"Tôi muốn dùng kịch hình thể “phá tan” hàng rào ngôn ngữ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
“Có nhiều vở diễn thử nghiệm nói tiếng Anh cho người nước ngoài xem mà họ chẳng hiểu gì. Chi bằng ta đừng bắt họ nghe nữa, hãy chỉ cho họ xem thôi mà họ vẫn hiểu được điều mà chúng ta muốn nói", NSND Lan Hương cho biết.

Người viết gặp NSND Lan Hương vào một ngày đẹp trời tại Nhà hát Tuổi trẻ. Cảm nhận đầu tiên về chị vẫn là đôi mắt to tròn đen láy và trong veo đến ám ảnh người đối diện của "Cô bé Hà Nội" năm nào. Nhưng đôi mắt ấy ngày hôm nay đã có đôi chút đượm buồn, khi chị chia sẻ về những trăn trở trong nghề nghiệp...

Sự kiện - 'Tôi muốn dùng kịch hình thể “phá tan” hàng rào ngôn ngữ'

NSND Lan Hương.

Mượn Kiều để nói về "4 con đường trần gian"

Chúc mừng chị đã cho ra đời thêm một "đứa con tinh thần" nữa cho đoàn kịch hình thể, chị có thể lý giải về hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay trong vở diễn?

Vở kịch mang tên "Nguyễn Du với Kiều", trong đó tôi muốn đưa hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay làm biểu tượng xuyên suốt cả vở diễn. Ngoài việc lược bỏ một số chi tiết nhỏ, tôi đã mạnh dạn sáng tạo và thể hiện lời thơ của Nguyễn Du qua những làn điệu chèo, hát văn với mong muốn dùng những yếu tố sân khấu đương đại nhưng vẫn giữ lại những vốn quý của văn hóa dân tộc. Một nét tương đối khác lạ nữa của vở diễn là, tôi đã đưa nữ sỹ Hồ Xuân Hương xuất hiện trên sân khấu (bà là người sống cùng thời với Nguyễn Du) như một hướng tìm tòi mới trong nghệ thuật sân khấu đương đại.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đưa Phật bà nghìn mắt nghìn tay lên sân khấu. Tôi chọn bà bởi bà có rất nhiều nét tương đồng với Kiều, cả hai nhân vật này đều do hư cấu mà có. Đưa bà vào cũng để bà che chở vàõ nhìn thấu bể khổ cùng với kiếp trầm luân của mỗi con người, từ đó thấu hiểu được nỗi thống khổ của Kiều... Nếu muốn biết cụ thể hơn nữa thì xin mới khán giả hãy đến Nhà hát Tuổi trẻ và xem "Nguyễn Du với Kiều".

Và Kiều trong kịch hình thể của chị có gì khác biệt với Kiều ở các loại hình sân khấu khác?

Khi xem vở kịch, mọi người đều thấy Kiều phải qua tay bốn người đàn ông, nhưng nếu hiểu một cách sâu xa thì đó là bốn con đường trần gian mà mỗi người trong chúng ta đều phải trải qua: Tiền tài, danh vọng, địa vị và sự gian dối. Nhưng cái cuối cùng tôi muốn đem đến cho khán giả không phải là cho nàng Kiều mà thực ra chỉ mượn nàng Kiều để tôn vinh Nguyễn Du.

Theo tôi, thế mạnh của một vở kịch hình thể là có thể khai thác chiều sâu của nhân vật, nó có khả năng truyền tải tới người xem những triết lý trong cuộc sống, khơi gợi trí tưởng tượng phong phú, đa chiều của khán giả. Và hy vọng, Kiều trong kịch hình thể sẽ hội tụ được những yếu tố đó.

Cần biết điểm dừng...

Qua 10 năm gây dựng và phát triển đoàn kịch hình thể, chị thấy mình đã gặt hái được những gì?

Thành công cũng có mà sóng gió cũng nhiều! Vì tôi mang kịch hình thể về Việt Nam vào đúng thời điểm sân khấu phía Bắc đang chững lại và đi xuống theo chu kỳ, cũng là lúc các loại hình giải trí khác phát triển bùng nổ, nên mọi người ít tìm đến với các sân khấu kịch. Nhưng hai năm gần đây, tôi dựng vở rồi đi diễn thấy mọi người có vẻ rất thích kịch hình thể, kể cả ở các vùng nông thôn.

Sự kiện - 'Tôi muốn dùng kịch hình thể “phá tan” hàng rào ngôn ngữ' (Hình 2).

NSND Lan Hương trong một vở kịch hình thể có tên “Vườn thiên đàng”.

