Tội phạm công nghệ cao gây khó khăn trong chuyển hóa chứng cứ

Tội phạm công nghệ cao gây khó khăn trong chuyển hóa chứng cứ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Tiến sĩ Trần Văn Hòa đề xuất chuyển hóa 2 loại chứng cứ để làm căn cứ xử lý với tội phạm công nghệ cao.

Theo quy định về tố tụng thì khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Nhưng trên thực tế, những chứng cứ trong tội phạm công nghệ cao lại là các dữ liệu điện tử.

Công nghệ - Tội phạm công nghệ cao gây khó khăn trong chuyển hóa chứng cứ

Ảnh minh họa

Theo tiến sĩ Trần Văn Hòa thì: "Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện chưa công nhận dữ liệu điện tử là chứng cứ như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh tồn tại dưới dạng số, được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số khác. Để thu thập được dữ liệu điện tử này, cần sử dụng những thiết bị và phần mềm phù hợp, để có thể phục hồi "dấu vết điện tử" đã bị xóa, bị ghi đè, dữ liệu tồn tại dưới dạng ẩn, đã mã hóa…để có thể đọc, ghi lại, sử dụng làm bằng chứng trước tòa. Đặc biệt, hiện chưa có quy định về thủ tục tố tụng hình sự đối với việc thu thập, bảo quản, phục hồi và giám định chứng cứ là dữ liệu điện tử".

Tại hội thảo về hoàn thiện các quy định của BLTTHS, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua tại Quảng Ninh, đại tá, tiến sĩ Trần Văn Hòa, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an đã đưa ra nhiều đề xuất. Theo đó, có 2 loại chứng cứ cần chuyển hóa để giải quyết đối với loại tội phạm công nghệ cao. Thứ nhất là dữ liệu điện tử do máy tính tự động tạo ra như "cookies", "URL", E-mail logs, web server logs, IP, thông tin truy cập tài khoản, website… Những dữ liệu này chứng minh nguồn gốc truy cập trái phép, địa chỉ tấn công, các hành vi tấn công mạng. Thứ hai là dữ liệu điện tử do các đối tượng tạo ra như các văn bản, bảng biểu, hình ảnh, thông tin…, cụ thể là nội dung email, chat, các dữ liệu download và upload lên mạng.

Đây là những thông tin, chứng cứ để đấu tranh và buộc đối tượng phải nhận về hành vi phạm tội. Như vậy, sau khi thu được dữ liệu điện tử trên máy tính, USB, email của đối tượng, server của nhà cung cấp dịch vụ internet…về hành vi truy cập trái phép, tấn công DDOS, phát tán virus, gian dối, lừa đảo trên mạng, các trinh sát phải phối hợp với điều tra viên, chuyển hóa chứng cứ, để có thể sử dụng trước tòa".

Cũng theo TS Hòa, Bộ luật hình sự hiện nay cần được sửa đổi bổ sung một số vấn đề về các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao như: "Cần quy định rõ hành vi xâm nhập xuất phát từ nước ngoài vào Việt Nam. Và cả những hành vi từ Việt Nam tấn công vào cơ sở dữ liệu ở nước ngoài đều bị xử lý theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Đây cũng là cơ sở pháp lý để phối hợp quốc tế trong điều tra tội phạm".

Thu Hà