Tình người miền biên ải

Tình người miền biên ải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Thầy Dũng bảo: "Chưa thấy nơi nào, tình người lại tốt như ở PêtaPoót. Thương các em học sinh, thương PêtaPoót nên mình không được phép... ốm. Mình ốm là cả bản mất ăn, mất ngủ".

Từ thời cha ông, người PêtaPoót không ai biết chữ. Họ chỉ có ngôn ngữ riêng chứ không có chữ viết riêng.

Năm 2001, PêtaPoót được những người thầy miền xuôi đầu tiên lên đây xóa mù chữ. Dân bản PêtaPoót háo hức dựng trường, dựng lớp, mong con em mình có cái chữ để thoát khỏi đói nghèo.

Những người thầy được phân bổ lên PêtaPoót đầu tiên đã chảy nước mắt khi nhìn thấy sự nghèo đói, lạc hậu nơi đây. Đó là thầy Hồ Phương, Nguyễn Văn Lộc và sau này là thầy Trần Đình thuộc trường tiểu học Đắc Ring (xã Đắc Ring, huyện Nam Giang). Trẻ em PêtaPoót không nhiều, khoảng 20 em ngày đêm được các thầy chăm lo, dạy dỗ.

Xã hội - Tình người miền biên ảiTrẻ em PêtaPoót.

Thầy Hồ Thanh Dũng được phân lên đây công tác đã gần 5 năm (từ năm 2005), nhưng cũng chừng ấy thời gian, số lần được về nhà của thầy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thầy thương người dân PêtaPoót, thương những ánh mắt ngây thơ khát khao con chữ nên đã tình nguyện ở lại, dù thời gian công tác đã qua.

Thầy Dũng bảo: "Chưa thấy nơi nào, tình người lại tốt như ở PêtaPoót. Thương các em học sinh, thương PêtaPoót nên mình không được phép... ốm. Mình ốm là cả bản mất ăn, mất ngủ.".

Khi được hỏi nếu phải chuyển công tác về xuôi, thì thầy có về không? Thầy trầm ngâm: "Cấp trên giao nhiệm vụ như thế nào thì mình phải thực hiện thế đó. Nhưng mình sẽ xin phép nhà trường ở lại với PêtaPoót thêm dăm năm nữa. Giúp các em có cái chữ cho bớt cực, bớt khổ".

Sống giữa miền biên cương heo hút (từ PêtaPoót qua đất Tây Nguyên chưa đầy 2 cây số), người PêtaPoót ghi nhớ từng lời căn dặn của các anh bộ đội đồn Biên phòng 661- thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam: "Tấc đất tấc vàng, người PêtaPoót phải gìn giữ từng tấc đất cho tổ quốc. Sống hòa thuận với anh em các vùng, miền. Không nên nghe lời kẻ xấu xúi giục làm tổn hại đất nước".

Chính lời dặn ấy mà khi lên PêtaPoót, suýt chút nữa chúng tôi đã bị trục xuất về xuôi. Số là khi đi, do đường xa chỉ toàn khe suối và đường rừng nên cái ba lô đành phải gởi lại. Trong đó có giấy tờ và chứng minh nhân dân (CMND). Dù đã đưa chúng tôi giấy giới thiệu, mục đích chuyến đi nhưng vẫn không được chấp nhận. May sao có Krin Kéo đỡ lời, là đã liên hệ với chính quyền xã Đắc Ring trước khi vào đây nên được già làng chấp nhận.

Xã hội - Tình người miền biên ải (Hình 2).Để vào được PêtaPoót phải đi qua con suối này.

Với bất cứ ai vào PêtaPoót, cũng đều phải có giấy CMND. Nếu không có thì người PêtaPoót có quyền trục xuất họ ra khỏi địa bàn.

Già làng Krin Vỗ Mom kể: "Rất lâu rồi, bố không nhớ nữa nhưng khi đó người PêtaPoót chưa nhiều như bây giờ. Những kẻ xấu đã rủ rê đồng bào mình qua bên kia (giáp ranh với biên giới). Chúng bảo nơi đó là thiên đường, miền đất hứa của cuộc sống. Qua đó, người PêtaPoót sẽ không còn cực khổ như ở đây. Nhưng dân làng nhớ lời dạy của Đảng, của các anh bộ đội biên phòng 661 nên đã ở lại. Người PêtaPoót phải đồng sức, đồng lòng giữ mảnh đất cha ông mình".

Làm nhiệm vụ trên vùng biên, những chiến sĩ bộ đội biên phòng 661, Quảng Nam lâu lâu lại ghé thăm PêtaPoót, giúp PêtaPoót xây thêm những ngôi nhà mới, bắt nước sạch từ những con suối trong rừng.

PêtaPoót quý bộ đội như con của bản, bộ đội xem PêtaPoót như ngôi nhà của mình để dừng chân mỗi khi mỏi gối. Tình quân dân ngày một thắm thiết, vì thế an ninh vùng biên luôn được giữ vững, không có trộm cắp, ma túy, buôn bán phụ nữ hay các tệ nạn khác.

Đã bao lần vì sự khắc nghiệt của tự nhiên, vì cái đói, cái rét người PêtaPoót lại đắn đo trở ra đường lớn, nơi mà trước đây đã phân nửa số gia đình PêtaPoót ở lại và giờ có cuộc sống khá hơn.

Nhưng nghĩ đến mảnh đất cha ông, nghĩ đến lời căn dặn của các anh bộ đội biên phòng, người PêtaPoót đã quyết tâm ở lại. Trải qua hàng trăm năm, với biết bao biến cố xảy ra, nhưng PêtaPoót vẫn mãi tồn tại với thời gian, chăm nom từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Đức Dũng