện gom được vàng này được xác định vào năm 1956. Theo người dân kể lại, bên con suối có một cây lim rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau một trận lụt lớn, cây lim đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Lũ lụt rút đi, một hôm có hai vợ chồng người dân tộc đi đánh cá ở chỗ gần cây lim bị lũ quật đổ, họ vớt lên được nhiều đồng tiền hình tròn có màu vàng lạ nên mang về bản gọi nhiều người đến xem. Sau khi khẳng định đó là đồng tiền vàng, mọi người mới hè nhau mang rổ rá đi vớt, thu được cả tạ. Sau đó được chính quyền vận động, dân chúng đã tự nguyện đem nộp lại toàn bộ cho Nhà nước. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng có thể Vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây lim đại thụ nọ. (?)

Vào giữa tháng 4/2003, một đám trẻ chăn trâu đã tình cờ phát hiện tại hang Lèn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) một chiếc tráp gỗ, bên ngoài khắc chữ cổ và hoa văn nhũ vàng rất đẹp. Bên trong tráp có một quả cam bằng kim loại màu đen, hai lư hương bằng đồng và 2 chìa khóa kiểu cổ. Những đứa trẻ này vô tư đưa các vật nói trên về nhà chơi. Một thanh niên trong làng phát hiện đã lừa đám trẻ em lấy mất quả cam màu đen. Vì vậy không ít người cho rằng rất có thể những đồ cổ nói trên chính là một phần trong số tài sản của kho báu vua Hàm Nghi, bởi theo sử liệu, xã Văn Hóa thuộc vùng căn cứ cũ của nghĩa quân Cần Vương. Trên đường bôn tẩu, vua Hàm Nghi cũng có ghé lại đây một thời gian ngắn.

Bình Quang