Toàn cảnh bão lũ tại miền Trung

Toàn cảnh bão lũ tại miền Trung

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Tối 26/9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lên kế hoạch chuẩn bị di dời, sơ tán khẩn cấp hơn 25.000 hộ dân tại các địa bàn khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Để đối phó với lụt bão, từ đầu năm 2011, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chủ động rà soát kế hoạch chi tiết di dời dân của các địa phương để đối phó với bão lụt có thể xảy ra.

Theo báo cáo của các huyện và thành phố, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã tổng hợp số lượng dự kiến cần phải sơ tán di dời toàn tỉnh có 25.130 hộ với hơn 102.031 khẩu dự kiến cần phải sơ tán di dời từ vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét và trượt lở đất đến nơi an toàn để đối phó khi có bão, lũ.

Theo đó, số người dân cần phải di dời khẩn cấp thuộc các huyện Phong Điền là 3.714hộ/13.863khẩu; Quảng Điền 1.568hộ/6.357khẩu; Hương Trà 767hộ/3.079khẩu; Phú Vang 2.983hộ/12.585khẩu; Phú Lộc 8.014hộ/ 30.566khẩu; Hương Thủy 2.631hộ/ 13.055khẩu; Nam Đông 624hộ/ 2.741khẩu; ALưới 516hộ/2.145khẩu và TP Huế 4.224hộ/16.917 khẩu.

Tối 26/9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lên kế hoạch chuẩn bị di dời, sơ tán khẩn cấp hơn 25.000 hộ dân tại các địa bàn khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất,… về nơi trú ẩn an toàn. Do đó, các địa phương phải tổ chức triển khai chi tiết phương án di dời, chú ý các khu vực dân cư và cơ sở du lịch, dịch vụ ven biển và đầm phá; tổ chức neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn.

Dự kiến, các địa điểm được sơ tán, di dời đến đều tập trung ở các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở UBND xã, Phường, trường học kiên cố, các cơ quan công sở Nhà nước, các nhà thờ, đền chùa kiên cố...

Chiều cùng ngày, Ban lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hương Điền (xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã mở hai cửa xả lũ với lưu lượng 320m3/s (trong đó, lượng nước chạy qua máy phát điện là 120m3/s). Việc xả lũ này nhằm giảm tải cho hồ chứa, đồng thời có dung tích đón đợt lũ mới. Được biết, đây là hồ chưa lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế, với dung tích chứa hơn 800 triệu m3, nằm ở thượng nguồn sông Bồ.

Ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cho đến thời điểm này, mọi hoạt động đã được chủ động triển khai, người dân sẵn sàng tâm lý ứng phó với bão.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, gần 20.000 ha lúa hè thu (chiếm 50% tổng diện tích) của Hà Tĩnh đang nằm trên ruộng. Khẩn trương cứu lúa, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an và toàn dân bám đồng gặt lúa. Khắp từ miền núi tới miền biển, người người đang tỏa ra cánh đồng, mưa trộn mồ hôi, bươn mình giữa những cơn gió quất rát thịt da, thoăn thoắt tay liềm chạy đua với bão…

UBND tỉnh quyết định cho học sinh các trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên toàn tỉnh nghỉ học cùng gia đình thu hoạch lúa; huy động các lực lượng công an, quân sự tăng cường lực lượng giúp dân cứu lúa.

Trong khi đó, từ ngày 19/9, huyện Đức Thọ đã hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung chỉ đạo quyết liệt thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến sáng ngày 26/9, toàn huyện đã thu hoạch đạt 80% diện tích, đặc biệt, trà lúa hè thu chạy lũ (1.800 ha) đã gặt xong.

Bởi vậy, những ngày bão đến gần, trong khi nhiều địa phương mới tập trung ra quân thì Đức Thọ đang thu hoạch nốt diện tích lúa còn lại với thắng lợi đã chắc trong tầm tay. Còn tại huyện Hương Sơn, đến nay đã gặt được 80% trong tổng số diện tích 2.500 ha, trong đó có 1.200 ha hè thu chạy lũ ở các xã vùng thấp như Sơn Bình, Sơn Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Tân… đã thu hoạch gọn, chuẩn bị ứng phó với bão.

