Thương nhân bỏ cả đời thờ tự... những ngôi mộ “mồ côi”

Thương nhân bỏ cả đời thờ tự... những ngôi mộ “mồ côi”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Có một cặp vợ chồng là thương nhân ở Nam Định đã thể hiện tấm lòng nhân ái của mình bằng việc từ thiện cho "cõi âm": Tự bỏ tiền tìm kiếm, xây cất và thờ tự những ngôi mộ vô chủ.

Đó là vợ chồng ông Lâm Văn Tuyến và bà Nguyễn Thị Dịu ở thôn Tân Lý (Trực Hùng - Trực Ninh - Nam Định).

Nỗi ám ảnh từ những ngôi mộ vô danh

Ông Lâm Văn Tuyến sinh năm 1955 trong một gia đình nhà nông nghèo, cha mẹ mất sớm. Ông Tuyến nhớ lại: "Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm, bố mất sớm nên mấy anh em phải tự bươn chải với đồng ruộng từ bé. Mỗi lần đi cày, bừa là tôi lại vướng phải những ngôi mộ vô danh nằm rải rác trên các cánh đồng.

Nhiều đêm về bị ám ảnh tới nỗi không ngủ được, biết đâu trong số những ngôi mộ đó lại có tổ tiên họ hàng nhà mình từ xưa. Tuy nhiên ngày đó chỉ thương cảm thế thôi vì bản thân mình còn phải chạy ăn từng bữa, chỉ tự nhủ bao giờ có điều kiện sẽ làm một điều gì đó để an ủi những linh hồn lang bạt đó"

Xã hội - Thương nhân bỏ cả đời thờ tự... những ngôi mộ “mồ côi”

Ông Lâm Văn Tuyến.

Khi ông Tuyến lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dịu, hai ông bà đã quyết định bắt tay vào công việc kinh doanh với khao khát mãnh liệt là thoát khỏi cảnh theo sau con trâu, cái cày.

Ông bà bắt đầu từ một nghề buôn nhỏ, đó là ngày ngày rong ruổi theo xe công nông thu mua bao dứa về bện chão thừng cung cấp cho người dân đi đánh bắt hải sản. Sau những tháng ngày vất vả, ông bà Tuyến cũng đã có được một cơ sở sản xuất sợi cước tơ đan lưới, bện chão thừng đầu tiên của huyện Trực Ninh.

Công việc kinh doanh thuận lợi nên họ tiếp tục phát triển cơ sở sản xuất trên diện rộng, tạo việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Đến khi điều kiện vật chất đã tạm ổn, ông Tuyến lại trăn trở về những ám ảnh ở những chân ruộng năm nào. Những ngôi mộ nằm lạnh lẽo ngoài đồng ruộng không ai hương khói lại trở về trong mỗi giấc mơ của ông.

Ban đầu, vợ chồng ông Tuyến cùng các con đã bàn bạc về việc xây dựng một nhà tình thương nuôi dưỡng các cụ già neo đơn trong địa phương nhưng tính đi tính lại thì phương án này không làm ông Tuyến hài lòng lắm.

Ông nghĩ: "Xây nhà tình thương nuôi các cụ già neo đơn là một việc làm thiết thực. Nhưng khi mình chết đi ai sẽ làm tiếp những công việc ấy? Như vậy lại càng làm khổ họ hơn". Vậy là cuối cùng ông quyết định bỏ tiền túi để quy hoạch những ngôi mộ vô chủ, hóa giải niềm trăn trở của ông từ những ngày chân lấm tay bùn.

Trời cho mình bát cơm thì nên san sẻ

Ý định xây mộ cho những ngôi mộ vô danh được hoàn thành từ năm 2005 nhưng đến năm 2008 ông Tuyến mới bắt đầu thực hiện được.

Ông làm đơn xin xã cấp đất xây nghĩa trang và được UBND xã Trực Hùng ủng hộ nhiệt tình, cho phép ông tự lựa chọn địa điểm thuận lợi để xây dựng nghĩa địa. Tuy nhiên, ban đầu người đàn ông bị cho là "điên khùng" này không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương. Người ta cho rằng ông không bị điên thì cũng đang ủ mưu tính kế gì đó.

"Nhiều người trong làng còn nghĩ tôi biết được kho báu hay vàng bạc gì chôn ở khu đất đó nên mới khăng khăng làm cái việc giời ơi đất hỡi ấy. Nhưng tôi mặc kệ những lời bàn ra tán vào để quyết thực hiện cho được ý định của mình. Được xã giao đất, tôi mừng lắm. Tôi tự nhủ sẽ chứng minh cho mọi người thấy mục đích cuối cùng của vợ chồng tôi bằng hành động", ông Tuyến chia sẻ.

Xã hội - Thương nhân bỏ cả đời thờ tự... những ngôi mộ “mồ côi” (Hình 2).

Ông Tuyến bên những ngôi mộ mồ côi.