“Có nhiều vở diễn thử nghiệm nói tiếng Anh cho người nước ngoài xem mà họ chẳng hiểu gì. Chi bằng ta đừng bắt họ nghe nữa, hãy chỉ cho họ xem thôi mà họ vẫn hiểu được điều mà chúng ta muốn nói. Điều này đoàn kịch hình thể của chúng tôi đã làm được. Tôi muốn dùng ngôn ngữ của cơ thể để phá tan hàng rào ngôn ngữ”.

Và khó khăn?

Tôi đang gặp rất nhiều khó khăn! Bởi khán giả bây giờ đang dần quay lưng lại với sân khấu (sân khấu hài kịch thì còn nhúc nhắc một tý). Tôi vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn sẽ đến với các sân khấu kịch miền Bắc, chứ cứ như thế này người làm nghề như tôi buồn lắm! Nhưng dù cho có buồn đi chăng nữa, tôi cũng không buông xuôi và chạy theo xu hướng của các nhà hát bây giờ là làm hài kịch. Cái mà tôi hướng đến sẽ là chính kịch.

Còn sự vắng bóng những vai diễn của chị?

Là một nghệ sỹ cũng cần phải biết điểm dừng của mình. Tôi luôn tự nhủ: Xuất hiện liên tục trên sân khấu hay truyền hình cũng sợ nhạt... ở tuổi này, tôi nghĩ nên làm những việc có ý nghĩa hơn, còn diễn xuất nên để cơ hội cho các bạn diễn viên trẻ. Đến với kịch hình thể như một định mệnh và tôi đã tìm được hạnh phúc thứ hai của cuộc đời mình.

Có vẻ chị tin vào số phận?

Có chứ, tôi tin là cuộc sống này mỗi con người khi được sinh ra đều có sẵn một số phận. Tôi chắc hẳn không thể nằm ngoài quy luật đó. Ngay từ nhỏ, tất cả mọi người trong gia đình, đều ngăn cấm và không muốn cho tôi đi theo con đường nghệ thuật. Như bạn biết đấy, điều gì đến thì cũng đã đến, nghiệp diễn là "định mệnh" và là cuộc sống của tôi dù có muốn tránh thế nào cũng không được. Cho đến giờ này thì tôi hoàn toàn có thể khẳng định, tôi chỉ có thể làm được và làm tốt nghề này mà thôi! Mặc cho đôi khi có người hỏi tôi làm để làm gì khi nó không mang lại giá trị về vật chất cho mình. Có lẽ tôi làm vì cái tâm, làm vì tôi quá yêu nghề...

Nguyên tắc vàng: Sống thật chân thành

Kể cả trong hôn nhân?

Với tôi tất cả những gì đã qua đều là "định mệnh" hết, và khó cưỡng lại số phận. Người ta gọi là "lương duyên tiền định", ai lấy ai, ai sống với ai đều do nhân duyên hết cả. Tại sao có những người mà mình biết là họ tốt và phù hợp với mình nhưng vẫn không thể đến được với nhau. Cuộc sống gia đình cũng vậy, ngoài nhân duyên ra cũng cần có sự vun vén và nhẫn nại, nhưng cái sự nhẫn nại thì tôi cũng nghĩ do ông trời định.

Chẳng hạn như cuộc hôn nhân đầu của tôi, hai người không có duyên phận để sống bên nhau cả cuộc đời thì tự tách ra thôi! Lúc đó tôi còn trẻ lắm, còn hồn nhiên và cũng một phần làõ hơi vội vàng khi kết hôn. 3 năm sau, khi 25 tuổi tôi kết hôn lần hai với người chồng hiện tại là anh Tất Bình. Đây cũng là "nhân duyên tiền định" sắp đặt cho hai người được ở bên nhau. Đã lâu lắm rồi (gần 30 năm) hai vợ chồng chưa xảy ra chuyện gì lớn đến nỗi không thể giải quyết được, còn trong tương lai tôi không dám nói trước điều gì.

Có "nguyên tắc vàng" nào để chị "hóa giải" được câu chuyện: con anh, con tôi?

Tôi về làm vợ anh Bình khi còn rất trẻ mà con gái lớn của anh ấy chỉ kém tôi có 9 tuổi, như 2 chị em vậy. Điều này làm tôi bối rối vô cùng, vì đến con đẻ của mình nhiều khi mình còn khó chịu nữa là con riêng của chồng. Sau đó tôi đã tìm ra “nguyên tắc vàng” để dung hòa tất cả, đó là phải sống sao cho thật chân thành.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

Dương Ly Na