Trần tình của đại tá được 100 chiến sĩ “trực tang” mẹ vợ

Trần tình của đại tá được 100 chiến sĩ “trực tang” mẹ vợ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
(Nguoiduatin) Thay cho thông báo bằng miệng thông thường, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã ký hẳn một văn bản, phân công 100 chiến sỹ đến trực đám tang mẹ vợ giám đốc.

Những ngày vừa qua, dư luận tại Đồng Nai đang xôn xao về bản thông báo khá “kỳ lạ” của Sở Cảnh sát PCCC tỉnh vào ngày 14/4. Dưới bản thông báo là danh sách của các chiến sĩ của Sở trực đám tang mẹ vợ đại tá Võ Văn Sáng, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC. Người ký vào bản thông báo là thượng tá Trần Tuấn Triệu, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC.

Xã hội - Trần tình của đại tá được 100 chiến sĩ “trực tang” mẹ vợĐại tá Võ Văn Sáng – Giám đốc sở cảnh sat PCCC tỉnh Đồng nai

Theo đó, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC phân công 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng và trung tâm của Sở luân phiên trực tại đám tang. Các ca trực được phân chia theo từng đơn vị, liên tục từ ngày 14 đến 17/4, tại ấp 2, xã An Hòa, TP.Biên Hòa.

Tuy nhiên, trao đổi với Người đưa tin, ông Hùng, một người dân ngụ tại xã An Hòa, TP.Biên Hòa cho biết: “Trong những ngày diễn ra tang lễ của mẹ vợ giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai, không có thời điểm nào tại tang lễ lại tập trung đến vài chục cảnh sát, chứ đừng nói là hàng trăm. Mỗi ngày thường chỉ có một vài nhóm thay phiên nhau, phụ giúp gia đình tiếp khác.

Có cùng ý kiến với ông Hùng, một người dân địa phương đến viếng tang lễ cho biết: “Tang lễ có hàng trăm người là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của gia đình nên có hàng trăm công việc phải làm. Vì vậy, anh em bạn bè trong cơ quan đến giúp Sở Cảnh sát PCCC đến đám tang giúp đỡ cũng không có gì là quá đáng.”

Giải thích về việc huy động lực lượng đi "trực đám tang" mẹ vợ của giám đốc Sở, thượng tá Trần Tuấn Triệu cho biết đó là vì tình cảm đồng đội sẻ chia đau thương khi người thân của lãnh đạo đơn vị mất. Cán bộ được cử đến giúp đỡ tang gia đều vào lúc đã hoàn thành ca trực ở cơ quan. Mỗi nhóm đi vài người, khi đến ca trực đều phải quay về cơ quan để làm việc.

Theo dư luận người dân tại tỉnh Đồng Nai, việc Sở Cảnh sát PCCC thể hiện được tình cảm, sự qua tâm tới người thân gia đình xảy ra chuyện buồn là chuyện tốt.

Tuy nhiên, việc ra thông báo phân công chiến sĩ trực tang là không cần thiết, thậm chí dễ tạo ra sự phản cảm. Lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC chỉ nên thông tin chuyện buồn tới các chiến sĩ, để họ tự sắp xếp công việc đến phụ trực tang lễ thì hợp lý, hợp tình hơn. Dù sao đây không phải là việc có thể sử dụng mệnh lệnh hành chính.

Xung quanh thông tin Sở đã huy động cả 100 chiến sĩ thay phiên nhau đến trực tang lễ, đại tá Võ Văn Sáng cho biết: “Người thân mất là chuyện đau thương. Bất kỳ gia đình cán bộ, chiến sĩ nào gặp phải chuyện đó, cơ quan cũng đều chia sẻ, giúp đỡ chứ không riêng gì lãnh đạo cơ quan.

Thời điểm mẹ vợ mất, tôi đang đi công tác ở Hà Nội. Sau đó, cơ quan có ra thông báo cử một số cán bộ chiến sĩ đến viếng và phụ giúp tang gia, chứ không có chuyện huy động, phân công cả trăm người đến trực trong đám tang mẹ ông. Huy động nhiều người như vậy thì sẽ lấy ai để làm việc, thực thi nhiệm vụ”, ông Sáng khẳng định.

Không nên sử dụng con dấu vào việc riêng tư

Mới đây, ngày 9/4, nhiều doanh nghiệp ở Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng vô cùng ngỡ ngàng, búc xúc khi nhận được văn bản đóng dấu đỏ thông báo, bà Hoàng Thị Lừng, thân sinh đại tá Đinh Đình Thanh - Trưởng Công an quận Đồ Sơn mất tối 8/4, thọ 91 tuổi. Thông báo có đóng dấu đỏ này do thượng tá Nguyễn Xuân Đài, phó Công an quận ký, ghi rõ thời gian viếng và an táng cũng như địa chỉ nhà riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nghĩa tử là nghĩa tận nhưng các cơ quan nhà nước cũng không nên sử dụng con dấu của cơ quan (dùng cho "công vụ") vào mục đích riêng tư dù việc đó liên quan đến cán bộ hay lãnh đạo cơ quan.

Thắng Trần