Thường trực nỗi lo

Thường trực nỗi lo "hà bá" nuốt trọn nhà dân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Đứng trước thực trạng sạt lở đê, kè, nhiều người dân ở khu vực ven sông tại TP.HCM phải sống trong tâm trạng mất ăn, mất ngủ.

Thời gian gần đây, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông. Người dân sống ven sông, ven kênh rạch thấp thỏm lo sợ mỗi khi mưa to hay con nước lớn. Trong khi đó, nhiều công trình phòng chống sạt lở vẫn đang nằm trên giấy.

Nhịp sống - Thường trực nỗi lo 'hà bá' nuốt trọn nhà dân

Những ngôi nhà tạm bợ thế này có thể lọt vào miệng "hà bá" bất cứ lúc nào

Sạt lở liên tiếp

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu đường sông thuộc Sở GTVT TP.HCM, hiện ở Sài Gòn có hơn 40 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó mới có khoảng 10 vị trí đang được lập hồ sơ để đầu tư xây dựng bờ bao, còn lại chưa có chủ trương đầu tư dự án hay công trình phòng chống sạt lở. Các điểm báo động đỏ hiện nay chủ yếu nằm tại khu vực bờ tả và hữu sông Sài Gòn đi qua những địa bàn đông dân cư. Trong đó, huyện Nhà Bè được xem là điểm nóng của TP.HCM về nguy cơ sạt lở nuốt mất khu dân cư với 12 vị trí báo động. Nhất là tại khu vực hai bên rạch Dọc thuộc địa phận xã Hiệp Phước, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), từ lâu người dân ở đây mỗi khi mưa đến là phải sống trong cảnh "canh chừng", nay lại càng lo sợ hơn khi sạt lở đã vào sát con đường liên xã.

Anh T.V.L., một cư dân sống cạnh bờ sông Mương Chuối (huyện Nhà Bè) cho biết: "Mỗi khi vào mùa mưa bão là khu vực bờ sông này lúc nào cũng bị sạt lở ăn vào bờ cả chục mét. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chỉ trong vài năm nữa thôi, nhiều hộ dân ở gần bờ sông Mương Chuối này sẽ chẳng còn nhà nữa". Không chỉ những quận ở ngoại thành mà ngay cả Bình Thạnh là quận gần trung tâm của TP.HCM tình hình cũng không khả quan hơn khi nằm trải dài theo rạch Chài, kênh Thanh Đa và Bình Quới là những điểm có nguy cơ sạt lở xung yếu.

Hiện huyện Cần Giờ cũng có nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm đó là khu vực bến phà Bình Khánh, ven sông Soài Rạp, cũng tập trung rất nhiều hộ dân đang sinh sống. Trước đây, khu vực này không có nguy cơ sạt lở, nhưng vài năm trở lại đây do nhiều hộ dân cứ lấn ra bờ sông, cùng sự thay đổi của dòng chảy nên nơi này lại có nguy cơ sạt lở cao. "Dù chưa xảy ra vụ sạt lở nào nhưng cứ mỗi lần mưa to, nước lớn thì không ai ngủ được. Nhiều khi tàu lớn đi qua, sóng đập mạnh, tôi cũng như những người dân ở đây cứ nơm nớp lo nhà bị sập", chị Vũ Thị Diệu ngụ tại huyện Cần Giờ cho biết.

Còn tại khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh), hiện vẫn còn hàng trăm hộ cất nhà sát bờ sông Sài Gòn. Đáng lưu ý là sống gần bờ sông phải chứng kiến cảnh thủy triều lên xuống liên tục, nơi ở tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao vậy mà nhiều căn nhà được dựng lên chỉ bằng dàn cừ tràm yếu ớt. Chị L.T.M., ngụ tại khu vựa Thanh Đa nói: "Quả thực người dân chúng tôi ở đây rất nguy hiểm. Nhất là vào những ngày trời mưa to, bà con ở đây sợ lắm, sợ nước ngập nhà rồi cuốn nhà đi lúc nào không hay. Nhưng nếu di dời thì chẳng biết đi đâu, vì nhà khó khăn nên không đủ kinh phí để mua đất làm nhà ở nơi khác, nên cứ liều mình ở lại với thủy thần".

Có lẽ dư luận TP.HCM vẫn chưa hết bàng hoàng với hai vụ sạt lở bờ sông tại huyện Nhà Bè xảy ra trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Điều làm dư luận xôn xao và hoang mang chính là cả hai vụ sạt lở đều xảy ra ở cùng một vị trí. Vụ sạt lở đầu tiên xảy ra vào ngày 8/7/2012, khiến 4 phòng trọ bị đổ sập. Đến ngày 31/8/2012, tại bờ sông Mương Chuối (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, khiến 2 căn nhà bị sụp xuống sông. Tại đây có khoảng 200m2 bờ sông bị sạt lở, nước sông ăn sâu vào bên trong bờ khoảng 10m. Được biết vụ sạt lở sau chỉ cách hiện trường vụ sạt lở trước vài chục mét.