Tại tỉnh Quảng Bình, theo báo cáo của lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh, cả tỉnh đã có 4283 tàu cá với 18.959 lao động. Đến cuối ngày 25/9 đã có 4266 tàu/ 18.661 lao động đã neo đậu những nơi an toàn. Còn 17 tàu cá đang đánh bắt ở phía bắc, theo thông tin mới nhận được cũng đã tìm nơi trú ẩn tránh bão.

Hiện nay toàn tỉnh còn diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch khá lớn do chín muộn, tập trung ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch. Thực hiện chủ trương xanh nhà hơn già đồng, các địa phương đốc thúc nông dân thu hoạch ngay. Bên cạnh đó triển khai biện pháp bảo vệ ao, hồ nuôi trồng thủy sản...

Loạt ảnh do PV báo Hà Tĩnh Online chụp

Ngay trong cuối buổi chiều ngày 25/9, đồng chí Trần Văn Tuân và các đồng chí trong Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã ra chỉ đạo phòng chống bão số 4 tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cửa Gianh (Bố Trạch). Sáng 26/9, các đồng chí trong Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuân dẫn đầu tiếp tục đi về các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo ứng phó với bão. Tại cảng Hòn La, hiện có 10 tàu hàng các loại với 96 thuyền viên đang tạm trú để tránh bão.

Trước đó đơn vị Cảng vụ Hòn La đã hướng dẫn cho hơn 19 tàu khác làm các thủ tục để di chuyển khỏi khu vực có khả năng bão đổ bộ vào. Đối với các tàu đang tránh bão tại đây các đơn vị chức năng tại Cảng đang hướng dẫn thực hiện các biện pháp để đối phó với bão.

Tại Quảng Nam, theo thông tin từ ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, 17h chiều 26/9, toàn bộ 395 tàu thuyền của toàn huyện tham gia đánh bắt trên biển (với khoảng hơn 1.500 ngư dân) đã vào bờ an toàn.

Số tàu thuyền này hiện đang neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa), bàu Trung Phường (xã Duy Hải) và dọc sông Trường Giang (xã Duy Thành). Chính quyền huyện Duy Xuyên đã có kế hoạch, phương án cụ thể nhằm đối phó với bão lũ và nếu có tình huống xấu xảy ra sẽ cho di dời 2.325 hộ dân có nhà cửa tạm bợ, sống trong vùng ngập lụt sâu, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Trong khi đó, tại Quảng Trị: Ban chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị đã kịp thời triển khai phương án phòng chống bão số 4. Chiều 25/9/2011 Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án phòng chống bão số 4 dới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính.

Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu vùng áp thấp và không khí lạnh đã gây ra mưa to và rất to trên khắp các vùng của tỉnh Quảng Trị nên Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã triển khai khẩn trương, đồng bộ các phương án nhằm sẵn sàng đối phó với diễn biến xấu của thời tiết.

Tính 17h chiều 26/9 Quảng Trị đã kêu gọi được 2460 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Quảng trị đang đánh bắt ở các nơi giữ được liên lạc với đất liền và đã đến nơi trú tránh bão an toàn, còn 1 tàu với 6 thuyền viên đang hoạt động tại vùng viển Vũng Tàu.

Mấy ngày qua, mưa lớn diễn ra với cường độ mạnh đã gây ra một số hậu quả trước mắt khi có trên 2500 ha lúa, 200ha hoa màu và 1,6ha cá nước ngọt của tỉnh Quảng Trị bị ngập. Ngoại trừ huyện Hải lăng đã thu hoạch lúa xong, còn lại nhiều địa phương chỉ mới thu hoạch trên 50% diện tích nên nguy cơ lúa đang trong thời kỳ thu hoạch bị ngâm lâu trong lũ là điều khó tránh khỏi. Một số huyện có diện tích lúa chưa thu hoạch lớn như Gio Linh chỉ mới thu hoạch 400 ha/3100 ha, Triệu Phong thu hoạch 1600 ha/5300 ha, Đông Hà thu hoạch 100 ha/1030 ha.

Vương Hoàng - Hiếu Anh