Tin đồn UFO và câu chuyện tiếp thị

Tin đồn UFO và câu chuyện tiếp thị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Sau khi các báo mạng đăng vụ “Cư dân mạng xôn xao về clip vật thể lạ trên bầu trời Sài Gòn”, một độc giả lên tiếng: “Tôi dám cá 99%, thông tin là một chiêu tiếp thị của một sản phẩm mới nào đó. Có nhiều cơ sở để khẳng định điều ấy”.

Nguoiduatin.vn đăng lại bài viết này:

Bài báo đăng đầu tiên ở Vietnamnet.vn rồi tiếp đó đăng trên một số báo lớn khác, đáng kể nhất là VnExpress.net, sau đó trang thông tin của Yahoo! News dẫn lại, để lên nổi bật 2 ngày liền.

"UFO" trên bầu trời Sài Gòn. Ảnh trên VnExpress

Tôi đồ rằng, không giống như một số bạn đọc nghĩ, thông tin này không thể có sức lan tỏa, muốn đăng lên báo, phải bỏ tiền ra để mua theo dạng bài PR. Thậm chí là đắt hơn nhiều bài PR, bởi thông tin này không dễ đăng theo cách thông thường. VnExpress.net là một tờ báo kiểm soát nội dung bài PR rất chặt chẽ.

Một điểm “hở sườn” của việc phải chi tiền là bài viết này xuất hiện trên forum hàng đầu về công nghệ, Tinhte.vn. Trước bài viết, để tôn trọng thành viên, admin đã mở ngoặc trước tiêu đề là “[QC]” - nghĩa là bài quảng cáo.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, tôi có dịp trò chuyện với anh Ngô Trọng Thanh, là chủ tịch HĐQT của thương hiệu cơm kẹp VietMac, anh ấy hỏi tôi: “Này, có nghe tin đồn UFO ở Hà Nội không? Báo chí đang xôn xao đấy!”. Tôi bảo: “Em chưa đọc mà cũng không quan tâm. Giờ này ai còn tin mấy thứ ấy ạ!”.

Anh Thanh có bày tỏ ý định muốn làm 1 chiến dịch Viral marketing cho cơm kẹp. Kịch bản là: có 1 người quay bằng di động, 1 vật thể lạ bay trên bầu trời, lóe sáng, rồi khi tới gần người quay này bị vấp ngã, toàn màn hình là cảnh đen thui. Sau đó báo chí, diễn đàn làm rùm beng lên, mọi người sẽ tự lấy video clip ấy post lên youtube, gửi link cho nhau. Đến khi đã đông rồi thì công bố đoạn quay cuối, hóa ra đó là cái bánh cơm kẹp VietMac.

Nhưng tôi đã phản đối ý tưởng này, vì 3 lý do: 1. Thời buổi này, Việt Nam không ai quan tâm tới đĩa bay; 2. Báo chí, diễn đàn, mạng xã hội sẽ không đưa thông tin này nếu không mất tiền theo dạng PR; 3. Tính lan tỏa sẽ không cao, không đạt hiệu quả mong muốn so với công phu và tiền bạc bỏ ra.

Cuối cùng, VietMac cũng không làm chiến dịch này dù anh Thanh đã bỏ công nhờ người làm một clip UFO xuất hiện ở Hồ Gươm mà tôi đăng lên đây!

Quay trở lại câu chuyện UFO xuất hiện ở TP. HCM. Thực ra, đây là một cách làm có thể coi là sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo này đã được thế giới áp dụng cách đây rất nhiều năm, từ khi công nghệ không hiện đại như bây giờ, từ khi chưa có Facebook, Google+.

Tôi đã nghĩ, cách đây mấy chục năm, nói về đĩa bay người ta còn tin, chứ giờ ai còn tin mấy chuyện ấy nữa, nhất là UFO bay giữa trung tâm TP như Hà Nội hay TP. HCM. Cũng khó để khẳng định rằng, điều này không thể xảy ra. Song màn kịch khi kết thúc sẽ cho thấy điều đó.

Trên Facebook của tôi có gần 5.000 bạn bè, các mạng xã hội khác mà tôi tham gia cũng có hàng ngàn bạn bè, tuy nhiên, gần như không thấy ai nhắc đến câu chuyện UFO này. Hiệu quả của chiến dịch này sẽ được đo đếm bằng số bài đăng trên báo (chắc chắn mất tiền, như trên Tinhte.com) hay bằng sự truyền miệng tới số đông khách hàng tiềm năng như mục đích ban đầu?

Riêng tôi, dù là bất kể sản phẩm nào được công bố sau đó, tôi cũng cho rằng, đó là một cách tiếp cận chưa thể hiện sự tôn trọng đầy đủ với khách hàng. Bởi một trong 2 nguyên nhân: Hoặc họ cho rằng khách hàng ngây ngô tin vào clip ấy hoặc bản thân họ ngây ngô với ý tưởng đã lỗi thời của mình.

Cát Đằng