Nhiều dự án chống sạt lở vẫn... đóng băng

TP.HCM hiện có khá nhiều sông, kênh, rạch đồng thời là một trong những địa phương có nhiều dự án phòng chống sạt lở, song hầu như các dự án đều bị "đóng băng". Điển hình là dự án tái định cư cho 418 hộ dân ở huyện Nhà Bè sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, với diện tích 14,2 ha, nhưng nhiều năm nay gần như không có động tĩnh gì. Rồi đến dự án tại khu bến Tắc Rô, xã Phước Lộc cũng thuộc huyện Nhà Bè vẫn đang nằm im lìm trong nỗi thất vọng của người dân và chính quyền địa phương.

Tại quận 12, nơi có các điểm sạt lở thường xuyên như Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông… người dân vẫn chưa thể ngon giấc trong mùa mưa bão. Tình trạng dự án thi công ì ạch, chậm tiến độ, trong khi đó nguy cơ sạt lở ngày càng cấp bách, khiến người dân hết sức nóng ruột. Đến hẹn lại lên, cứ mưa xuống là nhiều người dân tỏ ra nôn nóng hỏi về thời gian hoàn thành dự án chống sạt lở. Tuy nhiên, theo thời gian những dự án chống sạt lở vẫn yên vị tại chỗ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hầu hết các tuyến sông chính trên địa bàn TP.HCM đều có những "điểm nóng" về nguy cơ sạt lở, nhất là sông Sài Gòn đoạn thuộc quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh (bán đảo Thanh Đa) và các sông nhánh ở huyện Nhà Bè. Nguyên nhân khách quan gây sạt lở chủ yếu là do chế độ thủy văn phức tạp, cấu tạo lòng sông nhiều đoạn gấp khúc với những hố xói di chuyển lấn sâu vào bờ. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ sạt lở là do con người, chủ yếu nhất vẫn là do người dân xây lấn sông gây hẹp dòng chảy, làm gia tăng vận tốc dòng chảy dẫn đến xói lở. Chưa kể, nhà cửa thì liên tiếp mọc lên dày đặc vượt quá mức chịu lực của bờ sông vốn chỉ là đáy bùn sét, nên khi nước triều rút là từng vạt bờ cũng bị cuốn theo.

Để cảnh báo cho người dân, nhiều năm nay Khu Đường sông TP.HCM đã công bố danh sách những khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã chỉ thị Sở Giao thông công chính và các quận huyện lập phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế của người dân nên có sự chậm trễ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tính đến thời điểm này chỉ có một vài khu vực tại quận Bình Thạnh sau khi bị sạt lở chính quyền địa phương và Sở Giao thông công chính tổ chức giải tỏa để triển khai xây kè kiên cố, còn lại những nơi khác, việc di dời dân vẫn đang nằm trong dự án.

Nói về nguy cơ sạt lở bờ sông thì một phần cũng là do ý thức của người dân. Người dân có tâm lý ỷ lại nên cứ nghĩ xây kè xong là chắc ăn và đua nhau xây cất nhà trên đó mà quên đi sức chịu đựng của bờ kè có giới hạn. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho người dân mà một phần cũng là hậu quả của sự quản lí lỏng lẻo trong khâu công tác quản lí đô thị. Vì lẽ đó nên việc triển khai các dự án xây kè chống sạt lở của TP.HCM hiện nay cũng chỉ có tác dụng ứng phó tạm thời theo kiểu "nước đến chân mới nhảy". Mặt khác, những tuyến kè kiên cố chỉ phát huy tác dụng khi hành lang bảo vệ bờ sông được thông thoáng.

Cần xác định rõ nguyên nhân sạt lở

Một chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: Cần phải có sự nghiên cứu kỹ mới có thể xác định rõ những nguyên nhân gây sạt lở để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Bởi dòng chảy của sông Sài Gòn đã có những biến đổi phức tạp do nhiều lý do, trong đó có vấn đề khai thác cát bừa bãi trên thượng nguồn sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Một phần do xả lũ trên thượng nguồn làm tăng lưu lượng nước, tăng tốc độ dòng chảy ở hạ lưu, do các nhánh sông, rạch, kênh ở khu vực bị thu hẹp, tình trạng san lấp mặt bằng… ảnh hưởng đến dòng chảy... Chính vì vậy, dù không phải là cao điểm của mùa mưa bão nhưng tại TP.HCM, vẫn có những vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Quyên Triệu