Trải lòng của doanh nhân gánh án chung thân

Trải lòng của doanh nhân gánh án chung thân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
(nguoiduatin.vn) Đam mê dường như là định mệnh, đam mê có thể là nghiệp chướng. Phạm nhân Nguyễn Văn Thành là một ví dụ điển hình. Cũng chỉ vì đam mê kinh doanh, đầu tư tràn lan, vượt quá khả năng của bản thân, Thành phải trả giá bằng bản án chung thân. Mong mỏi cuối cùng của Thành: “Muốn lấy công chuộc tội để ngày tháng cuối cùng sống trong trại giam có ý nghĩa...".

Xã hội - Trải lòng của doanh nhân gánh án chung thân

Nguyễn Văn Thành tại trại giam Ngọc Lý, Bắc Giang

“Tôi phải trả giá vì đam mê"

Phạm nhân Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1955, ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Năm 1972, Thành đi bộ đội được phong quân hàm thiếu úy. Hết nghĩa vụ Thành trở về Tổng công ty điện máy, xe máy, xe đạp Trung ương. Năm 1993, Thành xin nghỉ, nhưng công ty không đồng ý vì Thành là người năng động, có năng lực. Thành tự bỏ ra ngoài thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Hasa, chuyên kinh doanh điện lạnh, điện tử. Thời kỳ đầu công ty phát triển rất tốt, có thể nói công ty Hasa là niềm tự hào mơ ước của nhiều doanh nhân lúc bấy giờ.

Đến năm 2002, kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến mới, hội nhập kinh tế và chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Là người có nhiều tham vọng, niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng, Thành luôn luôn muốn thay đổi, sáng tạo để thành công hơn nữa trong kinh doanh. Phạm nhân Nguyễn Văn Thành đâu có biết, đam mê là một cảm xúc có thể khiến người ta mờ mắt. Từ một doanh nhân khá thành đạt, phạm nhân Thành đã tự đánh mất mình trong vòng xoáy của cơn lốc thị trường. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty liên danh, liên kết như công ty nước sạch Maister và Công ty TNHH nghiền sỏi - những công ty làm ăn phát đạt, nhưng niềm đam mê khiến Thành không bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Thành đầu tư hết dự án này đến công ty kia.

Đang đầu tư ở nhà máy này chưa dứt điểm, Thành lại đầu tư vào nhà máy khác, nếu xét thấy có lợi nhuận là làm (theo suy nghĩ của Thành). Đồng thời Thành tham gia là những cổ đông sáng lập với công ty khác. Đầu tư vào nhiều dự án, đồng nghĩa với việc cần có nhiều vốn, Thành vay của các công ty liên danh, liên kết với công ty. Mọi vấn đề kinh doanh, phát triển thị trường đều do Thành quyết định. Số tiền Thành vay lên tới hơn 70 tỷ, với lãi suất 2% tháng. Thành cho biết: “Vào thời điểm đó lãi xuất này đã được đánh giá là rất cao, nhưng vì kinh doanh đôi khi cũng phải liều". Vậy là cùng một lúc Thành đều đứng ở những vị chí quan trọng trong các công ty, mà Thành sáng lập, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với Nhà Nước.

Dù biết mình đang làm những việc vượt quá khả năng của bản thân, hoạt động kinh doanh không đủ khả năng chi trả tiền lãi, nhưng Thành cho biết: “Tôi chỉ có một niềm đam mê đó là kinh doanh. Cuối cùng niềm đam mê của tôi cũng đã thành hiện thực, khi cùng một lúc tôi là chủ nhiều doanh nghiệp".

Muốn lấy công chuộc tội

Thực tế thương trường là chiến trường, luôn cạnh tranh khốc liệt. "Tốt vay dày nợ", bản thân Thành cũng thừa nhận về kết cục buồn là do quản lý yếu kém, hạn chế về năng lực cũng như tầm nhìn. Cuối cùng Thành sa lầy trong việc trả nợ lãi khi mẹ đẻ lãi con. Điều tất yếu đã xảy ra, với khoản nợ lên đến 25 tỷ đồng không thể chi trả được. Các cổ đông đã nhìn nhận thấy công ty đang trên bờ vực thẳm, nên tất cả đồng loạt làm đơn kiện đòi lại số vốn đã góp. Thành bị TAND thành phố Hà Nội kết tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cái giá mà Thành phải trả là bản án chung thân, và bắt đầu thụ hình từ năm 2009.

Trong buổi tiếp xúc với phóng viên tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), Thành đã nói về kết cục bi đát. Điều mong muốn của Thành là lấy công chuộc tội. Thành nói trong day dứt: “Tất cả lỗi tại tôi, vì tôi đã làm những việc vượt quá khả năng của mình. Lẽ ra tôi đầu tư làm từng nhà máy một thì sẽ tốt hơn, không nên đầu tư tràn lan, sẽ dẫn đến đổ bể. Nhưng lúc đó quả thật tôi không thể nghĩ điều tồi tệ nhất lại xảy ra với mình. Trong đầu tôi lúc đó luôn có suy nghĩ vận đổi sao rời nên muốn mình thay đổi, phát triển theo điều kiện hoàn cảnh của đất nước.

