“Thượng vàng hạ cám” đầu bờ sông Tô

“Thượng vàng hạ cám” đầu bờ sông Tô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Mấy cái chợ lớn nhất ở bốn cửa thành kẻ mua người bán tấp nập, đặc biệt sầm uất là chợ Đông và chợ Tây.

Sau những cuộc binh biến, dân đất bãi Nhị Hà và quanh hồ Dâm Đàm lại nhộn nhịp trồng dâu. Cư dân phía Tây kinh thành thì lo tiến sâu vào vùng đầm lầy khai phá đất hoang, tiếp tục cái công việc mà một người đồng hương của họ đã khởi xướng gần năm mươi năm trước.

Nguyên dưới thời vua Thái Tông, một chàng trai họ Hoàng chuyên chài lưới và bắt rắn ở làng Lệ Mật, có công vớt được xác một nàng công chúa bị chết đuối. Nhà vua ban thưởng gì chàng cũng không nhận, chỉ xin phép đưa đám dân nghèo của Lệ Mật qua bờ Nam sông Cái, khai khẩn mở mang vùng đất hoang vu, viết nên những trang sử đầu tiên cho khu Thập Tam Trại nổi tiếng sau này.

Xã hội - “Thượng vàng hạ cám” đầu bờ sông Tô

Đoạn sông Tô Lịch xưa chảy qua Cầu Giấy

Còn ở phía Bắc sông Tô Lịch, trên những mảnh ruộng quốc khố, nhà nông cũng lo cày sâu cuốc bẫm để mùa gặt dư dả thóc lúa. Ty Binh Bạc, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành mọi việc ở kinh đô lại tiếp tục lo nạo vét Tô Lịch sau mỗi mùa nước dâng, phù sa lấp cạn dòng…

Các làng nghề rải rác khắp các phố phường nhưng tụ hợp đông nhất vẫn là hai khu Đông - Tây kinh thành. Họ lại thi nhau chế tác đồ kim hoàn, dệt lụa, nhuộm vải, đúc đồng, rèn sắt, đồ mỹ nghệ… Bên cạnh đó, những xưởng sản xuất của Bách Tác Cục do triều đình lập ra cũng náo nhiệt không kém. Chỗ thì đúc tiền, đóng thuyền, chỗ thì làm xe cộ, kiệu, lọng, cờ quạt, áo mũ cho vua chí quan… Chỗ thì làm những cây cung nổi tiếng của Giao Châu gọi là Lý tử, cánh cung dài mấy thước, mũi tên dài hơn thước, đầu bịt đồng, tẩm thuốc độc, bắn trúng ai chết ngay…

Mấy cái chợ lớn nhất ở bốn cửa thành lại kẻ mua người bán tấp nập, đặc biệt sầm uất là chợ Đông và chợ Tây. Khách thương đến giao dịch đủ cả người Việt, người Trung Hoa, Ai Lao, Chiêm Thành…Mấy ông chủ tiệm phương bắc vẫn không quên sắm bốn cái ky bằng tre. Cái vật vốn chỉ dùng để xúc rác, bây giờ được treo lên vách nhà chính đường để cầu buôn bán phát tài.

Cần mua món hàng nào hầu như có thể tìm thấy ở những cửa tiệm quanh Đông Môn Đình. “Thượng vàng hạ cám”, có tất. Từ áo Tiến sỹ Lan Sam đến quạt Chiếp phiến, từ các loại Bảo Thạch Vân Nam đủ màu hồng, lục, biếc, tía, ngọc Nha Cốt, ngọc Miêu Tinh để gắn vào trâm gài đầu của các tiểu thư đến các loại chiếu. Từ các loại hương liệu phương Nam đến lụa là gấm vóc Tứ Xuyên. Từ những cỗ bài lá làm bằng những tấm giấy màu gọi là Hồng Hạc hoặc quân cờ Lục Yếm, hai người đánh, mỗi bên có sáu con, bên trắng, bên đen gọi là đánh "Than tiền" mà Đỗ Phủ đã từng chơi và làm thơ…

Thanh toán các mặt hàng này bằng khá nhiều loại tiền, từ loại "Thái Bình Hưng Bảo" của nhà Đinh có in chữ Đinh ở lưng, tiền đúc "Thiên Phúc Trấn bảo" thời vua Lê Đại Hành, nhiều nhất vẫn là những đồng tiền "Thuận Thiên Thái Bảo" đúc từ thuở vua Thái Tổ mới dời đô về Thăng Long. Loại tiền này lưng để trơn, gờ viền lỗ khá rộng. Rồi những loại tiền "Minh Đạo Thông Bảo" hoặc "Càn Phù Nguyên Bảo" đúc dưới triều vua Thái Tông. Trả bằng tiền Đường - Tống "Khai Nguyên Thông Bảo", "Càn Phong tuyền bảo" cũng xong… (dân Thăng Long dùng tiền Tống lấy 50 đồng làm một "mạch" (một tiền).

Còn các bến sông thuyền bè đậu san sát, từ cửa sông Tô, bến Giang Khẩu đến bến Đông Bộ Đầu chếch lên phía Bắc chỗ dốc Hòe Nhai. Đủ cả, có loại thuyền của Đại Việt trông như cánh hoa sen, chế tạo tinh khéo, chắc chắn, tay chèo nai nịt hùng vỹ, cử chỉ tiết độ. Có Mộc Mã thuyền từ Quảng Tây xuống làm bằng cây gỗ chương, đầu đuôi thấp, ở giữa hơi cao, trên mui có kê cái sàng bằng tre, hai bên kê ván đi lại được. Có thuyền Bắc xuống, có thuyền Nam lên. Lắm thuyền chở đá từ Tràng Kênh, Hải Đông lên cung cấp cho những lò nung vôi Thăng Long, thì ngược lại, có thuyền chở "Sồi ải, vải Canh, dành Cáo, gạo Vòng" đặc sản của kinh thành đi tứ xứ…

Hai phía của dòng Tô Lịch -Nghịch Thủy phải chăng cũng là hai phía của Thăng Long?

Long Đỗ Nhân