Một công việc khó khăn nữa đối với ông Tuyến lúc đó là tìm lại những ngôi mộ đã dần mất dấu, nằm rải rác khắp nơi. Ngoài việc tự tìm kiếm ông Tuyến còn nhờ xã phát động trên loa truyền thanh địa phương để tìm mộ.

Trên địa bàn xã Trực Hùng những nấm mồ vô danh rất nhiều. Có những khu khi người dân làm ruộng vô tình phát hiện cả chục ngôi mộ nằm thẳng hàng sâu dưới lòng đất.

Chính vì số lượng nhiều như vậy nên ông Tuyến phải thuê hơn chục người bạo gan trong thôn đảm trách việc bốc mộ. Họ được ông Tuyến trả lương theo số lượng ngôi mộ.

Cảm phục trước tấm lòng cao cả của ông, những người xung quanh cũng đã dần thay đổi thái độ nghi ngờ; nhiều người ủng hộ ông hơn, hễ ai thấy ngôi mộ nào là báo cho ông ngay.

Nói về những ngày đầu làm công việc "giời ơi đất hỡi" ấy, ông Tuyến cho biết: "Việc đi tìm hài cốt thật không dễ dàng chút nào. Qua mỗi vụ cày, những ngôi mộ bị mất dần, nếu ai có lòng đắp lại cũng sẽ bị xê dịch. Có khi mất cả ngày mà vẫn không tìm ra được vị trí của hài cốt.

Những hôm trời mưa tầm tã, tôi cùng mấy người bì bõm trong cái hố vừa đào. Nước ngập qua đầu gối, tát lên không xuể; cuối cùng đành bỏ cuộc. Nhưng ngay khi trời tạnh, tôi lại huy động người ra tát nước để tiếp tục công việc. Để người ta nằm dầm trong mưa thì làm sao tôi yên giấc được. Đã làm phúc thì phải làm cho trọn vẹn, có như thế tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm".

Coi những người nằm dưới mộ hoang như chính thân nhân của mình nên ông Tuyến làm việc hết sức chu đáo. Bốc mồ cho người nhà thế nào thì với những ngôi mồ vô chủ ông làm thế đó. Cũng tiểu sành, cũng nước thơm, cũng vải điều, cũng hương khói cầu nguyện chu tất.

Khi được hỏi về mục đích của việc làm từ thiện khác người này, bà Dịu chỉ cười: "Trời cho mình bát cơm thì mình nên san sẻ. Mình ăn độc trời sẽ lại phạt mình". Và điều quan trọng nhất ông bà nhận được là sự thanh thản trong tâm, được thỏa nguyện những trăn trở trong lòng. Ông bà Tuyến đã coi những ngôi mộ vô chủ ấy như tổ tiên của mình. Những ngày lễ, tết, ông bà đều mời cha đạo về cúng tế cho các linh hồn, làm trọn đạo nghĩa của hàng con cháu.

Có những ngôi mộ đã được người thân tìm đến, xin đưa về nhưng ông Tuyến chỉ cho phép nhận, ghi bia mộ và qua lại thắp hương chứ không cho phép mang về.

Ông chia sẻ: "Mình đã mang họ về đây là coi như họ đã thành người thân của mình rồi. Mình phải có trách nhiệm thờ tự, chăm sóc và bảo vệ họ".

Sau khi xây dựng xong hai nghĩa địa "mồ côi" khang trang, sạch đẹp, ông bà Tuyến đã chuyển nhượng lại việc kinh doanh cho người cháu để về nghỉ ngơi và làm từ thiện. Ông vui vẻ với hội sinh vật cảnh, bà tự tay chăm sóc đàn gà. Thỉnh thoảng ông bà tới các làng trẻ mồ côi và những nơi khó khăn làm từ thiện. Đợt lũ lịch sử tại miền Trung năm 2010, ông bà cũng gửi vào ủng hộ đồng bào bị thiệt hại hơn 2 tấn gạo.

Từ năm 2008 đến nay, vợ chồng ông Tuyến đã tìm và quy tụ được gần 1.600 ngôi mộ vào 2 nghĩa địa thôn Tân Lý và thôn Tân Phường với tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng.

Ông Tuyến đặt cho hai khu nghĩa trang này một cái tên nghe vừa gần gũi, vừa xót xa: "Nghĩa địa mồ côi". Mặc dù hai nghĩa trang đã kín chỗ, nhưng tin về những ngôi mộ vô danh ở khắp nơi vẫn cứ bay về với vợ chồng ông Tuyến.

Chính vì vậy, ông bà đang có dự định sẽ xin chính quyền đất xây thêm một nghĩa địa mồ côi nữa để những linh hồn còn đang nằm lay lắt nơi ruộng đồng, bờ bãi kia có nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Một điều đặc biệt khác là nhiều người "chiếc bóng đơn côi" cũng tìm đến ông Tuyến để xin "đặt chỗ". Họ mong ông dành cho họ một suất đất trong khu nghĩa địa để sau này nhắm mắt xuôi tay có nơi yên nghỉ ấm áp tình người. Trước những yêu cầu bi thương ấy, ông Tuyến chỉ còn biết ngậm ngùi gật đầu...

Gia Hân