Năm 2002, Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế, mà đỉnh cao là việc ký kết hiệp định ra nhậpTổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định đối tác kinh tế song phương với Nhật Bản. Các đối tác nước ngoài đầu tư vào thị trường trong nước rất nhiều. Tôi vừa làm, vừa học được ở người Nhật cách làm giàu, họ cũng đi lên từ hai bàn tay trắng. Tôi quyết định đầu tư thành lập nhà máy và mua toàn bộ dây truyền sản xuất nước tinh khiết Maister của Ý (do tôi làm giám đốc). Khi xây dựng nhà máy, đưa dây truyền vào hoạt động đến quá trình sản xuất, tôi đều gặt hái được thành công cả về thương hiệu và chất lượng. Khi công ty đang vận hành khá trơn tru, tôi tiếp tục đi tìm đối tác để mở mang thị trường.

Nhìn từ địa bàn Lạng Sơn, đoạn sông Kỳ Cùng không hề có hoạt động khai thác cát sỏi bán phục vụ cho việc xây dựng. Tôi đã nghĩ ngay đến đầu tư dây chuyền máy nghiền sỏi với tổng chi phí 20 tỷ đồng. Tại nhà máy này đã thu hút rất nhiều lao động, giá thuê nhân công rẻ, kinh doanh rất lãi. Không dừng lại ở đó, một mặt tôi vẫn trả lãi các doanh nghiệp đầy đủ, mặt khác khi có lợi nhuận lớn tôi dồn tất cả đầu tư vào bất động sản. Bởi tại thời điểm đó bất động sản được coi là đang lên ngôi. Đa số những người trỏ nên giàu có đều là những người buôn bán bất động sản. Bản thân Thành là người đứng đầu 2 công ty, 1 nhà máy đang làm ăn phát đạt, nếu Thành quyết định dừng lại ở đó thì mọi chuyện đã khác. Thành nói: “Có lẽ từ lâu người Việt bị ảnh hưởng về tấc đất, tấc vàng nên tôi cũng đã đổ tiền vào đầu tư với tổng diện tích lên tới hơn 2000m2 đất ở Hải Dương. Cứ như thế tôi không tính hết được hậu quả của việc mình đã làm, cộng với công tác quản lý yếu kém, quản lý con người không tốt, việc chi trả tiền lãi ngày càng tăng.

Nguyên nhân dẫn đến kết cục bi đát vẫn là do con người. Từ một người bình thường, do nợ nần tôi đã bị bạn bè coi thường, quay lưng lại, thậm chí coi nhau như kẻ thù. Người bạn đã từng kề vai sát cánh nhau trong làm ăn, những lúc chén chú, chén anh tay bắt mặt mừng, khi công ty còn làm ăn phát đạt, khi thấy tôi lâm nạn họ coi như không biết tôi là ai. Thậm chí, có người bạn còn thuê xã hội đen nhốt tôi 10 ngày, bắt viết cam kết giấy ủy quyền để anh ấy đi thu nợ. Viết xong họ thả tôi ở ngoại thành Hà Nội giữa đêm khuya. Đến giờ tôi vẫn kinh hoàng giây phút ấy. Trước kia tôi đã có tất cả, bây giờ trắng tay, mọi thứ đều tan biến. Vợ tôi là giáo viên nên cô ấy rất sốc". Nói tới người vợ Thành im lặng hồi lâu, mái tóc bạc trắng và khuôn mặt biến sắc khiến Thành già đi nhiều so với tuổi thật. Bất ngờ Thành nói như thể nói cho chính mình nghe: “Bây giờ tôi không khao khát cái gì nữa ngoài sựå tự do".

Rồi Thành lại chủ động tiếp: “Tôi có một cô con gái duy nhất, hiện cháu đang học ở Anh, khoảng 2 năm cháu lại về thăm tôi một lần. Như vậy tôi thấy mình bớt đi phần nào khoảng trống, sự cô đơn trong tâm hồn nơi trại giam này. Bạn bè, chiến hữu đều quay lưng lại khi tôi thất thế. Bên cạnh vợ và con gái, tôi may mắn còn có một người bạn thân duy nhất là anh Việt (Giám đốc một công ty ở Hà Nội). Thi thoảng anh ấy lên đây thăm hỏi và động viên tôi rất nhiều, mặc dù tôi còn nợ anh ấy hơn 3 tỷ đồng. Những gì tôi gây ra đã phải trả giá đắt. Hiện nay tôi đang suy nghĩ về một đề án để anh em phạm nhân có việc làm, mang lại lợi nhuận cho trại. Đó cũng là điều mong mỏi cuối cùng của tôi muốn lấy công chuộc tội và những ngày tháng sống trong trại giam của tôi có ý nghĩa".

Dường như không nén nổi xúc động Thành quay mặt đi nơi khác cố nuốt giọt nước mắt đắng ngắt vào trong...

Đứng dậy, Thành chìa tay ra bắt tay tôi, giọng nói của Thành day dứt: “Đã lâu lắm rồi tôi không được bắt tay phụ nữ. Được nói chuyện với chị hôm nay tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng đôi chút..."

Đáng lẽ ở cái tuổi như Thành là tuổi nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu, tiếc là, giờ đây điều bình dị ấy bỗng chốc trở thành quá xa xôi...

Lương Liễu